Giới trẻ ngày càng xa rời âm nhạc dân tộc

Đa số thanh thiếu niên hiện nay rất thích nghe pop, rock, nhạc Hàn, nhạc Anh ngữ... mà quay lưng lại với chính âm nhạc dân tộc, khiến môn nghệ thuật này đang mất dần vị trí trong thị hiếu nghe nhìn của giới trẻ Việt. Làm cách nào để giải quyết vấn đề này?


NSƯT Kim Tử Long trong chương trình "Đưa sân khấu vào học đường" tại Trường THPT Hùng Vương

Âm nhạc truyền thống đang mất dần chỗ đứng trong giới trẻ

Theo nhà lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long, âm nhạc truyền thống là nghệ thuật được đúc kết từ hàng trăm năm nay, là viên ngọc quý thể hiện tinh thần và khẳng định giá trị của âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay người trẻ chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu về âm nhạc truyền thống cũng như các tác phẩm kinh điển của nền âm nhạc Việt Nam.

Tính cho đến thời điểm này, Việt Nam đã có 6 di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến âm nhạc được UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu nhân loại, đó là: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Quan họ và Hát Xoan Phú Thọ, Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. Nhưng vì sao giới trẻ ngày càng thờ ơ lãnh đạm với âm nhạc dân tộc? Hãy cùng Xu thế trẻ tìm hiểu lí do tại sao.

Khi được hỏi đến bản thân có muốn thử sức với loại hình âm nhạc dân tộc nào không thì hầu hết các bạn đều không có hứng thú, chỉ biết nhạc dân tộc - chẳng hạn như Cải lương thông qua các thế hệ trước. Có bạn thì không có nhu cầu và cũng không cảm được những loại hình nghệ thuật này. Còn những bạn có hứng thú thì khả năng của bản thân không đủ.

Nguyên nhân giới trẻ không tiếp cận âm nhạc truyền thống

Với câu hỏi vì sao âm nhạc dân tộc không phổ biến trong giới trẻ thì họ nghĩ nhạc nước ngoài dễ tiếp cận hơn. Và các bạn cũng không có cơ hội để tiếp cận nhạc truyền thống từ sớm để tìm thấy niềm đam mê. Có bạn cho rằng thời lượng chương trình dành cho các loại hình nghệ thuật này còn ít. Còn thực tế hơn thì một số bạn nghĩ những người đi theo ngành nghề âm nhạc dân tộc có thu nhập thấp lại ít đất dụng võ.

Chia sẻ với Xu thế trẻ âm nhạc dân tộc cần thêm yếu tố nào để thu hút thanh thiếu niên hơn thì các bạn trẻ có một số góp ý: đội ngũ sản xuất các chương trình âm nhạc truyền thống cần phải có kế hoạch đội nhóm, tăng cường truyền thông, đưa các loại hình dân ca - kịch - chèo vào trường học để các em học sinh tìm hiểu từ sớm... Chẳng hạn gần đây nhất có bộ phim điện ảnh Song Lang nói về nghệ thuật Cải lương, với nội dung ngắn gọn súc tích, chạm được lòng người cùng dàn diễn viên trẻ thực lực cũng đã truyền được cảm hứng cho các bạn trẻ. 

Các bạn trẻ đưa ra giải pháp để âm nhạc truyền thống dễ tiếp cận hơn với thanh thiếu niên

Sân khấu học đường là cầu nối để tạo thế hệ khán giả mới

Sự đa dạng trong bản sắc văn hóa vùng miền và các dân tộc đã làm nên sự phong phú của nền âm nhạc Việt Nam. Những câu hò, điệu lý ngân vang đã ghi dấu ấn bởi nét độc đáo và đặc sắc của riêng mình. Nhưng trước sự phát triển của đời sống xã hội, đòi hỏi phải có nhiều nỗ lực để kế thừa, bảo tồn những giá trị truyền thống đã được cha ông ta xây dựng và gìn giữ từ bao đời nay.

Xuất hiện tại TP. Hồ Chí Minh trong những năm gần đây, mô hình Sân khấu học đường trở thành một trong những phương thức mang nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với lứa tuổi học sinh. Có những lúc những khó khăn về kinh phí, nhân sự, cũng như hoạt động chưa được các cơ quan hữu quan chú trọng đầu tư bài bản lâu dài đã làm Sân khấu học đường tưởng chừng phải ngừng lại. Nhưng chính tâm huyết của những người làm nghề đã góp phần duy trì hoạt động cho đến ngày hôm nay. 

NSND Bạch Tuyết khái quát lịch sử phát triển 100 năm cải lương trên sân khấu trường học 

Thật đáng vui thay, trong năm qua Sở Văn hóa Thể thao TP. Hồ Chí Minh triển khai kế hoạch thực hiện đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật đờn ca tài tử" trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh một cách đồng bộ. Trong đó, có nội dung phối hợp biểu diễn và giảng dạy trong môi trường học đường, tạo điều kiện cho các đơn vị tổ chức Sân khấu học đường tiếp tục truyền lửa đam mê bộ môn nghệ thuật dân tộc đến với người trẻ.

Bên cạnh đó, kiến thức văn hóa dân gian về các loại hình như: dân ca, kịch nói, múa rối nước... cũng được truyền tải đến học sinh thông qua các tiết sinh hoạt ngoại khóa. Không nhiều thời gian cho một chuyên đề giao lưu, với thời lượng từ 30 - 90 phút các nghệ sĩ khách mời đã gửi gắm đến các em những phần trình diễn thu hút, những chia sẻ từ tận tâm khảm của những người làm nghệ thuật từng ngày gắn bó và gìn giữ bộ môn nghệ thuật mà họ yêu quý. Và chính sự hưởng ứng từ các em học sinh có thể xem là một tín hiệu vui tạo nên thế hệ khán giả mới cho nghệ thuật truyền thống trong tương lai. 

Chuyên đề "Sân khấu học đường" nhận được sự ủng hộ của các em học sinh tại trường THPT Nguyễn Du (Quận 10)

Trước thực tế còn quá nhiều điều suy tư, lo lắng về vấn đề bảo tồn, phát triển sân khấu dân tộc và âm nhạc truyền thống, cũng như tổ chức giáo dục nghệ thuật trong học đường đòi hỏi sự hỗ trợ từ các ngành chức năng như giáo dục, văn hóa, có như vậy mới nhanh chóng tìm ra giải pháp hữu hiệu, nhằm tạo nên sự thay đổi tích cực trong việc đào tạo nghệ thuật giáo dục nói chung cũng như Sân khấu học đường nói riêng hiện nay.

Đón xem chương trình "Xu thế trẻ" phát sóng lúc 21g30 thứ hai hàng tuần trên HTV9.

Minh Thiện