Chú Tống Văn Thơm: “Bàn tay vàng” biến phế thải thành những món đồ “độc nhất vô nhị”

Tiếp tục sứ mệnh tìm kiếm những câu chuyện mang thông điệp ý nghĩa với nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống, chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” đã mang đến câu chuyện của vua “hồi sinh” rác thải Tống Văn Thơm.


Chú Tống Văn Thơm xuất hiện trong chương trình "Khoảnh khắc cuộc đời" trên HTV9

Gần 70 tuổi vẫn miệt mài “hồi sinh” rác thải

Chú Tống Văn Thơm là Chủ tịch Hội Liên đoàn rác dân lập Quận 5, TP.HCM. Bắt đầu công việc thu gom rác từ năm 1978, đến nay đã hơn 40 năm gắn bó với nghề, chú Tống Văn Thơm được biết đến với danh xưng “chủ tịch rác”, “phù thủy rác”, “vua hồi sinh rác thải” và “hiệp sĩ đường phố”. Trải qua cuộc sống khó khăn tại đất thành phố nhộn nhịp, chú đã phải bôn ba khắp nơi, làm đủ nghề. Chú đến với nghề thu gom rác như một cái duyên và nghề này đã giúp chú cải thiện cuộc sống, chăm lo cho gia đình và nuôi ba người con ăn học thành tài. Đến nay dù đã gần 70 tuổi nhưng chú vẫn miệt mài với đam mê, sở thích “hồi sinh” rác thải.   

Hồi trẻ, chú Tống Văn Thơm là kỹ sư, nhưng không may bị sốt rét và nghỉ việc. Sau đó, thấy tại nơi mình sinh sống rác quá nhiều nên chú bắt đầu gom rác. Công việc ngày càng nhiều, chú tự lập đội thu gom rác cho bà con khu phố. Lúc đầu, nhân công không có, chú bèn kêu gọi anh em dưới quê lên làm cùng, đồng thời tạo công ăn việc làm cho họ. Mỗi ngày, chú bắt đầu công việc từ sáng sớm và kết thúc lúc 3 giờ chiều.


Chú Tống Văn Thơm chia sẻ cơ duyên đến với nghề thu gom rác thải và đam mê tái chế rác thành những vật dụng có giá trị

Sau đó chính là khoảng thời gian ý nghĩa nhất trong ngày khi chú vừa là có thể chế tạo ra những món đồ mới toanh để thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo. Chú Tống Văn Thơm chính là một “bậc thầy chế tạo rác thải” khi làm ra những món đồ “có một không hai”. Qua bàn tay của mình, chú đã biến những vật dụng tưởng chừng như đồ bỏ đi thành vật có giá trị. 

Đến nay, chú đã làm ra hơn 2000 sản phẩm với nhiều công dụng và hình dáng khác nhau. Chế tạo đồ vật từ rác thải không phải để kinh doanh kiếm lời mà chủ yếu chú Văn Thơm muốn tiết kiệm, tái chế chúng như khiến các món đồ ấy sống lại. Quan trọng hơn là góp phần làm giảm thiểu những chất độc hại thải ra môi trường. Hơn nữa, chú cũng rất chú trọng tham gia triển lãm các món đồ tái chế trong và ngoài nước nhằm nâng cao kiến thức hỗ trợ cho công việc hằng ngày.

Mong muốn mọi người chung tay bảo vệ môi trường

Công việc của chú Thơm thường xuyên phải di chuyển trên đường nên chú gặp không ít trường hợp cần đến sự giúp đỡ của người khác như tai nạn, kẹt xe,... Sau nhiều lần như vậy, chú thầm nghĩ bản thân đã chế tạo ra nhiều món đồ như thế thì tại sao không thiết kế ra một chiếc xe cứu thương giúp người? 

Sau đó, chú đã tự thiết kế và chế tạo ra một chiếc xe máy “đa năng” được trang bị rất nhiều vật dụng y tế, dụng cụ sửa chữa xe, kể cả bình cứu hỏa... Hễ thấy người gặp tai nạn, cần sự giúp đỡ là chú tận tình hết mình. Hơn thế, ngày nào chú cũng đến những ngã tư đường đông hỗ trợ điều khiển giao thông nhằm giảm tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm.

Có thể nói, ngoài chế tạo rác thải chú còn là một “hiệp sĩ đường phố” đích thực, cứu hộ cho những người gặp khó khăn khi tham gia giao thông, người đàn ông mang lại rất nhiều sự giúp đỡ cho mọi người và xã hội. Đối với chú, đi 10 chùa cũng không bằng bản thân cứu được một người. Nên cho dù ở cái tuổi của chú, người ta có thể an hưởng tuổi già thì chú vẫn miệt mài với niềm vui và sở thích tốt đẹp ấy. Có lẽ, đây không phải công việc kiếm ra tiền, nhưng một ngày còn sức khỏe thì ngày đó chú còn rong ruổi khắp con đường ngõ hẻm để giúp người, giúp đời. 


Theo chú Tống Văn Thơm, TP.HCM đã có nhiều biện pháp cũng như tuyên truyền người dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị như không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP.HCM sạch và giảm ngập nước nhưng ý thức của người dân vẫn chưa cao

Nói về ý thức bảo vệ môi trường trong xã hội hiện nay, “chủ tịch rác” Tống Văn Thơm nhận định: “Do ý thức của mỗi người dân, dù đã được tuyên truyền rất nhiều nhưng chuyển biến vẫn còn thấp. Tôi mong muốn là mọi người có ý thức chung tay bảo vệ môi trường”. Vì lẽ đó, hai năm trở về đây, chú kết hợp cùng với các trường học trong địa bàn từ cấp 2 đến đại học để hướng dẫn cách phân loại rác. Đồng thời, nhận thêm tầm 20 bạn sinh viên để thực tập tại “bảo tàng thu nhỏ” của mình.

Đằng sau sự thành công của người chồng đó chính là công lao của người vợ. Cuối buổi trò chuyện là sự xuất hiện của vợ chú Thơm - cô Nguyễn Ngọc Đào. Cô Đào cho biết, lúc đầu phản đối vì chú bày bừa ra khắp nhà không còn đường đi. Tuy nhiên, sau một thời gian, cô bị thuyết phục và đã ủng hộ chồng trong việc sáng tạo nên những vật dụng độc nhất vô nhị. 


Dành nhiều thời gian cho công việc ngoài xã hội nhưng chú Tống Văn Thơm luôn coi trọng giá trị vững chắc của gia đình

Dành nhiều tâm huyết cho công việc thu gom và tái chế rác song đối với chú Thơm, gia đình là trên hết. “Tôi không thể nào làm lơ được, đặc biệt là sức khỏe của bà xã. Nếu lỡ tôi có mất trước, thì những món đồ kỷ niệm lâu nhất và công lao nhiều nhất là không bán, để truyền lại cho con cái sau này”, chú Thơm chia sẻ.

Đến với “Khoảnh khắc cuộc đời” là đến với những khoảnh khắc ý nghĩa mang đến những điều tuyệt vời cho cuộc đời của mỗi con người, là những khoảnh khắc truyền cảm hứng và động lực trong mọi khía cạnh của cuộc sống. 

Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” do Đài Truyền hình TP.HCM phối hợp với Truyền thông Khang với sự tài trợ của nhãn hàng Trà xanh Không độ, phát sóng vào lúc 22g45 hàng ngày trên kênh HTV9.
Thanh Nga