Nam diễn viên thành công với vai nông dân

Dù đã hóa thân vào nhiều dạng vai diễn khác nhau, nhưng một số nam diễn viên lại gây ấn tượng sâu đậm với khán giả bằng vai nông dân.

Từ trái qua:  NSƯT Thanh Nam - Diễn viên Quý Bình - Nghệ sĩ Lê Bình - Diễn viên Kinh Quốc

Trong hơn 20 năm qua đã có hàng chục bộ phim truyền hình dài tập về đề tài nông thôn và nông dân gây được ấn tượng với khán giả, đáng kể như: Đất và người, Ma làng, Gió làng Kình, Làng ma -10 năm sau, Bão qua làng, Bí thư tỉnh ủy, Đua nhau làm giàu, Về quê cưới vợ, Tình ca cao, Đất mặn, Tiếng tơ đồng, Đồng quê, Vịt kêu đồng,Chuyện xứ Dừa, Chuyện làng bè, Cá rô, anh yêu em, Tay chơi miệt vườn, Hương bưởi, Cá lên bờ, Gió về Cù lao, Duyên nợ miền Tây, Hương sầu riêng, Vùng đất không yên tĩnh, Vùng Hạ chuyển mình, Mặn hơn muối, Con dâu, Đảo khát… Đồng hành cùng các bộ phim này, nhiều diễn viên có dịp đóng vai nông dân hoặc khoác lên người bộ quần áo của nông dân, về nông thôn đóng phim. 

Trong số diễn viên đóng vai nông dân thành công, đầu tiên phải kể đến NSƯT Thanh Nam - một kép “mùi” của Đoàn Cải lương Kiên Giang, nhưng ngay từ lần bén duyên đầu tiên với phim ảnh đã đóng vai nông dân trong Chuyện tình bên dòng kênh Xáng. Sau khi đóng vai Hai Lúa trong phim truyền hình Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa, thì nhắc đến cái tên “Hai Lúa” là khán giả lại nhớ đến ông. Hài hước, mộc mạc, chân chất “rất Nam bộ”, NSƯT Thanh Nam đã nhận giải thưởng Nam diễn viên chính được yêu thích nhất của HTV Awards (2010). 


Nghệ sĩ ưu tú Thanh Nam trong phim Cuộc phiên lưu của Hai Lúa 

Sau đó, Thanh Nam tiếp tục gây ấn tượng với nhân vật “đậm chất” nông dân trong các phim như: Về quê cưới vợ, Mua láng giềng gần, Sông dài, Khung trời ước mơ, Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa phần 2… và chương trình Bác Ba Phì thời @ (đoạt giải thưởng Cù nèo Vàng 2012). Thanh Nam từng chia sẻ rằng, nhờ xuất thân là nông dân nên chèo ghe, cuốc đất, làm lúa, lội ruộng nên ông làm được hết. Vì vậy, đóng vai nông dân là “vô” lắm. Mỗi lần nhận vai nông dân là nghệ sĩ Thanh Nam luôn đầu tư rất kỹ để tạo diện mạo mới, tìm ra nét riêng biệt, nên tuy đóng nhiều vai nông dân mà vẫn khiến khán giả phải mê.

Nghệ sĩ Lê Bình có nhiều vai rất ấn tượng nhưng lại thành công nhất với vai nông dân. Ông thường được gọi vui là “ông già Nam Bộ”, bởi cái mặt khắc khổ, hiền lành, thật thà và cái lưng với dáng đi còng còng, con mắt nhìn xa xăm. Lê Bình cũng có duyên từ rất sớm với vai nông dân, kể từ phim Đất Phương Nam, rồi phim Bến phà (kịch bản do chính ông viết). Trải qua biết bao vai nông dân thấp thoáng trên màn ảnh, Lê Bình đã có một số vai nông dân để lại ấn tượng khó quên như:  ông Năm Na trong phim Vịt kêu đồng được trao giải Nam diễn viên phụ được yêu thích nhất của HTV Awards 2011; ông Bảy cô đơn trong phim Vùng đất không yên tĩnh, ông Tư đàn bầu trong phim Thuyền giấy…


Nghệ sĩ Lê Bình trong phim Vùng đất không yên tĩnh

Lê Bình còn được nhớ đến với hình ảnh Ba Vui trong chương trình Ra khơi ( từng phát sóng trên HTV) được khán giả (nhất là nông dân) ở miền Tây Nam bộ rất yêu thích. Không xuất thân nông dân như Thanh Nam, nhưng nhờ thời niên thiếu sống ở quê cùng ông nội và những năm tháng tuổi trẻ đi thanh niên xung phong sống cùng nông dân, đã cho Lê Bình “vốn” sống để hóa thân rất thật vào vai nông dân. 

