Biên đạo Nguyễn Tấn Lộc: Múa là một nghề rất đáng yêu

Bắt đầu học múa từ năm 17 tuổi bằng sự say mê, Nguyễn Tấn Lộc kết nối cảm xúc qua ngôn ngữ cơ thể, sau đó là hành trình vươn ra thế giới. Anh đã truyền cảm hứng từ múa đến với mọi người.

 Biên đạo múa Nguyễn Tấn Lộc 

Nguyễn Tấn Lộc là cái tên quen thuộc của nhiều chương trình nghệ thuật diễn ra ở trong và ngoài nước. Anh cũng là người sáng lập Liên hoan múa đương đại quốc tế TP. Hồ Chí Minh - một liên hoan định kỳ tại TP. Hồ Chí Minh được khởi sự từ năm 2013 với sự tham gia của hơn 30 diễn viên, biên đạo múa đến từ nhiều nơi trên thế giới. 

Bên cạnh đó, cùng với Arabesque, Tấn Lộc đã sáng tạo nên những vở diễn: Chuyện kể Những chiếc giày, Mộc, Tích tắc, Rơm, The Ballerina… mang đến một hơi thở mới cho nghệ thuật múa tại Việt Nam, cả về sáng tạo và thưởng thức. 

Ngoài tham gia đào tạo các diễn viên chuyên nghiệp làm việc tại Arabesque và tham gia các kỳ thi quốc tế, các liên hoan quốc tế cũng như nhận học bổng từ các công ty múa ở châu Âu để tu nghiệp, anh cũng là biên đạo của các chương trình hiện đang công diễn tại Nhà hát thành phố như Sương sớm, À ố show... 

 NSƯT Tố Như (giữa) trên sàn tập chương trình "The Ballerina"

Năm 2015, Tấn Lộc là một trong hai biên đạo Việt Nam được Cirque Du Soleil của Canada mời tham gia biên đạo cho vở Toruk the first flight. Anh cũng mới ngồi vào vị trí cố vấn nghệ thuật cho chương trình The Ballerina, được công diễn tại Nhà hát TP. Hồ Chí Minh vào tháng 9 năm 2017.

Tấn Lộc là một gương mặt rất đặc biệt của nghệ thuật múa phía Nam, nhưng anh lại rất ngại trả lời báo chí và xuất hiện trên các chương trình talkshow. Thế nhưng sau khi nhận lời mời của Cà phê cuối tuần, anh đã hài hước đính chính: "Với việc múa thì mình ô-kê, nhưng ăn nói lại rất ghê". Đó là cũng là lý do anh ít trả lời phỏng vấn. Tiếp đến, Tấn Lộc bước vào 10 câu trả lời nhanh của chương trình.

 Vở "Toruk the first flight" được trình diễn nhiều nơi ở nước ngoài

Ngày hay đêm?

Do sinh sống ở TP.Hồ Chí Minh, Tấn Lộc chọn đêm vì khoảng thời gian đó anh mới có thể là chính mình. Mỗi ngày, hoạt động ban ngày của anh rất náo nhiệt và ồn ào. Chỉ về đêm anh mới có nhiều thời gian cho bản thân mình hơn.

Trái lại khi về quê ngoại ở Lái Thiêu, anh thích ban ngày yên tĩnh. Những khi ấy, anh ra ngồi ngắm lục bình trôi trên sông, nghe tiếng gà gáy, tiếng chim hót anh cảm thấy nhẹ nhàng, vì anh không còn bị cuốn vào công việc bận rộn. Nhịp sống ở quê giúp anh suy nghĩ chậm hơn và nhìn cảnh vật cũng đẹp hơn. Đặc biệt là anh có cảm giác mình "được sống" nhiều hơn.

Dân gian hay đương đại?

Như vậy lại có sự mâu thuẫn khi giữa dân gian hay đương đại, anh lại chọn đương đại. Tấn Lộc lấy ví dụ khi anh còn sống bên Nhật, anh cảm thấy nơi đó có sự giao hòa giữa miền quê và sự hiện đại. Do đó, anh thấy đó là sự kết hợp rất hài hòa.

