Ca sĩ Tuấn Hiệp - Lãng tử âm thầm của những bản tình ca

"Không có sự sang hèn trong âm nhạc nên không có nhạc sang, nhạc sến", đó là quan niệm của Tuấn Hiệp - một ca sĩ chuyên hát dòng nhạc cách mạng - trữ tình đến từ thủ đô Hà Nội.

Ca sĩ Tuấn Hiệp 

Nếu nói đến những ca sĩ nổi tiếng nhưng luôn đứng ngoài những ồn ào của giới showbiz, người ta sẽ nhắc đến tên Tuấn Hiệp. Tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Học viên Âm nhạc Việt Nam, duyên nợ với âm nhạc đã cuốn Tuấn Hiệp vào lối rẽ nghệ thuật mà anh cảm thấy hạnh phúc. 

Được NSND Quang Thọ và NSND Lê Dung nhận làm học trò, anh được đánh giá là có giọng hát hiếm. Đỗ thủ khoa cả đầu vào lẫn đầu ra Học viện Âm nhạc, năm 2002 Tuấn Hiệp đoạt giải Nhì cuộc thi Tiếng hát Truyền hình Hà Nội. Trước con đường nghệ thuật đang mở rộng, tiếng hát của anh bay cao mạnh mẽ với những ca khúc cách mạng hào hùng, Tuấn Hiệp chọn cho mình lối đi riêng.

Trong 20 năm đi hát, hiếm có ca sĩ Hà Nội nào được mời đi hát nhiều như Tuấn Hiệp. Anh cũng là số ít các ca sĩ được kiều bào yêu mến và xem như người nhà mỗi khi sang biểu diễn. Những năm gần đây, Tuấn Hiệp chọn TP. Hồ Chí Minh là nơi chốn đi về của mình. Song, trong anh vẫn luôn da diết nhớ về Hà Nội với những góc phố, hàng cây đã gắn bó với hơi thở. Những ca khúc anh hát về Hà Nội luôn mang một tâm sự da diết, khắc khoải, khiến những người có cùng tâm trạng xa quê không khỏi chạnh lòng. 

 Tuấn Hiệp nổi tiếng với những bản tình ca về Hà Nội

Cuộc sống của một ca sĩ như Tuấn Hiệp tại TP.Hồ Chí Minh khá bình yên, trầm lặng. Anh không chạy show như nhiều ca sĩ trẻ mà chọn cho mình lối sống đơn giản, bình dị, dành thời gian cho gia đình và bạn bè. 

Ngoài những chuyến lưu diễn ở nước ngoài và trong phòng thu đều đặn, Tuấn Hiệp cho ra đời những sản phẩm mới. Vẫn chung thủy với dòng nhạc trữ tình. Anh giữ chất giọng cho dòng nhạc duy nhất để tập trung hát có chiều sâu, chứ không tham thể hiện nhiều thể loại khác nhau. 

Anh quan niệm: "Không có sự sang hèn trong âm nhạc nên không có nhạc sang, nhạc sến". Dù hát nhạc nhẹ hay nhạc xưa thì Tuấn Hiệp vẫn mang được những giá trị cảm xúc và tâm hồn của mình trong từng tác phẩm. 

Tuấn Hiệp trong chuyên mục "Mỗi tuần một nhân vật"

Tuy còn khá lạ mặt với khán giả phía Nam, nhưng đối với những ai yêu các ca khúc tiền chiến thì đây quả là một giọng hát được yêu thích rất nhiều. Đến với chuyên mục Mỗi tuần một nhân vật của chương trình Tạp chí văn nghệ, Tuấn Hiệp đã chia sẻ về con đường sự nghiệp của anh.

Chào Tuấn Hiệp, có phải dòng nhạc khởi đầu của anh khác với dòng nhạc bây giờ anh đang biểu diễn không?

Thời kì đầu, tôi học ở Học viện Âm nhạc quốc gia theo dòng nhạc cách mạng. Sau này, tôi thấy tâm hồn mình thuộc về những bản tình ca thì tôi sống trọn với đam mê của mình. 