Trai phố chính hiệu, ngay từ khi bước chân vào điện ảnh, Kinh Quốc đã vào vai nông dân trong phim Đất phương Nam, Chuyện tình trên dòng kênh Xáng… Đặc biệt anh nhận được nhiều lời khen với Ba Ruộng trong phim Lúa trổ bông kể về nông dân trồng lúa và bảo vệ thương hiệu lúa đặc sản ở miền Tây Nam bộ. Để vào vai cho đúng “chất” Ba Ruộng, Kinh Quốc đã phơi mình ngoài nắng để có nước da đen sạm, rồi để một bộ râu tua tủa cứng ngắc, chuẩn bị những bộ quần áo đã bạc màu. Và không đơn giản là khoác lên người bộ quần áo bà ba, quàng lên cổ chiếc khăn rằn, mà Kinh Quốc “lăn xả” như nông dân chính hiệu trên bối cảnh quay phim ở miền Tây Nam bộ. Khi phim phát sóng trên HTV7, có khán giả đã nhắn nhủ rằng: “Ba Ruộng đúng chất “Hai Lúa” đó, khi nào Kinh Quốc rảnh về Bến Tre cho nông dân bắt tay cái chơi”. 

Diễn viên Kinh Quốc trong phim Lúa trổ bông

Có khuôn mặt điển trai, góc cạnh, nước da ngăm đen, Quý Bình được đánh giá là hợp với vai nông dân trải qua cuộc sống phơi nắng, dầm sương. Bởi vậy, Quý Bình từng được giao kha khá vai nông dân, trong đó anh đặc biệt gây được ấn tượng với Niễng - chàng nông dân tật nguyền, tính tình tốt bụng, thật thà, yêu chân thành trong phim Sông dài. Ngoài Sông dài, Quý Bình còn đóng vai nông dân trong phim: Bìm bịp kêu chiều, Một đời giông tố, Sông phố nhà quê… 

Sinh trưởng ở vùng nông thôn của huyện Hóc Môn, Quý Bình từ nhỏ đã tiếp xúc với đồng ruộng. Mỗi khi có thời gian rảnh, anh vẫn thường phóng xe về quê, ra đồng bắt cá, cho gà vịt ăn, nhổ cỏ, tưới cây ngoài vườn: “Tôi có là ai trên màn ảnh đi nữa thì khi về nhà vẫn là anh nông dân, sẵn sàng xắn quần vác cày, cuốc ra đồng”. Chính trải nghiệm từ cuộc sống đã giúp Quý Bình hóa thân rất ngọt vào vai nông dân trên màn ảnh.

Diễn viên Quý Bình (phải) và Nghệ sĩ ưu tú Thanh Nam trong phim Sông dài 

Những nam diễn viên đóng vai nông dân thành công còn có cố Nghệ sĩ ưu tú Hồ Kiểng với vai diễn “để đời” là ông già nông dân nghèo mạt rệp trong phim Đất phương Nam; Trung Dân có vai nông dân đáng nhớ nhất là Ba Đời trong phim Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa; Hoàng Sơn từng được giải Nam diễn viên xuất sắc nhất của Cánh diều Vàng 2010 với vai Sáu Bé trong phim Vịt kêu đồng... 

Nhiều diễn viên trẻ từng đóng vai nông dân gây được cảm tình với khán giả, như: Ngọc Hùng với vai Hai Hên của Vịt kêu đồng, Hai Nghĩa –tá điền đờn hay, ca mùi, trọng lẽ phải trong Đồng quê; Huỳnh Đông trong phim Hoa vàng nơi ấy, Hương bưởi, Duyên nợ miền Tây; Võ Thành Tâm trong phim Giấc mơ xanh, Tiếng tơ đồng; Lương Thế Thành trong phim Ra giêng anh cưới em; Trí Quang trong phim Vùng Hạ chuyển mình; Nhan Phúc Vinh trong phim Chàng khờ mất vợ… Với họ, đóng vai nông dân là một cơ hội để “làm mới” diễn xuất của chính mình và “làm mới” hình ảnh trong mắt khán giả. 

Đan Khanh