Phim tài liệu: Sự thú vị quanh làn điệu dân gian nói thơ Bạc Liêu

Thông thường, sự ra đời của các làn điệu dân ca là bắt nguồn từ nếp sống, nhịp điệu trong lao động hay nghi lễ tín ngưỡng mà dần hình thành, được tài hoa của các nghệ sĩ dân gian gọt giũa mà thành. Song, nói thơ Bạc Liêu không theo cách thông thường này!

Một buổi sinh hoạt bao trùm âm hưởng của làn điệu dân gian nói thơ Bạc Liêu 

Bộ phim tài liệu "Nói thơ Bạc Liêu" (HTV9) đã giới thiệu đến người xem những hiểu biết rất thú vị xoay quanh làn điệu dân gian này. Nói thơ Bạc Liêu là sáng tác của một tác giả có thật, ở một thời điểm và địa điểm cụ thể. Tại ấp Bầu Tròn, xã Đông Thới, huyện Cái Nước tỉnh Cà Mau ngày nay, nói thơ Bạc Liêu được ông Thái Đắc Hàn, một nghệ sĩ dân gian, sáng tác năm 1946.

Sau gần 80 năm tồn tại, ngày nay, nói thơ Bạc Liêu trở thành một làn điệu dân ca Nam bộ, cũng tương tự như một người đồng hương tiền bối là ông Cao Văn Lầu, người đã sáng tạo ra bản "Dạ cổ hoài lang" (1920) mà sau này phát triển thành bản vọng cổ - một làn điệu trụ cột trong nghệ thuật cải lương cho đến ngày nay. Bạc Liêu là địa phương có truyền thống lâu đời về sinh hoạt đờn ca tài tử, đây chính là cái nôi để hai làn điệu cổ bản nói trên được sinh thành. 

Sự ra đời và vẻ đẹp của làn điệu nói thơ Bạc Liêu

Ông Thái Đắc Hàn sinh năm 1918, tại làng An Xuyên, tổng Quảng Long, tỉnh Bạc Liêu nay thuộc TP Cà Mau, là con út trong số 7 người con của ông nông dân Thái Đắc Tân và bà Lê Thị Giai nên còn được gọi là Tám Hàn hay Út Hàn.

Ngay từ thuở nhỏ, ông Tám Hàn đã say mê cổ nhạc, đã đi đây đó học đàn với nhiều người. Đến năm 20 tuổi, ông may mắn được thọ giáo với một danh cầm tài ba của đất Mỹ Tho.

Năng khiếu nổi bật của ông Tám Hàn là ông có thể chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ, không chỉ nhạc cụ truyền thống mà còn chơi rất hay một vài nhạc cụ Tây phương. Chính những nốt nhạc của giai điệu nói thơ Bạc Liêu lần đầu vang vọng lên trong tâm trí đã được ông nắn nót, gọt giũa trên cây đàn măng-đô-lin. 

Làn điệu dân gian nói thơ Bạc Liêu nhanh chóng lan truyền khắp các tỉnh Nam bộ

Năm 1974, khi sáng tác và dàn dựng vở nhạc kịch "Hòn khoai", nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang đã dựa vào làn điệu nói thơ Bạc Liêu làm âm hưởng chủ đạo.

Theo giới nhạc sĩ, Lư Nhất Vũ cũng là người có nhiều ca khúc hay, được phát triển từ làn điệu nói thơ Bạc Liêu, như: "Bài ca đất phương Nam", "Cô gái Sài Gòn tải đạn"... Ngoài ra, cũng có một số nhạc sĩ khác thành công khi đưa làn điệu nói thơ Bạc Liêu vào sáng tác của mình như Phan Nhân, Vũ Đức Sao Biển...

Sau này đất nước thống nhất, ông Thái Đắc Hàn về sống tại chợ Cà Mau. Ông mất năm 1008, mộ phận hiện ở đất chùa Phật tổ TP Cà Mau. Không chỉ là người điệu nghệ, tài hoa trong làng đờn ca  tài tử, ông Thái Đắc Hàn còn rất say mê sáng tác thơ ca. Hiện ông còn để lại cho các con rất nhiều di cảo. 

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ nói về "Trời cao có thấu" và mối liên hệ với nói thơ Bạc Liêu 

Một đặc điểm khiến nói thơ Bạc Liêu trở nên phổ biến là, trên cơ sở bản nhạc đã có, người biểu diễn có thể nói mọi bài thơ ở thể lục bát, vì thế, rất nhiều người đã trở thành tác giả của lời ca.

Ông Nghê Trường Sinh, một cán bộ cách mạng sinh trưởng ven đầm Thị Tường, là tác giả đã viết riêng hàng chục lời ca cho điệu nói thơ Bạc Liêu. Đặc biệt có bài "Nợ nước tình nhà" được phổ biến rộng khắp Nam bộ. Ông Nghê Trường Sinh (1924) tại ấp Thọ Mai, xã Phú Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Ông là một cán bộ cách mạng, tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 1945.

Trong chiến tranh chống Mỹ, ông từ có thời gian giữ cương vị Chánh văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Cà Mau. Sau ngày đất nước thống nhất, ông vẫn tiếp tục công tác cho đến khi về hưu với cương vị Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Minh Hải (gồm Cà Mau, Bạc Liêu ngày nay). Sáng tác thơ ca là một đam mê lớn trong đời ông Nghê Trường Sinh. Dù không quen biết với tác giả Thái Đắc Hàn, nhưng từ khi điệu nói thơ Bạc Liêu ra đời, ông Nghê Trường Sinh chuyên tâm sáng tác những bài thơ lục bát để làm lời cho điệu ca này. 

Tuần sau, trên kênh HTV9, quý khán giả có thể tiếp tục đón xem những thước phim tư liệu quý khác trong các phim dưới đây.

8g ngày 11/3 - Phim tài liệu "Về làng" - Tập 2
8g ngày 12/3 - Phim tài liệu "Về làng" - Tập 3
8g ngày 13/3 - Phim tài liệu "Về làng" - Tập 4
8g ngày 14/3 - Phim tài liệu "Về làng" - Tập 5
8g ngày 15/3 - Phim tài liệu "Về làng" - Tập 6
8g ngày 16/3 - Phim tài liệu "Về làng" - Tập 7

Thiên Bình