Nhận thức văn hóa là nhận thức để phát triển

Văn hóa tham gia vào mọi hoạt động của con người, giúp cho con người ngày càng sống “người hơn”. Điều này ai cũng thấy nhưng nhận thức về việc văn hóa tham gia như thế nào vào hoạt động xã hội hiệu quả hơn lại không phải bao giờ cũng được đặt ra đúng mức.

Nhìn vào lịch sử, có thể thấy chưa có cuộc cách mạng xã hội nào ở tầm quốc gia hay quốc tế, dù là cách mạng xã hội hay cách mạng khoa học kỹ thuật và bây giờ là cách mạng công nghệ lại không có sự chuẩn bị mang tính nhận đường của văn hóa. Tiêu tốn công sức, tiền của và cả máu nữa phụ thuộc rất nhiều vào vai trò nhận đường của văn hóa và sự tham gia trực tiếp vào những thay đổi này.

1. Nhiều người nói “Đề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943 (ĐCVH) như cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng, đến nay vẫn giữ vai trò định hướng phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Là cương lĩnh về văn hóa vì đây là văn bản đầu tiên của Đảng về một lĩnh vực hoạt động tinh thần theo một góc nhìn khác, một tinh thần khác, một tính chất khác: Tính chất cứu quốc. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử nước nhà. Lần đầu tiên ĐCVH nêu ra ba lĩnh vực của văn hóa: Tư tưởng, học thuật và nghệ thuật, khẳng định Đảng “phải làm cả cách mạng xã hội và cách mạng văn hóa”, “phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội”.

Ở đây, có thể thấy yêu cầu về chính trị, tư tưởng được đưa ra đầu tiên vì “đấu tranh về tư tưởng học thuật” là cuộc đấu tranh mang tính chất nhận đường của cách mạng Việt Nam lúc này. Đặt ra vấn đề nhận thức chính trị lên đầu tiên, ĐCVH gắn với một thực tế đang có nguy cơ làm chệch hướng một lực lượng trí thức còn đang mơ hồ về xu thế phát triển của xã hội: Thuyết Đại Đông Á đang mê hoặc không ít người về con đường phát triển riêng của Á Đông, trong đó Nhật Bản như một tấm gương cho các quốc gia châu Á và tinh thần đồng chủng, đồng văn như một chỗ bám víu cho những ảo tưởng chính trị. Các phương châm Dân tộc, Khoa học, Đại chúng cũng mang tinh thần này bởi được xác định rất rạch ròi “chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam (không thể) phát triển độc lập”, “chống lại mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng” và “chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ”.

Có người cho rằng ba phương châm này vẫn nặng về xác định tư tưởng chính trị và không bao quát được các nội dung khoa học của khái niệm văn hóa. Nói thế không sai nhưng cần đặt ĐCVH trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể, điều mà nó hướng tới, trong tinh thần cứu quốc đang được đặt ra cho xã hội. Trước nhận thức mới mẻ này chưa lâu, có người còn tuyên bố họ làm nghệ thuật là do những hứng khởi sáng tạo được thượng đế mách bảo, sống và viết trong “tháp ngà” cho những người đồng điệu với mình, xa lạ với “phe nước mắt”, “không chuyên tâm, không chủ nghĩa” nào. Ba phương châm văn hóa mới chọn cách tiếp cận khác hẳn: Kéo văn hóa về với dân tộc, đại chúng, chống lại sự nô dịch của ngoại bang, đem lại độc lập cho dân tộc, chống lại tất cả những mê hoặc ru ngủ, những xu hướng thần bí, trái khoa học, phản tiến bộ. ĐCVH không đi vào những nội dung của thuật ngữ mà nói đến xu hướng, định hướng, đến mục tiêu của văn hóa mới và tinh thần khai phóng của nó, tập hợp những người cùng chí hướng trong một tổ chức gọi là Văn hóa cứu quốc. Nếu xét từ góc độ nhận thức thì ĐCVH là một bước phát triển đột phá trong nhận thức về vai trò của văn hóa đối với xã hội. Và điều quan trọng hơn nữa là nó nhận thức là để có những hành động mới, hướng đến những mục tiêu mới.

2. Ở Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra luận điểm nổi tiếng “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Đây là sự tiếp tục tư tưởng của ĐCVH và trong thực tế, tư tưởng ấy vẫn dẫn đường cho sự nghiệp cách mạng của đất nước cả trong thời kỳ tiến hành cuộc chiến tranh vệ quốc lẫn mở cửa hội nhập. Vẫn là tinh thần dân tộc, khoa học và đại chúng nhưng giờ đây là những hành vi cụ thể thể hiện nhận thức mới sâu rộng, gần đời sống hơn. Văn hóa hóa kháng chiến và kháng chiến hóa văn hóa với mục tiêu văn hóa phụng sự sự nghiệp phò chính, trừ tà đã làm thay đổi dân khí nước nhà.

