HTV - Nơi lan tỏa điệu vọng cổ ngân xa

Các thế hệ nghệ sĩ sân khấu cải lương đều lưu giữ nhiều ký ức đẹp về sân khấu cách mạng qua những buổi ghi hình trực tiếp tại HTV.


NSND Ngọc Giàu

Niềm tự hào của nghệ sĩ

Nghệ thuật cải lương là loại hình ca kịch non trẻ nhất của sân khấu truyền thống vốn gắn liền với mảng đề tài xã hội, phản ánh những mối quan hệ gia đình bi thương, nhưng, sau năm 1975, khi những người nghệ sĩ tiên phong của sân khấu cải lương "đứng trong đội hình" sân khấu cách mạng đã thổi vào những làn điệu "vọng cổ" ngọt ngào nguồn sinh khí mới. 

NSND Ngọc Giàu tâm sự: “Với mục đích phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần, thẩm mỹ cho người dân thành phố lúc đó, HTV đã tổ chức ghi hình nhiều bài ca cổ ca ngợi cách mạng và các vở diễn truyền hình hay như: “Đâu có giặc là ta cứ đi”, “Chuông đồng hồ điện Krem – Li”, “Hòn đất”, “Chim Việt – Cành Nam”…Tôi còn nhớ các anh đạo diễn, biên tập của những ngày đầu gắn bó với HTV như: Phạm Khắc, Triều Dâng, Trần Văn Sáu, Thế Ngữ, Huỳnh Minh Nhị, Kiều Tấn, Kim Hà... đã góp phần mang lại thành quả cho Ban văn nghệ nói riêng và cả Đài nói chung, những dấu ấn đẹp qua các chương trình, vở diễn ca ngợi truyền thống cách mạng”.

NSND Kim Cương xúc động nhớ lại: Câu nói đầu tiên được nghe trên Đài: “Đây là Đài Truyền hình Sài Gòn giải phóng...”, do chị phát thanh viên Hồ Mỹ Hạnh xuất hiện trên màn hình và nói đầy khẳng khái, làm tôi ấn tượng mãi. Đài Truyền hình Sài Gòn vào lúc 19 giờ ngày 1/5/1975 - một thời khắc lịch sử mở đầu cho những hoạt động thường xuyên của Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV) suốt 45 năm nay. Tôi rất tự hào về những thành quả mà HTV đạt được, trong đó dấu ấn đậm nét nhất đối với văn nghệ sĩ TP chính là thực hiện các chương trình ý nghĩa về văn hóa, nghệ thuật, nổi bật có các vở kịch nói của đoàn Kim Cương như: “Lá sầu riêng”, “Bông hồng cài áo”, “Vực thẳm chiều cao”… 

Trong lòng NSND Minh Vương, từ nhiều năm nay, tầm vóc thương hiệu HTV đã không chỉ dừng lại ở đài địa phương mà còn lan tỏa ra cả nước và một số quốc gia trong khu vực. Ông nói, HTV luôn khẳng định được bản lĩnh của mình trong điều kiện tạo sức sáng tạo cho các thế hệ nghệ sĩ được cống hiến trong các chương trình giải trí nhằm phục vụ đông đảo các tầng lớp khán giả truyền hình. “Nội dung tuyên truyền của HTV luôn bám sát các chương trình hành động cách mạng của cả nước và thành phố, cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân thi đua lao động, sản xuất, bảo vệ Tổ quốc. 

Sân khấu truyền hình là một phương thức quan trọng nhằm đưa sân khấu đến gần hơn với nhiều thế hệ công chúng, đặc biệt trong thời đại cách mạng 4.0. Các chương trình, vở diễn được truyền hình trực tiếp hoặc ghi hình phát lại đã tạo được một vệt những thương hiệu đặc sắc như: “Chuông vàng vọng cổ”, “Ngân mãi chuông vàng”, “Vầng trăng cổ nhạc”, “Nghệ sĩ và sàn diễn”… 

45 năm qua, nhìn lại quyết định "ở lại" của mình, tôi cảm thấy tự hào vì đã lựa chọn đúng. Bởi, ngoài sàn diễn, nghệ sĩ chúng tôi còn có sân khấu HTV để thỏa sức sáng tạo, trong đó được vinh danh qua các tác phẩm sân khấu cách mạng như: “Dòng sông đầm lầy”, “Đôi bông tai”, “Cây sầu riêng trổ bông”, “Pha lê và cát bụi”, “Ánh sáng và bóng tối”, “Cho tình yêu mai sau”… mà công chúng yêu thích”.


