Phim tài liệu: Tây Nguyên - Những loài chim Bidoup

Trên thế giới có khoảng 10.000 loài chim. Ở Việt Nam, trong một thống kê gần nhất có khoảng 850 loài, chỉ riêng trên cao nguyên Đà Lạt đã có khoảng 274 loài được ghi nhận. Đó là đoạn mở đầu cho bộ phim nhiều thông tin thú vị về những loài chim Bidoup.

Thế giới chim đầy thú vị trong "Những loài chim Bidoup"

Phần lớn những loài chim có mặt tại cao nguyên Đà Lạt đều có thể tìm thấy ở Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, nơi được gọi là trung tâm chim đặc hữu không chỉ của Việt Nam mà còn của cả thế giới. Bởi vì, cả vùng cao nguyên Lang Biang có 8 loài chim đặc hữu thì có đến 7 loài chọn Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà làm nơi trú ngụ.

Điều này càng làm tăng thêm giá trị đa dạng sinh học, giá trị bảo tồn của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Chim là nhóm động vật lớn cuối cùng đã hình thành cả lông vũ và hình thành khả năng bay khoảng 140 triệu năm trước đây. Những quần xã khác nhau của chim cư trú và chim di cư gắn liền với các loại môi trường sống và khu vực khác nhau của Việt Nam. 

Chim khướu Yersin

Vì thế, nếu dùng số lượng loài để đánh giá, đến nay môi trường sống quan trọng nhất của chúng ở Việt Nam là các khu rừng thường xanh. Đây cũng là kiểu rừng chủ yếu ở Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Cộng với yếu tố độ cao, Bidoup - Núi Bà hiển nhiên trở thành ngôi nhà phù hợp nhất cho những loài chim chỉ sống trên núi cao.

Khoảng 100 năm trước, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu về khu hệ chim của cao nguyên Đà Lạt nói chung và Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà nói riêng với những mô tả thú vị về nhiều loài chim: khướu hông đỏ, khướu đầu đen, chim mi Lang Biang... Từ đầu những năm 1940, do những biến động về chính trị và chiến tranh, việc nghiên cứu ở đây bị ngưng lại trong một thời gian dài. 

Chim Mi Lang Biang

Năm 1990 của thế kỷ XX, việc nghiên cứu chim tại khu vực này được khôi phục trở lại nhờ hoạt động của các nhà điểu học người Anh.

Từ đó đến nay, Tổ chức bảo tồn chim quốc tế BirdLife International về các loài chim đặc hữu của cao nguyên Đà Lạt, các nhà nghiên cứu về chim ở trong và ngoài nước vẫn tiếp tục khảo sát, đã ghi nhận 274 loài chim với nhiều loài trong sách đỏ Việt Nam. Trong đó có khướu đầu đen má xám. Việc dùng tên bác sĩ Yersin, người phát hiện ra Đà Lạt, để đặt tên cho loài khướu đầu đen má xám đủ để nói lên bản chất đặc biệt của nó. 

Chim sẻ thông họng vàng

Nằm trong số 12 loài chim chỉ có thể tìm thấy ở Việt Nam, và tại Việt Nam, khướu đầu đen má xám phân bố rất hẹp, chỉ có ở Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà và Vườn quốc gia Chư Yang Sin (Đăk Lăk).

Ngày nay, rất khó để gặp được khướu đầu đen má xám, một phần vì bản tính nhút nhát, luôn ẩn nấp ở những vùng rừng lá rậm thường xanh từ độ cao 1.700m trở lên, một phần vì bị con người săn lùng, vì các tác động xấu lên môi trường sống, khả năng sinh sản cũng suy giảm. Những thước phim tài liệu "Những loài chim Bidoup" còn giới thiệu đến người xem câu chuyện của chim Mi Lang Biang, các loài sẻ thông trong đó có sẻ thông họng vàng, các loài chim ăn côn trùng và hạt thông, chim trèo cây, chim phường chèo...

Tuần sau, trên kênh HTV9, quý khán giả có thể tiếp tục đón xem những thước phim tư liệu quý khác trong các phim dưới đây.

15g ngày 1/4 - Phim tài liệu "Thông tấn xã giải phóng anh hùng - Tập 1
15g ngày 2/4 - Phim tài liệu "Thông tấn xã giải phóng anh hùng - Tập 2
15g ngày 3/4 - Phim tài liệu "Thông tấn xã giải phóng anh hùng - Tập 3
15g ngày 4/4 - Phim tài liệu "Thông tấn xã giải phóng anh hùng - Tập 4
15g ngày 5/4 - Phim tài liệu "Chiếc nón tai bèo"

 
Thiên Bình