LongFORM Thập niên 80: Dấu ấn "Ván bài lật ngửa" và "Biệt động Sài Gòn"

Trong thập niên 80, HTV chưa có điều kiện sản xuất phim song không vì thế mà phim ảnh Nam bộ thiếu vắng những bộ phim đi vào huyền thoại, trong đó phải kể đến "Ván bài lật ngửa" và "Biệt động Sài Gòn".

Kể từ sau năm 1976 với bộ phim "Cô Nhíp" đến hết thập niên 80, Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) chưa có đủ điều kiện để làm thêm những bộ phim khác, bởi nằm trong bối cảnh chung của cả nước những năm đầu 1980, tình trạng kinh tế xã hội rất khó khăn.

Trong giai đoạn này, HTV cũng phải hoạt động trong sự thiếu hụt kinh phí triền miên, đối mặt với rất nhiều thử thách trong việc duy trì các chương trình, ổn định chính sách tiền lương, nhuận bút, ổn định lực lượng lao động... Trong bối cảnh đó, những người giàu nhiệt huyết làm phim dù rất muốn nhưng không có đủ điều kiện để sáng tạo nên các tác phẩm phim truyền hình mới. 

Một vài dấu mốc trong sự phát triển của HTV ở thập niên 80

* Nửa đầu thập niên 1980, công cuộc chuyển đổi hệ ti-vi tại miền Nam bắt đầu diễn ra; sau đó hai máy phát Kênh 9 và Kênh 7 được tách ra phát hai chương trình riêng biệt. Kênh 9 phát chương trình chính luận, trong khi Kênh 7 phát các chương trình khoa giáo, thể thao, giải trí, quảng cáo; cuối cùng là thống nhất hệ thống phát sóng. Sự ra đời của Kênh 7 đánh dấu lần đầu tiên quảng cáo xuất hiện trở lại trên sóng truyền hình kể từ năm 1975 và cũng là lần đầu tiên một đài truyền hình của Việt Nam phát hai kênh với nội dung độc lập. 

* Năm 1987, Đài Truyền hình TP.HCM chuyển qua phát hình màu và chấm dứt hệ đen trắng. Cũng năm 1987, Đài được chuyển giao về UBND TP. HCM và hạ cấp thành Đài truyền hình địa phương; cơ sở 2 của đài được giao cho Đài Truyền hình Trung ương quản lý.

Cùng lúc đó, Trung tâm Dịch vụ Truyền hình được thành lập, phụ trách việc quảng cáo và mua, bán bản quyền các chương trình của đài, Đài bắt đầu có nguồn thu từ đó. Cũng trong năm 1987, tận dụng hệ thống ghi âm và máy phát FM cũ của AFVN trước năm 1975, đài cho lên sóng trở lại kênh FM 99.9 MHz, với tên gọi là đài "Tin tức - Ca nhạc và Báo giờ". Đây là kênh FM duy nhất của Việt Nam tại thời điểm đó, phát sóng từ 6 giờ sáng đến 24 giờ đêm. 

* Năm 1988, Đài Truyền hình TP.HCM trực tiếp ca phẫu thuật tách cặp song sinh Việt - Đức, gồm 72 bác sĩ tham gia, bác sĩ Trần Đông A là trưởng ekip mổ. Đây là lần đầu tiên một ca phẫu thuật được truyền hình trực tiếp tại Việt Nam.

* Năm 1989, Đài Truyền hình TP.HCM bắt đầu thực hiện việc "xã hội hóa" bằng việc kêu gọi tài trợ cho Cuộc đua xe đạp Cúp Truyền hình Thành phố. Từ thành công đó, THTP tiếp tục kêu gọi tài trợ cho cuộc thi Tiếng hát Truyền hình năm 1991, các chương trình xây dựng nhà tình nghĩa - nhà tình thương...


Trong thập niên 80, Đài Truyền hình TP.HCM vươn mình vượt qua rất nhiều khó khăn để tìm nguồn thu và chuẩn bị nguồn lực cho giai đoạn kế tiếp. Trong đó có sự chuẩn bị cho sự ra đời của Hãng phim TFS trong thập niên 90. Những năm 80 của thế kỷ trước, thị trường phim ảnh khu vực phía Nam cũng cho ra đời những bộ phim huyền thoại, trong đó phải kể đến "Ván bài lật ngửa" và "Biệt động Sài Gòn".

* Ván bài lật ngửa (1982 - 1987)

Đoạn phim "nằm lòng" trong ký ức khán giả nhiều thế hệ 

"Ván bài lật ngửa" quả thực là loạt phim gây chấn động với nhiều thế hệ khán giả Việt và đến nay, phim vẫn giữ kỷ lục là bộ phim điện ảnh dài tập nhất, ăn khách nhất của điện ảnh Việt Nam! Có rất nhiều dấu ấn để nói về series phim gồm 8 tập này, trong đó phải kể đến chất điện ảnh rất riêng với ngôn ngữ trầm tĩnh mà đầy sang trọng, với cách khắc họa sắc sảo và mang tính hình tượng cao cho các nhân vật, bất kể là diễn viên chính hay phụ.

