Phim tài liệu: Hát bả trạo

Trên dải đất ven biển miền Trung, hễ ở đâu có Lăng Ông, có lễ hội Nghinh Ông thì ở đó có những đội hát bả trạo. Những nghệ nhân dân gian không tên tuổi này chính là những người bảo tồn nghệ thuật hát trạo, với tất cả lòng thành và niềm tin của mình.

Bả là cầm, trạo là chèo. Hát bả trạo là vừa hát vừa chèo để đưa Cá Ông

Khai sinh từ tín ngưỡng thờ cúng Cá Ông của ngư dân duyên hải miền Trung, hát bả trạo hay còn được gọi là hò bả trạo, hò đưa linh là một làn điệu dân ca, một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian Việt Nam. Cùng với sự lan tỏa của tập tục thờ cúng Cá Ông về phương Nam, hát bả trạo ngày nay cũng được phổ biến trong vài cộng đồng cư dân miền biển trên đất Nam bộ.

Trong kháng chiến chống Pháp, giới nghệ sĩ sân khấu Liên khu 5 có đóng góp đáng kể để nghệ thuật hát bả trạo tiến một bước dài ra sân khấu chuyên nghiệp. Ngày 30/8/1954, hát bả trạo lần đầu tiên xuất hiện trước ánh đèn sân khấu, trong lễ mừng Quốc khánh Gò Bồi, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. 

Âm nhạc, nhạc cụ và kịch bản của hát bả trạo

Theo nhạc sĩ  - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Hồng, ban đầu, hát bả trạo là hình thức ca diễn có tính chất nghi lễ để tỏ lòng thương tiếc của ngư dân trong lễ đưa tang Cá Ông. Khi lễ hội Nghinh Ông trở nên phổ biến trên đất miền Trung, hát bả trạo trở thành tiết mục trong nghi lễ rước kiệu Ông về dinh thờ nên còn được gọi là hát chèo thuyền.

Về sau, khi làng chài có người mất, người ta cũng rước đội hát bả trạo đến, để hát diễn tiễn đưa người mất, nên còn được gọi là chèo đưa linh hay hò đưa linh. Dần dà, hát bả trạo trở thành một nghi lễ bắt buộc không thể thiếu trong lễ hội Nghinh Ông và các lễ tang của Cá Ông và cả người của vạn chài.  


Hát bả trạo hiện nay

Một đội hát bả trạo bắt buộc phải có ba nhân vật then chốt. Tổng mũi là người đứng ở vị trí đầu thuyền, người cầm sên phách giữ nhịp, bắt nhịp cho các quân trạo thực hiện đồng nhất nhịp hô và nhịp chèo thuyền, là người hát lên những lời động viên, tạo sinh khí hào hứng cho tập thể những tay chèo vững vàng đưa thuyền ra khơi.

Nhân vật thứ hai là Tổng lái, tượng trưng cho người thuyền trưởng với mái chèo trên tay, là người lèo lái, định hướng cho con thuyền, là người trình diễn các điệu hát tri ân Ông Nam Hải và động viên tinh thần hăng say lao động của trạo quân. 


Ba nhân vật chính (ở giữa) và quân trạo (hai bên)

Tổng khoan, hay còn gọi là Tổng thương, người cầm giữ chiếc gàu tát nước. Trong đội hát, đây là nhân vật lạc quan, là người pha trò, hát lên các làn điệu vui nhộn, tạo tâm lý phấn chấn cho bạn chèo. Ngoài ba nhân vật chính này còn có hai đội quân trạo tay giữ mái chèo, xếp thành hai hàng dọc, theo hai mạn thuyền tượng trưng.

Số quân trạo này nhiều hay ít nhiều khi còn do quy mô cuộc hát, nhưng phải là con số chẵn. Thường ít nhất cũng phải có sáu đến tám người, nhiều có khi lên đến 20 người hoặc hơn nữa. Sau mỗi lời hát của tam tổng, quân trạo hò đệm "hù hu hù, hù là khoan" và làm các vũ điệu mang tính minh họa tạo sức mạnh cho toàn đội nâng thuyền vượt sóng. 

Tuần sau, trên kênh HTV9, quý khán giả có thể tiếp tục đón xem những thước phim tư liệu quý khác trong các phim dưới đây.

8g ngày 4/3 - Phim tài liệu "Tây Nguyên mùa lễ hội" - Tập 1
8g ngày 5/3 - Phim tài liệu "Tây Nguyên mùa lễ hội" - Tập 2
8g ngày 6/3 - Phim tài liệu "Ngày mùa"
8g ngày 7/3 - Phim tài liệu "Bước qua bóng tối" - Tập 1
8g ngày 8/3 - Phim tài liệu "Bước qua bóng tối" - Tập 2
8g ngày 9/3 - Phim tài liệu "Về làng" - Tập 1 

 
Thiên Bình