Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn: “Kiến trúc sư trưởng” của ký sự HTV

Đằng sau những ký sự “để đời” là câu chuyện nghề thấm đẫm mồ hôi, công sức, thậm chí là sinh mạng của ê-kíp làm phim.


Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn

Sau thành công của hàng loạt ký sự truyền hình của Hãng phim Truyền hình TP. Hồ Chí Minh (TFS) như: Trung Hoa du ký, Ký sự Hỏa xa, Hành trình theo chân Bác, Huyền bí sông Hằng và đặc biệt là Mê Kông ký sự… các đài truyền hình trong cả nước đã tập trung khai thác thể loại này. Người có công khai phá thể loại này chính là NSND Phạm Khắc và nhà biên kịch Trần Đức Tuấn - kiến trúc sư trưởng của hàng loạt Ký sự của TFS và đội ngũ làm phim nhiều kinh nghiệm, nhiệt huyết, đam mê của HTV. 

Đằng sau những tác phẩm “để đời” này là câu chuyện nghề thấm đẫm mồ hôi, công sức, thậm chí là sinh mạng của ê-kíp làm phim. Nhân số báo đặc biệt kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và kỷ niệm số phát sóng đầu tiên của HTV, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà biên kịch Trần Đức Tuấn.

Hàng loạt bộ phim Ký sự đánh dấu sự thành công của TFS/HTV, theo ông, yếu tố nào là quan trọng nhất làm nên sự thành công đó?

Đầu tiên, tôi khẳng định là phải có chủ trương và quyết tâm rất lớn của Ban lãnh đạo HTV. Việc tổ chức những đoàn phim ký sự là rất tốn kém nên phải biết cách tổ chức, biết cách vận động tài chính và đặc biệt phải chọn những người tâm huyết, đam mê đủ lớn và có tài năng để cùng vượt qua những khó khăn, cùng quyết tâm thực hiện tác phẩm của mình. Thực hiện một bộ phím ký sự đối mặt với rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, không thể biết trước được. Ngay cả ê kíp thực hiện hậu kỳ ở nhà cũng là những người rất tài giỏi. Ví dụ như việc chọn nhạc, nghe nhạc họ chọn tôi thấy rất rạo rực, đó là chất xúc tác để tôi viết những đoạn lời bình rất vừa ý với mình.


Phỏng vấn nhà biên kịch Trần Đức Tuấn

Có những bộ phim phải thực hiện hậu kỳ trên hành trình đi để chuyển về nước  phát sóng trong ngày. Đó là một khối lượng công việc cực kỳ lớn, ông và các đồng nghiệp đã bị áp lực thế nào và vượt qua ra sao?

Áp lực làm ký sự là không thể tránh khỏi, áp lực đó rất lớn. Tôi tư duy lời bình trong lúc di chuyển, lúc các đồng nghiệp đang quay, trong lúc ăn, lúc nghỉ ngơi, thậm chí cả lúc ngủ nếu mơ màng có ý tưởng thì bằng mọi giá phải bật dậy viết ra ngay, nếu không sẽ quên hết. 

Ký sự Hỏa Xa chúng tôi gặp rất nhiều áp lực do phải chuyển file hoàn chỉnh về cho Đài phát sóng trong ngày. Mọi người xem phim, thấy cảnh đẹp sẽ trầm trồ, thấy gian nguy thì lo lắng, thấy hình ảnh đoàn phim tác nghiệp vất vả sẽ xót xa, nhưng ít người hình dung ra một khối lượng công việc kinh khủng phía sau màn ảnh. 

Để có thông tin, chúng tôi phải chuẩn bị đọc tài liệu thật kỹ trước khi đi; ngoài hiện trường, chúng tôi không ngừng hỏi, ghi chép, thu thập, kiểm chứng, so sánh và xử lý thông tin. Có một “bí mật nghiệp vụ” mà bây giờ chúng tôi mới chia sẻ là ngoài việc chuẩn bị trước vài tập để phát sóng cuốn chiếu, chúng tôi đã thu sẵn những đoạn phát thanh viên hiện dẫn cáo lỗi với khán giả rằng do không thể liên lạc được với đoàn phim nên mời khán giả xem lại tập phim cũ. Tức là, chúng tôi phải tính đến những tình huống xấu nhất như đường truyền không tốt hoặc ngày hôm đó vì lý do nào đó không thể tác nghiệp được. 

May mắn là chúng tôi chưa sử dụng đến thủ pháp này vì sự nỗ lực của đoàn phim là rất lớn, 3 giờ sáng tôi vẫn ngồi viết lời bình, đi trên xe vẫn đọc lời bình và rất dễ bị tạp âm, vẫn phải dựng phim trên laptop và rất dễ chóng mặt, say xe, ói mửa do tập trung cao độ và xe rung lắc khi di chuyển.

Việc mày mò, tìm kiếm một phương pháp thể hiện để ký sự có sức hấp dẫn đã khó, nhưng hành trình du ký của đoàn phim mới thấm thía nỗi gian nan, vất vả mà nếu không vì lòng yêu nghề, nếu không có đủ đam mê, nếu không có sự kỳ vọng, tiếp sức của khán giả, đoàn phim khó có thể vượt qua. Thành công của Ký sự TFS đã có khán giả đánh giá, với tôi sự an toàn của tất cả các thành viên trong đoàn chính là thành công lớn nhất, nếu biết chúng tôi đã trải qua những phút giây sinh tử trong nghề.


Để có những bộ phim thành công vang dội như "Mê Kông ký sự", "Huyền bí sông Hằng", "Ký sự Hỏa xa"…, ông và ê - kip thực hiện đã trải qua những giây phút “sinh tử trong nghề” như ông vừa nói, ông có thể chia sẻ những kỷ niệm nhớ đời đó?

Trước hết, có thể nói ê-kip thực hiện những ký sự trên là những người tài năng, có đam mê đến tận cùng, đam mê đến mức có thể đánh đổi mạng sống của mình để có những thước phim đẹp. Sự đam mê đó khó có thể lý giải lắm, họ là những con người có thể sống chết vì nghề. Đó là lần chúng tôi đi vào những vùng thổ phỉ, dù có người dẫn đường và họ dặn dò kỹ “chỉ bước chân vào đúng dấu chân của họ”, nếu bước lệch có thể sẽ bị dẫm phải mìn, nguy hiểm đến tính mạng. Hoặc khi đi thực hiện Mê Kông ký sự, chúng tôi đi trên dòng sông, vào chỗ nước xoáy, lúc đó tưởng như nước cuốn cả con tàu chở chúng tôi. 

Hoặc khi đi vào những khu rừng nguyên sinh, ngay cả những nhà thám hiểm chuyên nghiệp đã từng bỏ mạng tại đây. Hành trình chúng tôi đi qua gặp những ngôi mộ của họ, vì không chịu nổi rừng thiêng nước độc, những nguy hiểm khó lường phía trước nên trả giá bằng chính sinh mạng của mình. 

Hay nhưng khi anh em quay cảnh đẹp của đỉnh núi Everest, chúng tôi thuê một chiếc trực thăng bay lên để quay. Do trực thăng cũ và đôi khi phải bay qua những khe núi hẹp, tưởng khó qua thoát nhưng cuối cùng anh em có những cảnh quay đẹp, để đời. Và chỉ nửa tháng sau đó, chúng tôi nhận được tin chính chiếc máy bay trên trong khi chở du khách bay lên quay phim, chụp hình cũng đã rơi xuống khiến 16 người tử nạn. 

Nhưng như quy luật bù trừ, nhờ làm phim mà chúng tôi được đặt chân đến mọi nẻo đường thế giới, đến nhiều nơi có tiền chưa chắc đến được. Đó là núi non hiểm trở, đó là biên cương cửa khẩu vắng lạnh, đó là những vùng sơn cước cheo leo, hang sâu nước độc. Lộ trình đi làm ký sự không mấy dễ dàng, cần mạo hiểm tới mức liều lĩnh, nhưng được hiểu biết những phong tục tập quán, những nền văn hóa khác nhau của xứ người, được cùng anh em trong đoàn chia sẻ nhau những kỷ niệm buồn vui trong nghề, có cả những đêm trắng lang thang uống bia với nhau, hoặc ngồi dưới cái lạnh buốt dưới ánh trăng vàng để nghe những bản Sonate ánh trăng của thiên tài Beethoven. Đó là những kỷ niệm đẹp, rất đẹp trong cuộc đời làm phim của tôi.


Lời bình do chính ông viết trong các phim ký sự, đặc biệt là Mê Kông ký sự được các nhà chuyên môn đánh giá rất cao, công chúng xem phim thì mê mẩn, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình để làm sao lời bình trong phim vừa cô đọng, súc tích, hàm lượng trí tuệ cao mà vẫn gần gũi, hấp dẫn đến như vậy?

Trong truyền hình, ai cũng biết hình ảnh là yếu tố số một và lời bình là yếu tố thứ hai. Tuy nhiên phải biết dùng lời bình để nâng hình ảnh, phải lựa chọn lời bình cho từng thể loại phim như miêu tả, tự sự hay chính luận. Tôi chọn cách viết trong sáng, văn phong giản dị nhưng phải trí tuệ, đó là trí tuệ phổ thông, không quá cao siêu và có thông điệp. 

Tôi cũng thích sử dụng lối viết tản mạn, tùy bút chen vào nhưng cân nhắc liều lượng, không lạm dụng, sa đà, sử dụng bút pháp văn học, ý tại ngôn ngoại, khai thác triệt để các điển tích hay, những dấu ấn lịch sử. Tránh cách viết triết lý vụn, văn vẻ cầu kỳ, khó hiểu, cao xa, viển vông, khoe kiến thức mà mất đi vẻ trong sáng của tiếng Việt. 


Một điều cần lưu ý nữa là chất bay bổng, lãng mạn, sâu lắng, sắc sảo liên quan đến sự vật một cách trực tiếp, hoặc gián tiếp đề cập tới sự đời, tới nhân tình thế thái đều là những điều dễ chia sẻ nhất đối với người xem, bởi đó là một lọai thông tin thuộc dạng trí tuệ, cảm xúc tâm tình mà khán giả rất cần. Cái khó ở đây là ta sử dụng sao cho phù hợp với bối cảnh và nội dung, phải chí lý, và tạo nên sự tâm đắc ở người xem. Còn nếu không khéo sẽ gây phản cảm, rất có hại cho sự hấp dẫn của toàn phim. 

Yếu tố đọc trong phim ký sự cũng rất quan trọng, nó có thể nâng tầm một văn bản, hoặc ngược lại, gây phản cảm đối với người nghe. Chất lượng lời bình không chỉ nằm ở văn bản mà còn phụ thuộc vào cách đọc, cách thể hiện. Hiện đang tồn tại hai khuynh hướng thể hiện lời bình. Một là giản dị tự nhiên, giàu phong cách hiện đại, và một thiên về diễn cảm, nặng về tán tụng hoặc chì chiết, lên bổng xuống trầm liên tục. Theo tôi thì cách thứ hai đang có chiều hướng thu hẹp dần vì bộ phận khán giả ưa thích cách diễn tả này đang bớt dần.
Xin cám ơn ông, xin chúc ông thật nhiều sức khỏe, tiếp tục đóng góp cho khán giả nhiều tác phẩm để đời.
Minh Diệu thực hiện