Diễn viên

Ngô Long Hồ: Thoát khỏi vùng an toàn là quyết định đúng đắn

Là một trong những diễn viên kỳ cựu, Ngô Long Hồ đã tích lũy được nhiều dạng vai trên màn ảnh phim lẫn sân khấu kịch. Kết quả này chính là “trái ngọt” đến từ quyết định rẽ hướng sự nghiệp của anh thời trẻ.


Ngô Long Hồ quyết định theo đuổi nghệ thuật sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa

Ngô Long Hồ sinh năm 1983 tại vùng đất nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử - Đồng Tháp. Anh là gương mặt quen thuộc với khán giả truyền hình qua các bộ phim: Lẩn khuất một tên người, Đất mặn, Màu xanh đôi mắt, Ngũ long công chúa; các vở kịch: Chuyện bốn mùa, Lời nguyền nhan sắc… Qua đó, anh thường để lại ấn tượng diễn xuất trong những vai chất phác, thật thà rất đặc trưng của người miền Tây. 

Chào Ngô Long Hồ! Anh đã có một khoảng thời gian dài hoạt động chăm chỉ với diễn xuất, vậy cơ duyên bắt đầu từ đâu? 

Đó là cột mốc vào năm 2002, Long Hồ đặt bước chân đầu tiên lên thành phố Hồ Chí Minh, học tập và tốt nghiệp tại trường Đại học Bách Khoa. Năm 2007, sau khi tốt nghiệp, Long Hồ bắt đầu cảm nhận được con đường hiện tại không thích hợp nên đã liều một phen đi thi vào trường Sân khấu Điện ảnh, bấy giờ là Cao đẳng Nghệ thuật Sân khấu.

Có thể nói, lần thi đó là cơ hội duy nhất để Long Hồ kịp thời thay đổi sự nghiệp. Bởi vì năm sau, Long Hồ đã vượt qua số tuổi quy định để thi vào trường. Thật may mắn, cuối cùng Long Hồ đã đậu vào trường và duyên với nghề đã bén từ đó.


Ngô Long Hồ (áo sọc, ở giữa) trong kịch dài “Lời nguyền nhan sắc” 

Từ một người được đào tạo trong môi trường khá khô khan là kỹ thuật và công nghệ, Long Hồ rẽ hướng sang môi trường nghệ thuật. Sự thay đổi khác biệt này có tạo cho anh khó khăn nào không?

Thật sự mà nói thì nghề nào cũng có thử thách và gian nan. Tuy nhiên, nếu bạn đam mê công việc mình đã chọn thì sẽ đủ sức để cố gắng thích nghi và phát triển tốt. Lúc đầu, Long Hồ chọn theo học trường Đại học Bách Khoa là lối nghĩ dành cho một cuộc sống đảm bảo sự an toàn. Nhưng khi Long cảm giác nó không thật sự thích hợp với mình nữa thì có cố gắng đến mấy cũng hoài công. Quyết định học thêm một lĩnh vực mới sau khi đã mất 4 năm học tập trước đó khiến Long Hồ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhất là bản thân chẳng có một mối quan hệ gì với môi trường nghệ thuật.

Ngẫm kỹ lại thì trường hợp của Long Hồ đúng là “nghề chọn mình” hoặc là do Tổ nghề đã có sự sắp xếp. Do đó, Long Hồ mới được học và làm nghề “ngót nghét” cũng 12 năm dù quá trình có khó khăn đến đâu. Hiện tại, mặc dù cái tên Long Hồ chưa được nhiều người biết đến và cũng không có nhiều vai để đời, nhưng Long Hồ không cảm thấy hổ thẹn vì bản thân đã luôn cố gắng hết sức hoàn thành các vai lớn nhỏ. 

Trong khoảng thời gian theo học diễn xuất, kỷ niệm nào khiến Long Hồ khó quên? 