NSND Minh Vương 

Ký ức khó phai mờ

Trong dòng hồi ức của NSND Kim Cương, bà kể "Cùng với niềm vui lớn của cả nước và của nhân dân thành phố, ngày 30/4/1975, khi biết tin Sài Gòn giải phóng, đông đảo nghệ sĩ, soạn giả, những người của ngành sân khấu cùng đổ về đường Nguyễn Du - trụ sở tạm thời của ngành văn nghệ. Họ cũng như tôi, quyết định ở lại. Khi đó anh Hồ Vĩnh Thuận – người trong Ban Giám đốc đầu tiên của Đài Sài Gòn giải phóng đã cầm tay tôi nói, chị chọn một bài phát biểu để quay hình số đầu tiên của nghệ sĩ Sài Gòn với khán giả truyền hình”.

NSND Kim Cương xúc động kể - bà nhớ nhà thơ Rum Bảo Việt, Ba Thành, soạn giả Mai Quân thuộc Ban Văn hóa L.71 (tức T.4 cũ) và ông Hồ Vĩnh Thuận là những cán bộ tiếp quản trụ sở 218A Pasteur (nay là trụ sở của Hội Mỹ thuật TP.HCM). 

“Các anh xúc tiến việc tập hợp văn nghệ sĩ, nhất là giới nghệ sĩ sân khấu, để tổ chức biểu diễn và quay hình phát sóng trên đài Sài Gòn giải phóng. Tất cả những nghệ sĩ kỳ cựu của ngành sân khấu đều vui mừng phấn khởi, nhớ như in ngày đầu tiên được lên sóng truyền hình sau ngày 30/4/1975”.

Với NSND Ngọc Giàu, bà nhớ sau ngày 30/4/1975, Ban Văn hóa L.71 đã được đổi thành tiểu ban Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Thành ủy, do nhà thơ Rum Bảo Việt phụ trách. Soạn giả Mai Quân làm Trưởng Ban Sân khấu, bộ phận này trở thành Ty Sân khấu từ tháng 8-1975. 

“Tôi được mời ghi hình bài ca cổ “Bài mẹ miền Nam” của NSND Viễn Châu, xúc động lắm, ca trực tiếp, thu đúng một lần, anh Hồ Vĩnh Thuận nói không cần quay lần hai, vì tôi và ban nhạc cổ lúc đó gồm: Bảy Bá (NSND Viễn Châu), Ba Tu, Năm Cơ, Chín Trích… đều thể hiện xuất sắc cảm xúc qua từng ngón đờn. Ký ức đẹp về ngày quay hình trên HTV trong không khí tưng bừng của đất nước thống nhất rất lạ” – NSND Ngọc Giàu kể.

Những ngày sau giải phóng, sân khấu TP. Hồ Chí Minh nở rộ sự hiện diện của các đoàn nghệ thuật mới, đủ bản lĩnh thay đổi cục diện sân khấu bị rơi vào lối mòn trong ca diễn trước đó. NSND Minh Vương cho rằng: “HTV đã thay đổi phong cách thể hiện qua các chương trình sân khấu truyền hình. Ban đầu kịch và ca nhạc là 2 thể loại nổi bật trên HTV từ đầu thập niên 1980, và phát triển rất mạnh trong giai đoạn này. Các vở chính kịch, cải lương vào các ngày thứ bảy thu hút đông đảo khán giả. Đặc biệt, kịch hài “Trong nhà ngoài phố” mỗi tối thứ Năm và Táo quân đêm giao thừa với sự dẫn dắt của hai đạo diễn Trần Văn Sáu và Thế Ngữ đã tạo hiệu ứng mạnh trong xã hội. Các văn nghệ sĩ nổi tiếng của miền Nam khi đó đều có điểm xuất phát từ đây, nhiều thuật ngữ, câu nói trong “Trong nhà ngoài phố” thành câu cửa miệng trong đời sống. 


NSND Kim Cương

Cả ba nghệ sĩ tài danh nay đã được nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, đều cảm nhận sâu sắc thời khắc kỷ niệm 45 năm ngày phát sóng đầu tiên của HTV. Họ cùng hân hoan chào mừng sự kiện này và tiếp tục cống hiến để có được những sản phẩm đồng hành cùng thế hệ nghệ sĩ trẻ, trong đó có lực lượng nghệ sĩ xuất thân từ cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ”, tiếp tục sáng tạo mang lại những dấu ấn mới cho công chúng yêu thích văn hóa nghệ thuật Việt.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp