Phim trường cho phim Việt vẫn còn là “ước mơ”

Bao nhiêu năm nay, với phim truyền hình Việt, có được những phim trường đúng nghĩa vẫn còn là “ước mơ” trên con đường đi tới dây chuyền sản xuất chuyên nghiệp.

Một bối cảnh nội của phim Dù gió có thổi quay trong phim trường 

Thời phim truyền hình bắt đầu “nở rộ” cách đây 10 năm, nhiều nhà sản xuất phim ở TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng phim trường, chủ yếu để quay nội cảnh cho một số phim truyền hình dài tập, như: Mùi ngò gai, Cô gái xấu xí, Dù gió có thổi, Gia đình phép thuật, Cỏ đuôi gà, Cô nàng bất đắc dĩ, Về đất Thăng Long, Hai khối tình... Những phim trường này được cải tạo hay xây mới từ các khu nhà cũ, đất bỏ hoang rồi dựng các bối cảnh nội từ nhà ở đến các văn phòng, khu phố... bằng gạch, ván ép, giấy bồi, xốp. Diện tích chật hẹp (từ vài trăm đến vài ngàn mét vuông), việc xây dựng thiếu đồng bộ, thiếu tính toán độ bền và định hướng sử dụng lâu dài dẫn đến chỉ sau vài năm tồn tại, hầu hết phim trường này rơi vào cảnh “đìu hiu” hay chuyển công năng, biến thành trường quay của gameshow, quảng cáo, truyền hình thực tế, talkshow.

Cách đây bốn năm, phim trường Hòa Phú (huyện Củ Chi) do Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh đầu tư đã hoàn thiện giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng và bắt đầu đi vào khai thác. Với diện tích 49,5 ha, phim trường Hòa Phú dự kiến được xây dựng các hạng mục nội cảnh, ngoại cảnh nhằm đáp ứng cho mọi cảnh quay cần bối cảnh xưa đến hiện đại, từ đề tài nông thôn, thành thị đến chiến tranh… Thời gian qua có Không có gì và không một ai (TFS sản xuất) quay một số bối cảnh ở phim trường này như lực lượng thanh niên xung phong đào kênh những năm sau 1975, tải đạn và cáng thương ở mặt trận trong chiến tranh Biên giới Tây Nam; Tơ hồng vấn vương (kịch bản chuyển thể từ tác phẩm của Hồ Biểu Chánh) dàn dựng những bối cảnh nông thôn Nam bộ thời xưa ở thập niên 1930 - 1940. 

Cảnh trong Tơ hồng vấn vương quay ở phim trường Hòa Phú 

Khi làm dòng phim xưa của Hồ Biểu Chánh, đạo diễn Hồ Ngọc Xum luôn mơ ước có phim trường ổn định để dựng cảnh. Khi làm các phim Con nhà giàu, Hai khối tình... ông rất vất vả đi nhiều nơi ở các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ để tìm kiếm bối cảnh có sẵn rồi cải tạo, chỉnh sửa cho phù hợp. Đạo diễn phim Không có gì và không một ai từng chia sẻ rằng, vì không có phim trường đủ rộng lớn để dàn dựng bối cảnh đường phố Sài Gòn thập niên 1970, trong khi hiện tại muốn tìm được một khu phố không có dây điện giăng mắc hay cột ăng ten tua tủa vươn lên trời là vô cùng khó khăn, mà sử dụng kỹ xảo để xóa chúng thì rất tốn kém; hay không chủ động được về địa điểm quay, không gian, ánh sáng, khói lửa khi tiến hành các cảnh quay lớn, cháy nổ hoặc tập trung đông người sẽ làm giảm đi sự hoành tráng cần có của những phim đề tài lịch sử, chiến tranh. 

Một bối cảnh quay nội của phim Hai khối tình trong phim trường 

Thu tiếng đồng bộ là một tiêu chuẩn mà thế giới đã thực hiện từ lâu, nhưng với phim truyền hình Việt thì lâu lâu mới có. Trên thực tế không nhà sản xuất nào muốn bộ phim của mình được lồng tiếng “mãi mãi” nhưng muốn thu âm đồng bộ thì trước hết phải có phim trường chuyên nghiệp. Không có phim trường nên khó tránh tạp âm, không có không gian cố định để đặt nhiều máy quay, dựng nhiều bối cảnh liên hoàn.

Bấy lâu nay, việc di chuyển nhiều nơi để “chạy” theo bối cảnh tốn khá nhiều thời gian, công sức và cả kinh phí  của các đoàn làm phim truyền hình Việt. Trên thực tế, nhiều phim trường ở ta bấy lâu cũng xây dựng hầu như chỉ phục vụ cho một vài phim. Những đoàn phim khác muốn quay tất nhiên phải thuê và chi phí không rẻ. Trong khi đó, phim truyền hình lâu nay vẫn được làm với kinh phí khoảng 180 triệu đồng, rất ít phim là 200 triệu đồng/tập, nên trừ những trường hợp không thể tận dụng bối cảnh sẵn có thì ê kíp sản xuất mới thuê phim trường. 

Một bối cảnh quay ngoại của phim Mùa cúc susi 

Đạo diễn Nguyễn Phương Điền cho biết, thay vì dựng ngôi nhà cổ trong phim trường quá tốn kém, đoàn làm phim sẽ kiếm tìm một ngôi nhà cổ đang có trong các khu dân cư để thực hiện cảnh quay với một khoản chi phí thuê nhà rẻ hơn. Thay vì “ngồi chờ” phim trường, nhiều đoàn phim rất tích cực tìm đến phim trường thiên nhiên để có được bối cảnh ngoại khiến khán giả phải xuýt xoa. Ví như Mặn hơn muối khai thác cuộc đời cơ cực của những diêm dân khi đối diện với sự khắc nghiệt của thiên nhiên và nạn buôn lậu muối ngoại. Muốn tạo ra những hình ảnh chân thật, đoàn phim đã “khăn gói” đến Phan Rang - nơi có những cánh đồng muối lớn để ghi hình.  

Để có thể mô tả phần nào đời sống của dân trên đảo Lý Sơn với bối cảnh đặc sắc như ngư dân đánh bắt hải sản sau những rạn san hô cùng các loài thủy sản phong phú và quý hiếm, đoàn làm phim Đảo khát đã cất công ra tận đảo này “bám dân, bám biển”. 

Phim trường thiên nhiên của phim Đảo khát trên đảo Lý Sơn

Còn với phim Mùa cúc susi, bối cảnh chính (gia đình ông Hai Lợi) với vườn cây cảnh, khu vực trồng lan, nuôi gà, khu bếp kiểu xưa… được tổ thiết kế tận dụng từ một khu nhà có sẵn tại Làng hoa Vạn Thành (Đà Lạt). Khu vực lán trại, hầm đá của nơi khai thác đá đỏ, khu chợ đá đỏ đặc trưng được đoàn phim chọn ở những khu vực rừng, suối còn hoang sơ của Đà Lạt. Tổ thiết kế đã tốn hơn hai tuần để tái hiện được những bối cảnh này một cách chân thật nhất.

Đan Khanh