Đây là kỷ niệm mà Long Hồ hãnh diện nhất khi học tại trường: nhận được điểm 10 đầu tiên từ cô giáo chủ nhiệm Yến Chi (nữ nghệ sĩ Yến Chi kiêm nhà sư phạm của ngành Sân khấu), một người khó tính và chưa bao giờ cho ai điểm 10. Ngoài ra là kỷ niệm về sự nhiệt tình giảng dạy, yêu thương từ thầy cô và học bổng được cấp trong suốt quá trình theo học. 


Nam diễn viên gắn bó với chương trình kịch “Chuyện bốn mùa” trên sóng HTV

Ở thời điểm hiện tại, Long Hồ cảm thấy thế nào về cuộc sống của mình? 

Bây giờ, cuộc sống của Long Hồ đã thay đổi đáng kể. Long Hồ đã có gia đình và mọi thứ dần ổn định hơn. Đặc biệt, khi người bạn đời của Long Hồ là ca sĩ Hồng Phượng luôn bên cạnh và thấu hiểu. Công việc của cả hai ở hiện tại là cùng đi quay phim, sitcom, tiểu phẩm, biểu diễn và lồng tiếng.

Bên cạnh đó, Long Hồ may mắn được thử sức ở nhiều bộ môn khác nhau trong nghề như: viết kịch bản và làm đạo diễn. Nếu có cơ hội và điều kiện, Long Hồ sẽ tham gia học khóa Đạo diễn để trau dồi thêm cho nghề.  


Long Hồ bên gia đình nhỏ hạnh phúc với ca sĩ Hồng Phượng (cháu gái NSƯT Vũ Linh)

Long Hồ nghĩ diễn xuất ở lĩnh phim và kịch có gì khác nhau?

Theo Long Hồ, phim và kịch là hai loại hình cần người diễn viên phải thể hiện diễn xuất khác nhau. Ngôn ngữ của kịch là hành động nên khi diễn kịch trên sân khấu, diễn viên phải khai thác hành động của nhân vật, dùng lời nói và hành động để khiến nhân vật ấy sống động. Còn với phim, các diễn biến nội dung, tính cách và tâm lý nhân vật đều có thể được truyền tải qua màn ảnh. Do đó, diễn viên cần phải khai thác bằng ánh mắt để lột tả hết biểu cảm và cảm xúc. 

Là gương mặt quen thuộc trong chương trình "Chuyện bốn mùa", anh có nhận xét gì về chương trình?

Chuyện bốn mùa là một chương trình truyền hình rất đáng xem vì mỗi câu chuyện đều nói lên được nét nhân văn và phản ánh mọi góc cạnh trong cuộc sống. Cũng vì thế, nhiều khán giả khi xem chương trình, phần nào cảm thấy gần gũi với cuộc sống ngoài đời. 


Long Hồ không ngại ám ảnh tâm lý nhân vật để thể hiện tốt vai diễn đến khán giả

Anh có bao giờ gặp trạng thái quá nhập tâm vào nhân vật dẫn đến ám ảnh sau khi phim/kịch kết thúc không?

Theo Long Hồ nghĩ thì người nghệ sĩ nào cũng vậy, khi hoá thân vào nhân vật của mình đều sẽ nhập tâm và sâu sắc tâm lý nhân vật. Riêng cá nhân Long Hồ khi nhận một vai diễn bất kỳ, Long Hồ đều phân tích nhân vật kỹ càng, người đó là ai, ở đâu, làm gì và hoàn cảnh... Do đó, ít nhiều trong quá trình nhập vai đã tạo nên ám ảnh trong Long Hồ nhưng bản thân chắc chắn sẽ thoát ra được. Sau tất cả, Long Hồ mong muốn khán giả sẽ ấn tượng với vai diễn và lối diễn của mình.

Cảm ơn diễn viên Ngô Long Hồ với những chia sẻ thú vị về hoạt động diễn xuất!
Nguyễn Oanh