Box thư giãn

Biên kịch Phạm Thùy Nhân: "Cái khó" là sự hấp dẫn của cuộc sống

Là một trong những nhà biên kịch kỳ cựu của điện ảnh phía Nam, Phạm Thùy Nhân là tác giả của những bộ phim truyền hình lịch sử gây tiếng vang lớn như: "Vó ngựa trời Nam", "Dòng đời"... do Hãng phim TFS sản xuất.

Biên kịch kỳ cựu Phạm Thùy Nhân

Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân sinh ra tại Bình Thuận. Vốn đam mê nghệ thuật từ nhỏ nên khi trở thành sinh viên khoa Văn của Viện Đại học Đà Lạt (nay là Trường Đại học Đà Lạt), ông là một trong những người chủ chốt thành lập ban kịch nổi tiếng Thụ Nhân.

Năm 1980, ông về công tác tại Hãng phim Giải phóng và bắt đầu sự nghiệp biên kịch. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách đã xuất bản như: Thành phố những khuôn mặt điện ảnh, Dưới ánh đèn sân khấu... Các bộ phim truyện về đề tài lịch sử do ông biên kịch tạo được tiếng vang rất lớn như: Về đất Thăng Long với nhân vật chính là vua Lý Thái Tổ (TFS - Hãng phim Giải Phóng), Vó ngựa trời Nam (TFS) - bộ phim truyền hình dài tập về thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, Bình Tây đại nguyên soái (TFS - Hãng phim Giải Phóng) nói về anh hùng Trương Định, Tây Sơn hào kiệt...


Các tác phẩm lịch sử của ông: Về đất Thăng Long - Vó ngựa trời Nam - Bình Tây đại nguyên soái

Một số kịch bản của ông khi lên phim đã được giải thưởng cao trong nước và quốc tế như: Gánh xiếc rong (giải bạc liên hoan phim quốc tế Nantes – Pháp 1990), Dấu ấn của quỷ (giải đặc biệt liên hoan phim Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 38), Xương rồng đen (giải A Hội điện ảnh 1994), Mê Thảo - Thời vang bóng – giải bông hồng vàng liên hoan phim quốc tế Bergamo – Ý)… 

Gần đây nhất, ông cũng là người chấp bút kịch bản cho bộ phim điện ảnh chuyển thể từ bản gốc Hàn Quốc - Những tháng năm rực rỡ, được giới nghệ thuật đánh giá cao. Bộ phim cũng nhận được sự yêu thích của phần đông khán giả trẻ.

Biên kịch Phạm Thụy Nhân không dám nhận mình là đại tài, ông chỉ nhờ vào đôi bàn tay đã giúp ích trong việc sáng tác kịch bản, để những bộ phim có thể tạo được hiệu ứng đến với công chúng. 

Cơ duyên nào đến với công việc biên kịch 

Khi còn học tại Viện Đại học Đà Lạt, Phạm Thùy Nhân theo khoa Việt Văn. Đến cuối năm hai, ông được học môn Kịch nghệ và cảm thấy yêu thích bộ môn này vì được tiếp xúc từ kịch Pháp, Anh đến sân khấu truyền thống của Việt Nam. Lúc đó, người thầy của ông và cũng là một kịch tác gia nổi tiếng - giáo sư Vũ Khắc Khoan đã cho ông cơ hội góp mặt vào tác phẩm kinh điển Thành Cát Tư Hãn. Đó cũng là lần bén duyên đầu tiên của Phạm Thùy Nhân với phim ảnh lịch sử.

Những văn bản thô của các bộ phim trước khi đến với khán giả

Biên kịch Phạm Thùy Nhân cho rằng, đây là một khuyết điểm lớn của điện ảnh Việt Nam. Truyền thông chúng ta thường hay dừng ở đạo diễn vì họ là người làm nên bộ phim từ những con chữ của kịch bản. Ông nói vậy không phải để làm mất lòng những người cộng tác mà chỉ muốn khán giả trân trọng hơn nghề biên kịch. 

Ông chia sẻ: "Trên đời này không có gì là dễ cả, nếu mình làm được thì sẽ từ khó sang dễ. Cuộc sống mà lúc nào cũng dễ thì rất tẻ nhạc". Các nguồn tiểu thuyết, thơ văn đều có thể chuyển thể thành phim nhưng vấn đề là người chuyển thể phải có kĩ năng, kiến thức đầy đủ. Người chuyển thể được phép có góc nhìn khác với tác giả vì mỗi người sau khi đọc tác phẩm sẽ có cảm xúc khác nhau. Dựa trên nền tảng đó, người chuyển thể có thể tự do truyền tải cảm nhận của mình vào bộ phim, để mang đến cho khán giả một tác phẩm hoàn toàn khác. 

Các diễn viên trong "Những tháng năm rực rỡ" do Phạm Thùy Nhân làm biên kịch

Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân chia sẻ rằng, các bạn trẻ mới vào nghề cần phải chuẩn hóa một lối viết kịch bản. Thứ hai là họ phải chịu khó học hỏi, tiếp nhận nhiều điều từ cuộc sống hiện thực, năng động hơn và đừng... "thiền" sớm quá. Trên cơ sở đó, họ mới có đủ nội lực để bước vào nghề.

Có thể nói, nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân được xem như là một nhà biên kịch thành công nhất của Việt Nam, và có nhiều cống hiến nhất cho mảng phim về đề tài lịch sử. Với niềm đam mê viết cũng như là mong muốn cho ra đời những tác phẩm hay, ông vẫn tiếp tục sáng tác với tất cả niềm đam mê của mình với điện ảnh. 

Ông cũng dành thời gian của mình để tham gia giảng dạy môn biên kịch tại trường Đại học Sân khấu điện ảnh TP. Hồ Chí Minh. Ông luôn tâm niệm phải có niềm say mê và bản lĩnh thì mới viết nên những kịch bản có hồn. Nên những lúc rảnh rỗi, ông thường chia sẻ kinh nghiệm của mình với những người học trò - những người có niềm đam mê và mong muốn đi theo con đường nghệ thuật như ông.

Khiết Băng