Như vậy thì dòng nhạc anh đang trình diễn và được khán giả đón nhận bắt đầu từ năm nào? 

Nếu mà thích thì thích từ lúc tôi chưa biết nhạc. Từ nhỏ, tôi được nghe nhạc của các thế hệ trước thì tôi ngấm dần. Lớn lên, tôi được học trong một môi trường đào tạo chuyên nghiệp, âm nhạc giảng dạy thì cũng không nghĩ rằng mình sẽ theo dòng nhạc này. 

Khi dòng nhạc này được phổ cập nhiều hơn thì mình lại có cơ hội hát nhiều hơn, và khi cảm thấy nó trở thành hơi thở của mình thì tôi thấy mình theo dòng nhạc này là hợp lý.

Được mệnh danh là chàng lãng tử hát nhạc tình, Tuấn Hiệp không dành nhiều thời gian cho các MV đình đám mà chăm chỉ tham gia các dự án, những chương trình âm nhạc trong và ngoài nước một cách có chọn lọc. 

 Hình ảnh trong MV "Quên nhớ một người"

Đầu năm 2020, người hâm mộ bất ngờ với MV Quên nhớ một người được đầu tư chỉn chu, kĩ càng. Phần lớn các cảnh quay được quay ở châu Âu, nơi anh thường xuyên lui tới biểu diễn. Ca khúc có giai điệu đẹp được thể hiện bởi giọng hát nội tâm đầy nam tính, đã tạo nên một không khí âm nhạc lãng mạn, da diết.

Khi Tuấn Hiệp bắt đầu dòng nhạc trữ tình thì khán giả vẫn còn say mê nhạc trẻ sôi động, và tuổi tác của anh lúc đó cũng không lớn. Tại sao mình lại tự tin để chuyển sang dòng nhạc này?

Tôi không muốn đi theo lối mòn của bất kì một người nào. Thế hệ của tôi gần với các đàn anh Đan Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàng... Thời kì đó, ba nghệ sĩ này cũng quá thành công với nhạc cách mạng. Còn tôi thì chỉ mới đạt giải nhì Tiếng hát Truyền hình Hà Nội, cũng được mời đi hát rất nhiều. 

Nhưng khi tự đặt câu hỏi mình mê dòng nhạc tình thì tại sao mình không theo dòng nhạc đó thì tôi quyết định tìm ra con đường cho riêng mình.

Tuấn Hiệp giữ chất giọng cho một dòng nhạc duy nhất để hát có chiều sâu

Một số người cho rằng những ca khúc trữ tình này chỉ nghe những ca sĩ như Tuấn Hiệp hát "mới đã". Anh nghĩ thế nào về suy nghĩ này? 

Tuấn Hiệp hát những bản tình ca về Hà Nội, nhưng thực ra là do bài hát vốn đã hay và tôi chỉ là người chuyển tải thôi . Nếu ca sĩ hát biết đặt tình cảm của mình vào đó nữa thì sẽ tôn được ca khúc đó lên. Sau này có các bạn trẻ hát lại tôi cũng thích chứ không riêng gì mình.

 Một góc nhỏ trong nhà để trưng bày album đã ra mắt của Tuấn Hiệp

Ở mảnh đất phương Nam, cuộc sống nghệ thuật của Tuấn Hiệp có phần lặng lẽ hơn, nhưng anh hài lòng với những gì mình lựa chọn ở từng chặng đường khác nhau trong đời mình. Với anh, là một nghệ sĩ chuyên nghiệp thì phải luôn trau dồi, học hỏi không ngừng để giọng hát mình luôn giữ được chỗ đứng tin yêu trong lòng khán giả. 

Và anh luôn tự tin rằng, làm nghệ thuật nghiêm túc là lựa chọn đúng đắn để một ca sĩ, một giọng hát luôn được nhớ mãi, chứ không ồn ào một thời điểm nhất định rồi nhanh chóng phôi phai.

Mời quý khán giả đón xem chuyên mục "Mỗi tuần một nhân vật" trong chương trình "Tạp chí văn nghệ" phát sóng lúc 8g30 Chủ Nhật hàng tuần trên kênh HTV7.

Thu Thu