Phim tài liệu: Sưởi ấm những linh hồn Tây Nguyên

Trong kho tàng văn hóa đồ sộ của núi rừng Tây Nguyên, không thể không kể đến một loại hình nghệ thuật độc đáo, đó là tạc tượng dân gian. Đã bao đời nay cứ vậy, những pho tượng gỗ được tạc thô mộc, sơn vẽ đơn giản.


Phim kể về nét đẹp của tượng tạc dân gian ở Tây Nguyên

 Trải qua dãi dầu mưa nắng, chúng như càng mang đến cho người xem cảm giác trong đó vừa ẩn chứa hồn vía linh thiêng, vừa như toát lên cốt cách của con người, rừng núi, đất trời Tây Nguyên.

Ngày nay, khi cây rừng càng rời xa để nhường bước cho đời sống vật chất văn minh, tượng gỗ dân gian Tây Nguyên không chỉ ngày càng trở nên hiếm hoi, mai một mà còn như mang nặng cả một nỗi niềm ngậm ngùi...

Những lát cắt thú vị, mang nặng trăn trở của thế hệ trẻ và những người yêu văn hóa về nét đẹp của tượng tạc dân gian đã phần nào được kể trong bộ phim tài liệu "Sưởi ấm những linh hồn Tây Nguyên", phát sóng tuần qua trên kênh HTV9. 


Tượng gỗ dân gian để bày tỏ ý niệm về sự kết nối tâm linh với người đã khuất

Trước đây, vào mỗi buổi tối, các già làng ở Tây Nguyên thường kể sử thi và để lớp trẻ bây giờ dễ dàng hiểu về sử thi thì sự tồn tại của tượng gỗ mang nhiều ý nghĩa, bởi qua đó nghệ nhân thể hiện rõ tình yêu thiên nhiên, tình yêu động vật, các vấn đề tâm linh... về nếp sống và sinh hoạt, về nếp nghĩ, ước mơ và chiều sâu văn hóa bản địa - những điều ẩn sau mỗi câu chuyện sử thi.

Từ lâu đời, tượng gỗ Tây Nguyên không chỉ để trưng bày, tô điểm cho nhà rông hay các tụ điểm giao lưu văn hóa mà đặc biệt, đối với các đồng bào dân tộc như Ba Na, Gia Rai, tượng gỗ dân gian còn để bày tỏ ý niệm về sự kết nối tâm linh với những người đang sống với những người thân trong gia đình đã mất. 


Các nghệ nhân tạc tượng ngẫu nhiên dựa trên cảm hứng chân thực từ đời sống

Đã có rất nhiều những cảnh sống, cảnh sinh hoạt của người dân, của muông thú và cỏ cây được thể hiện trong các bức tượng gỗ, qua sức sáng tạo phong phú và bàn tay khéo léo của các nghệ nhân.

Nét độc đáo nhất giữa các bức tượng nằm ở chỗ, nghệ nhân không đi theo bất kỳ khuôn mẫu hay nét chung có sẵn, cũng không có bản vẽ. Mỗi nghệ nhân dựa trên cảm hứng chân thực từ sinh hoạt hàng ngày, từ lao động sản xuất, từ đời sống tâm linh... để thổi hồn vào tác phẩm.

Ngày nay, khi cuộc sống vật chất văn minh đang dần lấn át những loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, cảnh tạc tượng gỗ Tây Nguyên cũng đang dần vắng bóng trong đời sống sinh hoạt của buôn làng. Và rồi đây khi rừng không còn nữa, những khu nhà mồ không còn nữa, tượng dân gian phải chăng cũng sẽ đi vào dĩ vãng? Sẽ chỉ còn tiếng cồng chiêng thổn thức cùng linh hồn Tây Nguyên trong nỗi ngậm ngùi, xót xa... 

Tuần sau, trên kênh HTV9, quý khán giả có thể tiếp tục đón xem những thước phim tư liệu quý khác trong các phim dưới đây.

8g ngày 11/12 - Phim tài liệu "Suối nguồn vẫn chảy" - Tập 3
8g ngày 12/12 - Phim tài liệu "Suối nguồn vẫn chảy" - Tập 4
8g ngày 13/12 - Phim tài liệu "Suối nguồn vẫn chảy" - Tập 5
8g ngày 14/12 - Phim tài liệu "Suối nguồn vẫn chảy" - Tập 6
8g ngày 15/12 - Phim tài liệu "Suối nguồn vẫn chảy" - Tập 7
8g ngày 16/12 - Phim tài liệu "Suối nguồn vẫn chảy" - Tập 8
Thiên Bình