 Tấn Lộc trả lời 10 câu hỏi nhanh

Học hay làm?

Tấn Lộc đứng về phía học. Anh kể, hồi còn đi học ở Đại học Mở, anh đã từng trả lời thầy giáo rằng sở thích của mình là học. Tuy nhiên, thầy nói đó không phải sở thích nhưng anh vẫn quả quyết theo ý mình. Anh nói lúc còn trên ghế nhà trường thì chúng ta học kiến thức, lớn thêm một chút thì học cách cư xử, ra đời một thời gian thì học thêm để nâng cao tay nghề. Già rồi thì học làm cách nào để buông bỏ. Cuộc đời con người luôn gắn liền với chữ "học". Nếu không đem nó thành sự yêu thích thì cũng không thể nào học được.

Vở diễn đánh động công chúng về nghề múa

Năm 2009, vở diễn đầu tiên anh biên đạo mang tên Chuyện về chiếc giày đã tạo được ảnh hưởng đến công chúng. Anh chia sẻ: "Giày thì ai cũng  phải có cho mình một đôi. Một người cũng có thể có nhiều đôi. Đối với diễn viên múa, có người mang giày jazz, có người mang giày ba-lê, giày mũi mềm... Nhưng khi chiếc giày ngày càng cũ đi thì giá trị của người diễn viên ngày càng dày hơn. Tạo ra vở diễn này chúng tôi muốn để mọi người biết rằng nghề múa rất đáng yêu. Cũng có rất nhiều người đáng yêu đang làm nghề này và hi sinh cho nghề. Mặc dù nghề múa là một trong những nghề khá bạc bẽo".

 Hải Anh bây giờ là một diễn viên và giáo viên dạy múa nổi tiếng

Nhắc đến vở diễn, Tấn Lộc cũng nhắc đến Hải Anh - cô diễn viên múa được anh đánh giá là thông mình và nhạy bén từ nhỏ. Năm đó, cô cũng tham gia Chuyện về chiếc giày trong vai một em học sinh đến lúc trưởng thành làm cô giáo. Anh cho biết câu chuyện ngày trước của vở diễn bây giờ lại thành hiện thực với Hải Anh.

"Khi làm việc với các bạn trong những ngày đầu tiên tôi đã nói với họ, chúng ta gặp nhau ở đây là một cái duyên. Hợp tác tốt với nhau trong một nhóm là chuyện chúng ta nên làm, để sau này khi không còn làm việc chung nữa, nghĩ về thời điểm đó, chúng ta thấy mình đã cố hết sức. Đặc biệt là với điều mà các bạn yêu thích", anh nói.

Biên đạo Tấn Lộc chia sẻ, khi một người đã lỡ yêu múa và trở thành một diễn viên múa đứng trên sân khấu biểu diễn thì lúc đó bạn không còn là chính mình nữa. Hành động, biểu cảm, cảm xúc người múa truyền ra bên ngoài lúc đó không chỉ đơn thuần là động tác, mà là cảm xúc có thể mở ra được "trường cảm nhận" đến với khán giả. "Trường cảm nhận" đó sẽ rung động trái tim người xem.

Bài múa "Thank you Covid-19 frontline heroes" gửi lời tri ân đến với những người ở tuyến đầu chống dịch

Chương trình Cà phê cuối tuần có để anh Tấn Lộc mở phong thư chứa "chiếc khẩu trang" bên trong. Đó cũng là thông điệp liên quan đến tác phẩm mới nhất của Tấn Lộc mang tên Thank you Covid-19 frontline heroes. Bài mùa là lời tâm tình cũng như lời tri ân của anh và ê-kíp thực hiện đến với những người ở tuyến đầu chống dịch.

Đón xem chương trình "Cà phê cuối tuần" phát sóng lúc 8g thứ Bảy hàng tuần trên kênh HTV7.

Kha Đồng