Đó là những dấu ấn không thể phai mờ của cố đạo diễn Lê Hoàng Hoa (Khôi Nguyên), cố nhà văn - nhà báo - nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng (biên kịch Nguyễn Trương Thiên Lý), cố NSƯT Nguyễn Chánh Tín - một trong những tượng đài về diễn xuất... Qua phim, khán giả được đắm chìm trong không khí của Sài Gòn và nhiều tỉnh miền Nam thời Mỹ - Diệm, được theo chân Kỹ sư Nguyễn Thành Luân (cố NSƯT Nguyễn Chánh Tín) trong hành trình đấu trí "giữa biển giáo rừng gươm", của một điệp viên tình báo siêu hạng. 

Giờ đây, sau 50 năm đất nước thống nhất, những người làm phim "Ván bài lật ngửa" phần lớn hoặc đã rời cõi tạm. Nhưng với "Ván bài lật ngửa", họ đã để lại cho thế hệ sau một di sản, không chỉ bởi bản thân từng tập phim được làm rất chỉn chu và đầy sức nặng, mà còn bởi chính câu chuyện làm nghề của những người trong cuộc.

Ở giai đoạn mà cả dân tộc đang nỗ lực để vượt qua khó khăn thời bao cấp, những người làm nên tên tuổi của "Ván bài lật ngửa" - từ diễn viên, đạo diễn đến chuyên viên kỹ thuật - tất cả đều cùng nhau ăn cơm với rau luộc mà đến nước mắm cũng không có phải lấy nước muối pha màu... Cuộc sống "ăn không đủ no" với muôn vàn khó khăn vì chính sách cấm vận của Mỹ không ngăn được tình yêu với nghệ thuật, sự thôi thúc dấn thân với nghề và không ngừng tiến về phía trước. Tất cả những nhiệt huyết ấy đã cổ vũ những người nghệ sĩ trên hành trình làm phim gian khổ nhưng cũng rất đỗi hạnh phúc và tự hào!

* Biệt động Sài Gòn (1984-1986)

NSƯT Hai Nhất kể về cái chết của Ba Cẩn và phát súngtrên phim trường bộ phim "Biệt động Sài Gòn"

Gần như cùng thời với loạt phim tình báo 8 tập "Ván bài lật ngửa", "Biệt động Sài Gòn" gồm 4 tập là loạt phim đầu tiên và hiện là duy nhất tái hiện cuộc chiến nổi bật của Lực lượng Đặc công Quân Giải phóng miền Nam (Biệt động Sài Gòn) trong Sự kiện Tết Mậu Thân 1968. Phim là khúc ca bi tráng và đầy hào hùng của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Lấy cảm hứng từ những câu chuyện có thật của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, hai nhà biên kịch Lê Phương - Nguyễn Thanh đã phát triển chuyện phim thành các tập vừa độc lập vừa kết nối chặt chẽ với nhau. Đạo diễn Long Vân, một tên tuổi mới nổi của điện ảnh phía Bắc, được giao trọng trách đạo diễn bốn tập phim này. Cùng với sự góp mặt của những diễn viên tên tuổi: Quang Thái, Hà Xuyên, Thanh Loan, Thương Tín, Thúy An... phim đề cao tinh thần quả cảm, sự mưu lược, thông minh và cả sự mất mát, hy sinh anh dũng của những chiến sĩ biệt động Sài Gòn hoạt động trong lòng địch. 


Trong phim, lực lượng Biệt động thành có thể là bất kì ai, từ mẹ con cô bán bún vịt; chú bán trái cây dạo bên đường; cô bé bán báo giao liên... đến những chiến sĩ "nằm vùng" như ni cô Huyền Trang, "vợ chồng" Tư Chung - Ngọc Mai trong vỏ bọc chủ Hãng sơn Đông Á... Sự hiện diện của họ cùng những hành động "xuất quỷ nhập thần" khiến quân địch phải run sợ, như câu thoại của viên đại tá Việt Nam Cộng hòa "Ở đất nước này, Việt Cộng có thể từ trên trời rơi xuống hoặc từ dưới đất chui lên".

Để tạo sự cân bằng với góc nhìn đa chiều, phim cũng đã khắc họa rõ nét các nhân vật ở bên kia chiến tuyến (gồm cả tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa và quân đội Mỹ), như: Trung tá Sông, Đại tá CIA Michael, Cordell... Nhiều trường đoạn như tấn công vào Dinh Độc Lập; cho nổ bom Tòa đại sứ Mỹ; kế hoạch bắt sống Cordell... cho thấy tinh thần quả cảm và sự mưu lược của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Và lòng yêu nước, thương nòi, sự căm thù giặc, quyết hy sinh cũng không chịu khuất phục được thể hiện rất rõ trong nhiều trường đoạn, như: người dân che chở cho Sáu Dân khi anh bị binh lính đuổi bắt; cô bé bán báo giao liên và ni cô Huyền Trang bị bắt, bị tra tấn dã man... Vì nhiều lẽ đó mà lúc phát hành, phim tạo ra những cơn sốt vé trong Nam ngoài Bắc, ước tính lên đến 10 triệu lượt người xem mỗi tập.

Thiên Bình - Trần Tính - Đồ họa: Thành Đạt