“Mạng xã hội”: Sự thật trần trụi về Facebook

“Mạng xã hội” thực chất là cách kiến giải đầy tôn trọng về Facebook - mạng xã hội lớn nhất và có ảnh hưởng lớn nhất toàn cầu. Nhận thức được vị trí độc tôn của Facebook, họ đặt tên bộ phim là “Mạng xã hội” (The Social Network).

“Mạng xã hội” (The Social Network) được xem là bộ phim phơi bày sự thật trần trụi về Facebook

Không mất công mào đầu bằng việc giới thiệu bối cảnh hay dẫn chuyện từ tốn, Mạng xã hội (The Social Network) mở đầu ngay lập tức bằng cuộc đối thoại dồn dập giữa Mark Zuckerberg, chủ nhân tương lai của Facebook, và cô bạn gái xinh xắn. Chỉ trong vòng 5 phút, từ một cuộc trò chuyện thân mật, cặp đôi này đã chuyển sang công kích lẫn nhau, và kết quả là giọt nước tràn ly, cô bạn gái nổi giận quyết định “đá” luôn anh bạn trai phiền phức.

Đó là cách Mạng xã hội giới thiệu nhân vật chính của bộ phim: Mark Zuckerberg, một thiên tài vi tính thông minh tuyệt đỉnh, nhưng vô cùng ngạo mạn, thích dạy đời, thiếu chín chắn và kém cỏi trong giao tiếp. Ngay từ những phút đầu tiên, bộ phim đã thành công trong việc thu hút hoàn toàn sự chú tâm của khán giả vào nhân vật chính, để rồi cứ thể làm họ cuốn theo một câu chuyện tưởng như chẳng mấy hấp dẫn, thậm chí mang hơi hướm phim tài liệu: câu chuyện về sự hình thành và phát triển của Facebook, trang web xã hội phổ biến nhất thế giới, cùng những người khởi tạo ra nó.

Nội dung của Mạng xã hội chủ yếu xoay quanh hai vụ kiện: một của hai anh em sinh đôi nhà Winklevoss, những người tố cáo ông chủ Facebook đã ăn cắp ý tưởng của họ, và một của Eduardo Saverin, người đồng sáng lập Facebook nay quay sang đưa cậu bạn thân Zuckerberg ra tòa vì đã dối gạt và “hất cẳng” mình ra khỏi công ty.  Nhưng đáng chú ý là bộ phim không hề có dụng ý làm khán giả tò mò về kết thúc của hai vụ kiện, mà điều khiến ta quan tâm là quá trình dẫn đến các vụ kiện đó, với những câu chuyện nhỏ được sắp xếp khéo léo qua những đoạn hồi tưởng về quá khứ.

Bộ phim phản ánh chân thực hành trình đầy tham vọng nhưng cũng cô đơn của Mark Zuckerberg

Thực chất, quá trình hình thành Facebook, dù được tường thuật khá tỉ mỉ qua thuyết minh của diễn viên chính và các cuộc đối thoại, hóa ra chỉ là cái cớ để đạo diễn David Fincher và biên kịch Aaron Sorkin kể một câu chuyện cảm động về tình bạn, tham vọng, dối trá và bội phản. Trung tâm của câu chuyện ấy là Mark Zuckerberg, và sau mỗi tình tiết nhỏ, tính cách của Mark Zuckerberg dần được bộc lộ, để rồi chàng thanh niên trẻ tài năng hiện lên như một con người đầy khiếm khuyết, nhưng vẫn có gì đó cô độc và đáng thương khiến cho ta đồng cảm và cố gắng thấu hiểu.

Mark Zuckerberg xây dựng một “đế chế” từ sự giận dữ âm ỉ đối với cô bạn gái cũ cùng những người không yêu quý mình, và nỗi cô đơn sâu thẳm trong lòng cậu. Tính cách cô độc của Zuckerberg thể hiện chính trong cách cậu đối diện với sự cô đơn ấy: vùi đầu vào máy tính và lập trình, thay vì tìm đến anh bạn thân Eduardo để tâm sự hay vui chơi cho khuây khỏa. Chàng trai trẻ đối diện với thất bại và khiếm khuyết của bản thân bằng cách trốn tránh và phủ nhận. Zuckerberg đáp trả sự công kích của mọi người dành cho mình bằng thái độ thờ ơ cố ý, vẻ mặt “khinh khỉnh”, cùng những lời trả đũa ngạo mạn.

