Top 5 phim truyền hình nổi bật trên sóng HTV năm 2018

Trong khi phim điện ảnh và sitcom ngày càng phát triển, thì phim truyền hình trên sóng HTV vẫn chưa tìm lại được thời kỳ hoàng kim của nó. Nhưng không phải vì thế mà năm 2018 thiếu đi những bộ phim đặc sắc.

Các phim truyền hình Việt Nam trên sóng HTV đều được phát sóng cố định trên vệt 22g các ngày thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần trên kênh HTV9. Bộ phim đang được phát sóng là "Mùa cúc sushi" - do Hãng phim TFS sản xuất. Có một điều khá đặc biệt khi nói đến các bộ phim truyền hình trên sóng HTV, những tác phẩm này phần lớn đều có nội dung là sự tổng hòa của nhiều sắc thái cảm xúc. Đó là những kết hợp hài hòa trong bố cục cân bằng giữa sự kịch tính - yếu tố nhân văn - sự độc đáo - cảm xúc lãng mạn - sự hài hước, được dẫn dắt xuyên suốt bởi một cốt truyện hấp dẫn. 

* Ngày mai bình yên 


Hấp dẫn nhờ sự độc đáo trong các thước phim lấy bối cảnh vùng sơn cước; Lôi cuốn nhờ vai nữ giả nam đầy thú vị của "đả nữ" Yaya Trương Nhi; Gây tò mò bởi sự xuất hiện lần đầu của Mai Thu Huyền trong vai phản diện... 

"Ngày mai bình yên" là bộ phim về hành trình tìm kiếm sự thật, qua đó nhân vật khám phá ra những tội ác năm xưa của kẻ danh gia vọng tộc, những oan khuất và nỗi đau không thể nào bù đắp được của người phải chịu sống cuộc sống lẩn trốn; khám phá giá trị của niềm tin, sự kiên định, tuổi trẻ và tình yêu... 

Bộ phim gây ấn tượng đầu tiên về mặt thị giác, bởi các cảnh quay quá đẹp và chỉn chu. Sự xuất hiện trong tạo hình mới mẻ của các diễn viên cùng với diễn xuất đạt đến bất ngờ của họ cũng là một điểm cộng đáng kể cho phim. Đó là một Yaya Trương Nhi thoát khỏi hình ảnh hotgirl sang chảnh để vào vai một đả nữ kiên cường, phải rời bỏ buôn làng, giả trai xuống thị thành và rồi cuốn vào vòng xoáy của tham vọng; Đó là một Mai Thu Huyền không còn yếu đuối, than khóc hay bị vùi dập mà đã trở thành một người phụ nữ nham hiểm, độc ác và tham lam. 

Mạch chính bộ phim kết thúc rõ ràng với luật nhân quả, nhưng tuyến tình cảm giữa hai vị thiếu gia và Thào Cua đã có một cái kết mở thiếu tinh tế, khiến nhiều khán giả không hài lòng vì sự thiếu trọn vẹn của nó. 

* Trả em kiếp này 


Ngay từ tập 1, phim đã gây tò mò bởi sự xuất hiện của các Miêu Nữ, được đặt trong bối cảnh là vũ trường - một xã hội thu nhỏ về đêm và có phần tách biệt với dòng chảy cuộc sống bình dị thường nhật của phần lớn khán giả. 

Với cốt truyện về nhân vật sa ngã, chuyện phim được dẫn dắt qua ba tuyến chính: một là Miêu Nữ "thịnh hành" và những cảm thức về sự tự do, về quyền riêng tư, về khả năng tự quyết định số phận, và về sự bất lực trong nỗ lực giải thoát bản thân; một là Miêu Nữ "vang bóng một thời", hiện đã thoát khỏi "trần ai", tự sống bằng sức lao động chân chính của mình nhưng vẫn chưa thể bình yên vì còn bị "bóng đêm" ám ảnh; một là Miêu Nữ mới chân ướt chân ráo vào "nghề", vì tham vọng đổi đời mà mù quáng lao đi như con thiêu thân... 

Nội dung kịch bản không quá mới, song "Trả em kiếp này" vẫn khiến khán giả phải thốt lên ngạc nhiên: Phim hay quá! Làm được điều này, công lao lớn nhất có lẽ nhờ câu chuyện đầy sức nặng của từng nhân vật. Theo đó, những giá trị phổ quát với những cảm xúc chân thực nhất cũng được nhẹ nhàng gửi gắm đến người xem. Một điểm cộng khác phải kể đến khi nói về "Trả em kiếp này", đó là sự gắn kết trong diễn xuất giữa các diễn viên trong phim. Đó là sự hợp tác ăn ý giữa "ma cô" do Quang Sự thủ vai cùng "miêu nữ" My Trần ngay lần đầu hợp tác; những phản ứng hóa học giữa "miêu nữ" My Trần và "anh hùng cứu mỹ nhân" Thanh Thức; sự u uất và bi thương trong cuộc đời của "miêu nữ" một thời Ngọc Lan cùng mối tình nhiều trái đắng sau đó của cô với Hoàng Anh... 

Kết thúc phim có phần khiên cưỡng với luật nhân quả "ở hiền gặp lành", "ác giả ác báo" khi các tình huống được cài cắm có phần lộ liễu. Dù vậy, cái kết rõ ràng với sự trừng phạt kẻ xấu và đem lại những điều tốt đẹp cho các nhân vật đáng thương đã khiến người xem hài lòng. 

