Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ với “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” (Phần 2)

Bài thơ "Nhớ Bắc” của Huỳnh Văn Nghệ khi xuất bản có một số từ đã được sửa so với nguyên tác. Theo một số tài liệu, người chỉnh sửa là nhà thơ tình tài hoa Xuân Diệu.

Câu thơ nguyên tác: “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” nhưng trong các ấn phẩm sau này đều viết: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long...”

Và, sau khi phát hành không lâu, câu thơ này tựa hồ một câu ca dao đã thẩm thấu như một lẽ tự nhiên vào huyết quản người dân đất Việt. 

Từ trái qua: Ông Huỳnh Văn Nghệ, ông Lê Duẩn, tướng Nguyễn Bình và ông Dương Quốc Chính ở Chiến khu Đ (ảnh chụp lại)

“Nghìn năm” đã hay, “trời Nam” vẫn “đắt”

Ông Huỳnh Văn Nam cho biết thêm: Sinh thời, cụ Huỳnh có kể chuyện về nhiều chiến sĩ miền Bắc vào Nam ngày ấy đã tìm gặp ông đưa bài thơ đã được chỉnh sửa cho tác giả xem và ông có giải thích về câu thơ nguyên tác. Vấn đề này, ông Nam cũng đã được chứng kiến trong những năm theo ba tập kết ra Bắc vào cuối thập niên 60 của thế kỷ trước. Lúc bấy giờ, gia đình ông sinh sống tại nhà số 10 Lý Nam Đế, gần trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. 

Một lần, một nhà văn ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội đến gặp cụ Huỳnh trao đổi, xin được đăng bài thơ Nhớ Bắc trên tạp chí này theo bản thảo mà nhà thơ Xuân Diệu đã chỉnh sửa và ông cụ đã đồng ý cho đăng. Chính vì thế, câu thơ dị bản càng ăn sâu vào tâm trí bạn đọc.

Theo nhiều chuyên gia về ngôn ngữ, “nghìn năm” so với “Trời Nam” thực là “kẻ tám lạng, người nửa cân”. “Nghìn năm” đã có cuộc sống riêng của nó, dẫu rằng “Trời Nam” cũng rất “đắt”. 

Có thể khẳng định rằng, “Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long” vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của bao người. “Nghìn năm” tồn tại một cách đàng hoàng, vững chắc là bởi tính tượng trưng, độ mở của nó cả về thời gian lẫn không gian. 

Với “Trời Nam”, người đọc có thể hiểu rằng, từ khi Nguyễn Hoàng “Nam tiến” cho đến bây giờ, hậu duệ của ông không lúc nào nguôi nhớ kinh đô đất Tổ, còn với “nghìn năm” thì không chỉ cho đến hôm nay, mà hàng nghìn, hàng vạn năm sau, mãi mãi nhớ về nguồn cội, như một lời thề sắt son của con Lạc cháu Hồng. 

Hơn thế nữa, “Trời Nam”, dù muốn hay không thì khái niệm những người con xa quê cũng bị bó hẹp trong một vùng đất, một không gian nhất định. Trong khi đó, “nghìn năm” mở rộng phạm trù xa xứ đến vô cùng đối với tất cả những ai mang trong mình dòng máu Lạc - Hồng, dù ở chân trời hay góc bể. 

Cảnh phim "Vó ngựa trời Nam"

Tuy nhiên, theo ông Nam, sinh thời cụ Huỳnh chia sẻ: Từ “Trời Nam” dùng ở đây ý nghĩa rộng hơn. “Trời Nam” không phải là sự bó hẹp về không gian mà là một sự khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của người dân nước Nam đã được “Thiên định” như ông cha ta từng khẳng định trong Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo hay Nam quốc sơn hà

“Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” - đó là tâm hồn, tư tưởng của người Việt tự ngàn đời hướng về gốc gác giống nòi... Hồn thơ thức tỉnh những mơ hồ về Tổ quốc. Đó là một khẳng định lịch sử trong quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta. 

Thăng Long còn đó, sông núi còn đây. Một Việt Nam ngàn đời bền vững. Tình cảm ấy vô cùng cao đẹp. Ấy là tình Bắc - Nam ruột rà để non nước Việt trường tồn... 

Tố chất Huỳnh Văn Nghệ đặc trưng Nam Bộ, gân guốc, ngang tàng, phóng khoáng nhưng thẳm sâu văn hóa, nặng ân tình là vậy.

Đạo diễn Lê Cung Bắc, đạo diễn phim "Vó ngựa trời Nam"

Nặng tình với Thăng Long - Hà Nội

Ông Huỳnh Văn Nam tâm sự: “Tổ tiên, ông bà của tôi quê ở Quảng Bình - “phên dậu” giữa Đàng Trong với Đàng Ngoài thời Trịnh - Nguyễn phân tranh. Ông nội tôi người họ Hoàng theo đoàn quân “Nam tiến” của chúa Nguyễn Hoàng “mang gươm đi mở cõi”. 

Đời ông, đời cha, đến đời tôi và con cháu sau này, tuy cung bậc cảm xúc với Thăng Long - Hà Nội phụ thuộc vào những hoàn cảnh lịch sử khác nhau nhưng đều vì một cái tình chung, đều có một niềm tự hào chung của những con dân Việt “thương nhớ đất Thăng Long”. 

Ông Nam chép tặng tôi mấy câu thơ: 

Ông tôi xưa mang gươm đi mở cõi 
Cha tôi làm thơ thương nhớ đất Thăng Long
Còn tôi suốt hai mùa mưa nắng

Hát mãi về em, Hà Nội trái tim hồng! 

Hơn một nghìn năm cả dặm dài đất nước: Đông Đô - Thăng Long, Đông Đô - Hà Nội cứ kéo dài hun hút sâu, kéo dài hun hút nhớ. Hà Nội, từ một vùng đất bãi bồi nhỏ bé của sông Hồng đến hôm nay được mở ra ôm trọn trong lòng nhiều hơn những tinh hoa văn hóa dân tộc. 

Cảnh phim "Vó ngựa trời Nam"

“Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long” - đã nghìn năm có lẻ, không chỉ có những người “mang gươm đi mở cõi”, mà chắc hẳn muôn triệu con tim Lạc - Hồng ở khắp muôn phương đều luôn hướng về thủ đô thân yêu của mình với niềm xúc cảm trào dâng như tâm trạng của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ và hậu duệ của ông.

P/S: Để hiểu hơn về thân thế và sự nghiệp cố Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, xin mời tìm xem bộ phim Vó ngựa trời Nam của Đạo diễn Lê Cung Bắc, do Hãng phim TFS sản xuất. Phim phát hành trên các hạ tầng online của Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh ở các địa chỉ: htv.com.vn, tfs.com.vn, youtube.com/watch…

Văn Nguyễn