Vai trò phản biện xã hội của báo chí

Hai trong số nhiều nội dung được các nhà báo thảo luận trong các đại hội Hội Nhà báo cấp cơ sở tiến tới Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam là vai trò phản biện xã hội của báo chí, và vấn đề bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp cho nhà báo.

Thoạt nhìn, cứ tưởng hai nội dung này là hai vấn đề nghiệp vụ được tiếp cận ở các góc độ khác nhau. Nhưng không phải thế. Trong đại đa số trường hợp, vai trò phản biện xã hội của báo chí có được phát huy cao hay không cũng có ít nhiều dính dáng đến vấn đề quyền hành nghề hợp pháp cho nhà báo có được bảo đảm hay không. 

Vì sao như vậy?

Trước hết, lâu nay, câu chuyện quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo thường được nhắc đến với những vụ việc cản trở nhà báo hành nghề bằng những hình thức hành hung, ngăn cản. Và những cuộc hội thảo, những bài viết gần đây đều tập trung nói nêu lại các vụ cản trở, hành hung nhà báo thời gian qua để kêu gọi phải bảo vệ nhà báo, phải xem tác nghiệp báo chí là thi hành công vụ, phải có đường dây nóng cho nhà báo thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng khi bị cản trở, hành hung.

Thực tế, câu chuyện cản trở nhà báo tác nghiệp phổ biến lâu nay lại xuất hiện… ngọt ngào hơn nhiều. Không phải hành hung nhà báo mới là cản trở mà chính sự im lặng đáng sợ, chuyện cố tình không cung cấp thông tin cho báo chí mới thật sự là sự cản trở lớn. Đã có nơi nhân danh “vùng cấm”, nhân danh “thông tin mật”, nhân danh lợi ích quốc gia, an ninh quốc gia, hoặc an toàn quản lý để không cung cấp thông tin cho báo chí.


Những “vùng cấm” trong thông tin làm cho báo chí đánh mất vai trò phản biện xã hội. Trong ảnh: Tác nghiệp báo chí trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội 2019

Tất nhiên, đặc điểm của thông tin báo chí là công khai, và vì công khai nên thông tin báo chí tạo ra dư luận xã hội, tạo nên sức mạnh. Nhà báo cũng nhân danh lợi ích cộng đồng để hành nghề. Nhà quản lý cũng nhân danh nhiều yêu cầu quản lý để nỗ lực cung cấp và cố tình không cung cấp thông tin cho báo chí. Mâu thuẫn này ở đâu cũng có, thời nào cũng có, nền báo chí nào cũng có. Tốt khoe, xấu che. Không ai dại gì khoe cái xấu của mình. Và vì thế chúng ta mới có Quy chế người phát ngôn. Và vì thế chúng ta mới cần xây dựng Luật tiếp cận thông tin.

Quy chế người phát ngôn thì có lâu rồi nhưng nhà báo bị cản trở tiếp cận thông tin thì vẫn còn đó. Vấn đề ở đây là “ngưỡng”. Thông tin thế nào là “mật”, là không được công khai cần có những cái “ngưỡng” định tính, định lượng; cần có cái “ngưỡng” của nghiệp vụ và đạo đức làm báo.

Dông dài về quyền tác nghiệp hợp pháp của nhà báo như thế, chúng tôi muốn nói rằng, để báo chí làm tốt phản biện xã hội, phải có cơ chế cho nhà báo tiếp cận thông tin. 

Nếu còn có quá nhiều “vùng cấm” trong thông tin, vai trò phản biện xã hội của báo chí vẫn còn bị lu mờ. Chức năng phản biện xã hội của báo chí luôn đi liền với những chức năng cơ bản: cung cấp thông tin, tuyên truyền và định hướng dư luận.

Thực tế cho thấy, báo chí đã nỗ lực để làm tốt nhiệm vụ phản biện xã hội thông qua nhiều hình thức báo chí, đặc biệt là các dạng thức báo chí tương tác thời gian gần đây nhằm huy động trí tuệ của công chúng báo chí vào các diễn đàn phản biện. Nhiều nhà quản lý cũng nhận thấy vai trò to lớn của phản biện báo chí trước những dự án, đề án, kế hoạch... Nhiều vị lãnh đạo đã có thể cảm nhận được phản ứng và quan điểm hành xử của cộng đồng xã hội trước các vấn đề được báo chí nêu ra. Chúng ta vui mừng khi báo chí Việt ngày càng chấp nhận những ý kiến khác biệt, những cái nhìn tham chiếu, đối trọng trong tinh thần dân chủ.


Dù có Quy chế người phát ngôn nhưng đôi lúc đôi chỗ, báo chí còn bị từ chối, né tránh…

Quản lý là quá trình dần hoàn thiện. Những ý kiến đồng thuận hay trái chiều nếu được trình bày trên tinh thần xây dựng và bình đẳng sẽ góp phần cho các nhà quản lý có sự điều chỉnh kịp thời, hợp lý. 

Cũng cần nói thêm, hiện có hai quan điểm cực đoan cần nhận diện để loại bỏ: (1) nhà quản lý sợ phản biện xã hội của báo chí và (2) báo chí cố tình hiểu sai vai trò phản biện xã hội như là hình thức phản đối, phản ứng một cách cực đoan, cố tình vạch lá tìm sâu, “moi móc” những chuyện tiêu cực hoặc phản bác, phản ứng thiếu khách quan và khoa học, thiếu thiện chí. 

Xét cho cùng, năng lực phản biện xã hội của báo chí là thước đo chất lượng của một nền báo chí, một cơ quan báo chí. Năng lực phản biện xã hội của báo chí gắn liền với quá trình dân chủ hóa xã hội và cũng là quá trình dần hoàn thiện như nền quản lý chung.

Từ góc độ hành nghề, nhà báo cần phải rèn luyện tính chuyên nghiệp và đạo đức, cái mà đội ngũ làm báo ở nước ta rất yếu. Từ góc độ quản lý, báo chí cần có cơ chế tốt hơn để nhà báo được bảo đảm hơn nữa quyền hành nghề hợp pháp. Hay nói cụ thể, phải có cơ chế để nhà báo được tiếp cận thông tin đúng luật. 
Phan Văn Tú