* Trái tim của sói 


Một bộ phim truyền hình gây được ấn tượng và tạo sự tò mò ngay từ tên phim - "Trái tim của sói". Phim mở đầu bằng những phân cảnh ở quá khứ, tuy chưa thực sự ấn tượng nhưng càng về sau, bộ phim càng kịch tính và cuốn hút. Ý đồ trong "Trái tim của sói" được tiết lộ ngay từ tập 1, với hình ảnh chú chó con - người bạn thân thiết của Sói - bị giết chết và giai điệu sáo đượm buồn mà Sói vẫn thổi từ thuở nhỏ cho đến mãi sau này. Tất cả những bi kịch của Sói và của gia đình Sói đều bắt nguồn từ sự ganh ghét, đố kị của Trung (vốn là anh em cùng cha khác mẹ với Sói) - nhân vật phản diện đáng ghét mà cũng đáng thương nhất của bộ phim.
 

Điểm cộng trong "Trái tim của Sói" nằm ở những cảnh phim hoang dã cùng với cuộc sống của Sói và Hải Dương; chiều sâu nội tâm nhân vật - đặc biệt là của hai anh em cũng là hai kẻ thù, Sói và Trung; sự đan xen giữa quá khứ với thực tại; mê cung của thù hận và lòng trắc ẩn trong mỗi nhân vật... Một nét sáng không thể không nhắc đến khi nói về "Trái tim của Sói", đó là sự kết hợp ăn ý của 3 nam diễn viên chính: Sói (Ngọc Thuận) - Trung (Minh Anh) - Hải Dương (Anh Tài). 

Bộ phim - nhờ tạo hình nhân vật rõ ràng và hóa trang công phu - đã tránh được lối mòn dễ thấy trong các bộ phim truyền hình Việt: các diễn viên thường "na ná" giống nhau dù vai diễn của họ khác nhau. Có lẽ, đây là một bộ phim đáng nhớ của bộ ba Ngọc Thuận - Minh Anh - Anh Tài trong suốt sự nghiệp diễn xuất của họ. 

* Lạc lối


"Lạc lối" bi kịch ngay từ những thước phim đầu tiên, dù mọi khung cảnh mở ra đều rất yên ả, thanh bình. Hoàn cảnh nghèo khổ cộng với tính cách nóng nảy của nhân vật chính (Huy - Ngọc Thuận thủ vai) đã cho người xem một dự đoán, sẽ có một bước ngoặt không mấy dễ chịu, buộc Huy phải dấn thân vào hành trình mới, để trưởng thành hơn. 

Cốt truyện đan xen giữa diễn biến tâm lý tình cảm (từ những người thân nghèo khổ, cùng cực của Huy; đến những mối quan hệ mới của anh khi rời gia đình) với những pha hành động gay cấn; sự kết hợp giữa những âm mưu và phản đòn để cân bằng các thế lực trong phim... đã tạo đủ sức mạnh để hấp dẫn người xem. Nhiều lôi cuốn là vậy, song phút kết thúc, "Lạc lối" lại đi vào vết xe đổ của không ít phim truyền hình khác. 

Cái kết vẫn thiếu sự trọn vẹn, tinh tế nên chưa đủ tạo ra sự hợp lý để thuyết phục người xem. Đơn cử như, qua quá trình đồng hành cùng các nhân vật, phần lớn người xem dành tình cảm và trông chờ mối quan hệ giữa Huy và Uyên sẽ ra quả ngọt. Thế nhưng, cái kết lại là Uyên chưa thể ra tù, trong khi Huy vẫn một lòng hướng về Hương - người không "vào sinh ra tử" với anh. Nếu cái kết "Lạc lối" được xử lý tốt hơn, người xem sẽ đồng tình và xem Hương chính là "bến đậu" bình yên, sự tử tế trong sâu thẳm trái tim Huy. Nhờ có cô, anh đã có thể quay trở về là chính mình, trong hành trình lạc lối của mình. Và theo đó, họ sẽ dễ dàng chấp nhận cái kết này hơn. 



Dàn diễn viên với những gương mặt trẻ, có được sự yêu mến của khán giả: Băng Di, Khổng Tú Quỳnh, Ngọc Thuận, Anh Tài, Quốc Cường... và những gương mặt gạo cội như: Công Ninh, Ngân Quỳnh... cũng là một trong những điều khiến "Lạc lối" thu hút được sự quan tâm và đón nhận của người xem. 

* Khép lại quá khứ


"Khép lại quá khứ" là một trường bi kịch kéo dài từ quá khứ, dây dưa đến mãi hiện tại. Chuyện phim như một minh chứng cho quan điểm: những gì chưa giải quyết được trong quá khứ sẽ còn mãi ở đó cho đến khi nó được giải quyết, dù là theo cách nào. 

Điều khiến "Khép lại quá khứ" trở thành một trong những bộ phim được yêu thích nhất nằm ở những nút thắt được cài cắm khéo léo, hợp lý và đặc biệt gây ấn tượng bởi sự phức tạp và khả năng tạo cảm xúc; sự xuất hiện mờ ảo của những bóng đen thao túng, những hành động bị ẩn giấu... Đặc biệt, phim còn lý thú bởi một trong những điểm nhấn không thể không nhắc đến trong phim: sự hoán đổi thân xác của hai anh em song sinh, vốn bị chia cách ngay từ khi chào đời, và hiện đang sống trong 2 môi trường với hai thân phận hoàn toàn khác biệt nhau. 

Càng về cuối, "Khép lại quá khứ" càng sáng tỏ hơn. Những oán hận năm xưa - có thể bắt đầu từ những hiểu lầm, sự ghanh ghét, đố kị, cái nghèo... - lần lượt hiện về bằng nhiều cách, để trả thù ở thực tại. Bộ phim kết thúc khá trọn vẹn với đúng motif "gieo gió gặp bão", "ở hiền gặp lành". 
Thiên Bình