Xây dựng đời sống mới không chỉ là một phong trào sinh hoạt, mà thấm đẫm tinh thần đổi mới văn hóa, đổi mới hành động vì quốc gia, dân tộc, là dân khí nước nhà chứ không phải của một cá nhân hay tầng lớp nào. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu là sự tự nhận thức quan trọng nhằm vượt thoát khỏi những yếu kém có thực, để từ đó nâng cao dân trí, phục hưng dân khí. Thêm nữa, lần đầu tiên Hồ Chí Minh đã nói đến những con người trong một cộng đồng, đã nói đến văn hóa lãnh đạo, đến đạo đức mới. Từ cách tiếp cận mới này mà tinh thần Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết, thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ, coi đó là nguyên tắc dĩ bất biến ứng vạn biến đã thành ngọn cờ tập hợp lực lượng, nhân lên sức mạnh của mỗi người, kết thành một khối thống nhất để đương đầu với bất kỳ thử thách khốc liệt nào. Nhìn lại vận nước những ngày đầu, hai cuộc kháng chiến trường kỳ, chúng ta mới hiểu thêm về tư tưởng văn hóa soi đường cho quốc dân đi có sức mạnh tinh thần to lớn như thế nào. Từ văn hóa, và bằng văn hóa, tư tưởng ấy đã trui rèn không chỉ một đội ngũ cán bộ mà là cả dân tộc, tạo nên những kỳ tích lịch sử, trở thành biểu tượng cho tinh thần và bản lĩnh dân tộc.

3. Bước ra từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, chúng ta gặp muôn vàn khó khăn của thời kỳ hậu chiến và sự bao vây chống phá của kẻ thù. Qua những vật vã, tìm kiếm, cuối cùng chính văn hóa đã tạo tiền đề để nước nhà vượt qua khủng hoảng, từng bước ổn định và phát triển. Đổi mới toàn diện đất nước là một cuộc nhận đường khác cũng gian nan và khốc liệt. Vì lần này chúng ta phải vượt qua chính mình, qua những giới hạn và bỏ lại cả những vinh quang một thời để đi tiếp một chặng đường mới vẫn trên nền tảng vì dân tộc, khoa học, nhân dân, làm thế nào để đất nước ổn định, nhân dân hạnh phúc, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Cương lĩnh phát triển đất nước trong thời kỳ mới, các nghị quyết chuyên đề của Đảng về văn hóa, con người là nhận thức mới không chỉ về văn hóa mà là khởi đầu nhận thức về chặng đường mới của dân tộc, trong đó bắt đầu từ con người, văn hóa và đích đến cũng là hạnh phúc của con người. Văn hóa phải trở thành động lực và là mục tiêu của sự phát triển, thành nguồn lực nội sinh, là thước đo của sự phát triển bền vững. Đây là những bổ sung mới trong quá trình hoàn thiện nhận thức về vai trò của văn hóa trong đời sống.

Nhân loại đang đứng trước những lựa chọn mới bởi rất nhiều yếu tố phát triển phi truyền thống đã đặt ra thách thức mới do sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ. Khoa học công nghệ “bắt” con người phải tư duy lại nhiều vấn đề truyền thống và có một thái độ tích cực để không bị tụt lại phía sau. Công nghệ đã tạo ra một thế giới phẳng, trí tuệ nhân tạo khiến con người phải tư duy lại nhiều vấn đề của chính mình. Đảng và Nhà nước đặt ra vấn đề cần xây dựng hệ giá trị quốc gia, dân tộc, cộng đồng, gia đình, con người đáp ứng được yêu cầu phát triển mới. Đây là một vấn đề khó bởi nó gắn với một sự đột phá trong nhận thức; nhận thức bối cảnh, nhận thức về mình để vượt lên chính mình, để nhịp bước cùng thời đại trong khi chúng ta vừa có thế mạnh, vừa có những yếu kém cả về khoa học công nghệ lẫn tổ chức xã hội. Trong cuộc vượt thoát này, Đảng xác định văn hóa là nền tảng để cả dân tộc tựa vào đó mà tiến về phía trước.

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, văn hóa còn, đất nước còn, mất văn hóa là mất tất cả. Vấn đề là ở chỗ trong hành trình mới này, chúng ta mang theo những gì và phải đoạn tuyệt những gì để tiến về phía trước, vừa khẳng định mình, vừa đóng góp cho nhân loại? Có lẽ, cần phải có những thay đổi trong nhận thức về văn hóa và con người. Thừa nhận sự khác biệt, cộng sinh nghĩa là thừa nhận những cá tính, những khác biệt trong cách tiếp cận và giải quyết vấn đề, thừa nhận sự cạnh tranh. Mà có cạnh tranh mới có tiền đề để tạo ra những sản phẩm tốt nhất, mới giải phóng được năng lực sáng tạo còn bị bỏ rơi đâu đó.

Chưa bao giờ chúng ta cần sự lao động sáng tạo hết mình như bây giờ, vì chỉ có sử dụng nguồn lao động có tiềm năng sáng tạo cao mới có thể tạo ra những sản phẩm có giá trị lớn, giúp cho đất nước phát triển, đem lại lợi ích lớn nhất cho đất nước. Trong giai đoạn này, chúng ta cần những điều chỉnh nhận thức về văn hóa và con người vì đây là một bước tạo đà quan trọng để tạo tiền đề cho một đất nước hùng cường, nhân dân hạnh phúc. Khởi thủy của quá trình này bắt đầu từ thay đổi nhận thức về văn hóa.

Hà Nội mới