Phim tài liệu: Trong thế giới cà phê

Qua quá trình ngụ cư lâu dài, cà phê đã hòa nhập hoàn toàn vào nền văn hóa bản địa, là một thành tố của sắc thái Tây Nguyên, bất chấp nguồn gốc ngoại lai của nó.


Cà phê Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển

Bộ phim tài liệu "Thế giới cà phê" (TFS) mở đầu với bối cảnh cà phê Việt Nam tại thủ phủ Tây Nguyên.

Đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê, nhưng công nghệ chế biến cà phê của Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển với chủ yếu là chế biến thô, tự phơi sấy trong điều kiện thời tiết vốn thường xuyên ẩm ướt. Vậy nên, hạt cà phê dễ xuất hiện nấm mốc, hạt đen, làm cà phê mất mùi lẫn tạp chất, giảm sút chất lượng.

Sự phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, khí hậu đang biến đổi khó lường đang khiến năng suất ngành này trở nên bấp bênh. Hiện cả nước có khoảng hơn 100 cơ sở chế biến cà phê nhân, trong đó Tây Nguyên chiếm 3/4. 


Người nông dân xay xát cà phê để phơi khô sau khi hái

Có rất ít nhà máy chế biến cà phê đạt chất lượng cao, chủ yếu là các phân xưởng sản xuất nhỏ của tư nhân với máy móc thô sơ, năng suất lẫn chất lượng đều không cao.

Phát triển trong điều kiện khó khăn, ngành cà phê đã có những bước tiến khổng lồ, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của nước ta, chỉ trong gần hai thập niên, Việt Nam từ một nước sản xuất cà phê chưa được biết đến đã vươn lên vị trí hai về sản lượng cà phê cung cấp cho thị trường thế giới. Tổng sản lượng của ba quốc gia đứng đầu về cà phê là Brazil, Việt Nam và Colombia nhiều hơn tất cả các nước khác cộng lại. 


Cà phê Robusta trở thành linh hồn của cà phê Việt Nam

Thiên nhiên đã ban tặng chúng ta điều kiện tuyệt vời để giống cà phê Robusta trở thành linh hồn của cà phê Việt Nam. Gần 90% diện tích đất trồng cà phê nước ta là dành cho giống cà phê này.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam là quốc gia đứng số một trong xuất khẩu cà phê Robusta. Cà phê chế biến sâu mới chiếm khoảng 10% tổng lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam, cả nước mới có 160 cơ sở chế biến cà phê bột và chỉ có sáu cơ sở sản xuất cà phê 3 trong 1, sản xuất cà phê hòa tan mới có năm cơ sở.

Tuy nhiên, cà phê hòa tan của nước ta mới xuất khẩu sang 25 thị trường, cà phê rang xay xuất khẩu sang 6 thị trường và cà phê chế biến khác mới xuất khẩu sang 16 thị trường.


Ngã 6 Buôn Ma Thuột - Trung tâm và là biểu tượng của thành phố

Cà phê chế biến sâu của Việt Nam chất lượng chưa cao, vướng rào cả về thuế và các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, nên khó cạnh tranh với các thương hiệu cà phê nổi tiếng thế giới.

Cây cà phê đã góp phần đưa Buôn Ma Thuột từ một thị xã tỉnh lẻ thành phố thị sầm uất. Nằm ngay trung tâm Tây Nguyên, thành phố chưa được trăm tuổi này được mệnh danh là thủ phủ cà phê Việt Nam.

Qua một quá trình ngụ cư lâu dài, cà phê đã hòa nhập hoàn toàn vào nền văn hóa bản địa, là một thành tố của sắc thái Tây Nguyên, bất chấp nguồn gốc ngoại lai của nó. Cà phê đã được công nhận là người con nối dõi của đất bazan màu mỡ và người con Tây Nguyên phóng khoáng. 


Hình ảnh thương hiệu cà phê Phim Deli trên đất Mỹ

Bên cạnh những thước phim đẹp và nhiều thú vị xoay quanh cây cà phê và giá trị của nó, bộ phim còn đề cập đến nhiều câu chuyện đáng lưu ý khác: Năm 2011, giới cà phê Việt Nam đứng ngồi không yên khi bất ngờ biết rằng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã bị đăng ký bảo hộ độc quyền trong vòng 10 năm tại Trung Quốc. Mất hai năm khiếu kiện, chúng ta mới dành lại được chỉ dẫn địa lý này. Đó là một bài học đắt giá cho việc bảo hộ thương hiệu sản phẩm quốc gia; hay câu chuyện thú vị của làng cà phê về thương hiệu cà phê Phim Deli trên đất Mỹ của doanh nhân Phạm Đình Nguyên...

Tuần sau, trên kênh HTV9, quý khán giả có thể tiếp tục đón xem những thước phim tư liệu quý khác trong các phim dưới đây.

8g ngày 19/2 - Phim tài liệu "Má ơi đừng đánh con đau" - Tập 1
8g ngày 20/2 - Phim tài liệu "Má ơi đừng đánh con đau" - Tập 2
8g ngày 21/2 - Phim tài liệu "Hát bá trạo" - Tập 1
8g ngày 22/2 - Phim tài liệu "Hát bá trạo" - Tập 2
8g ngày 23/2 - Phim tài liệu "Nói thơ Bạc Liêu"
8g ngày 24/2 - Phim tài liệu "Nói thơ Vân Tiên"

 
Thiên Bình