Zuckerberg của Mạng xã hội, qua sự thể hiện khéo léo của Jesse Eisenberg, là nhân vật rất “người”: một thiên tài ngạo mạn, khinh đời, nhưng cũng có những lúc yếu đuối, nông nổi và cô độc. Vai diễn này giúp Jesse Eisenberg phát huy tài năng của mình một cách trọn vẹn, vì ngoại hình và cách diễn xuất nội tâm của anh rất thích hợp với nhân vật Zuckerberg trong phim: từ gương mặt đặc sệt kiểu “mọt sách”, đôi mắt lim dim lơ đễnh, đôi môi mím chặt nghiêm nghị đến cái nhìn khinh mạn xấc xược và vẻ giận dữ kìm nén…

Với vai diễn tỷ phú trẻ Zuckerberg, Jesse Eisenberg đã xuất sắc giành được giải “Nam diễn viên chính xuất sắc nhất” của Academy Awards

Cùng với một Jesse Eisenberg xuất sắc trong vai chính, Mạng xã hội có một dàn diễn viên trẻ đồng đều. Không chỉ tài năng, mà sự trẻ trung, sức sống và phong cách của từng người đã đem đến cho bộ phim sự tươi mới, hiện đại và lôi cuốn riêng biệt. Các diễn viên trong Mạng xã hội đều làm tròn vai trò của mình, một số còn thể hiện xuất sắc đến mức tưởng như vai diễn đã được đo ni đóng giày cho họ. 

Đó là Justin Timberlake trong vai Sean Parker, với vẻ ngoài bóng bẩy, sành điệu, có phần mưu mô của một tay chơi; Andrew Garfield, anh chàng điển trai với gương mặt trong sáng, có chút gì ngây thơ khiến ta đồng cảm với nhân vật Eduardo Saverin tình cảm; và Rooney Mara trong vai cô bạn gái cũ Erica Albright với vẻ đẹp sắc sảo, kiêu hãnh, người chỉ xuất hiện chưa đầy 10 phút trong phim, nhưng mỗi lần góp mặt đều gây ấn tượng khó quên. Tài năng đồng đều của dàn diễn viên đã tạo nên chiều sâu tâm lý, tính cách riêng biệt cho từng nhân vật.

Bên cạnh cách khắc họa nhân vật sắc sảo và thú vị, Mạng xã hội vượt lên trên rất nhiều bộ phim tiểu sử khác còn nhờ vào chất châm biếm và trào lộng đặc sắc. Tính châm biếm của bộ phim thể hiện ở những mâu thuẫn rõ rệt trong câu chuyện. Trước hết là mâu thuẫn ở nhân vật chính Zuckerberg. Người tạo ra phương tiện kết nối hàng trăm triệu người trên thế giới hóa ra lại là một kẻ cô đơn và không được số đông yêu mến. Một kẻ đầy tài năng và quyền lực lại chẳng thể thuyết phục cô bạn gái cũ dành cho mình vài phút nói chuyện riêng. Và cuối cùng, sự mâu thuẫn giữa mục đích của chính Facebook và xung đột trong lòng nó: ứng dụng cho phép hàng triệu người dùng kết bạn với nhau và củng cố mối quan hệ lại làm tan vỡ tình bạn khăng khít giữa những người sáng lập.

“Mạng xã hội” (The Social Network) châm biếm và trào phúng sự tác động vô hình của mạng xã hội lên người dùng

Tính châm biếm ấy càng được phát huy một cách hiệu quả, thuyết phục nhờ các chi tiết hài hước, dí dỏm được đan cài khéo léo. Ví dụ điển hình là cuộc tranh cãi giữa Eduardo và bạn gái, sau khi cô nàng biểu lộ sự tức giận khi bạn trai không thay đổi "trạng thái mối quan hệ" (relationship status) từ "độc thân" (single) chuyển sang "đang hẹn hò" (in a relationship). Hay sự xuất hiện lần đầu của Sean Parker trên giường một cô gái mà cậu không rõ bao nhiêu tuổi, còn cô gái thì chẳng hề biết tên Sean, nhưng lại hiểu về trang web chia sẻ nhạc mà cậu sáng lập.

Qua những tình tiết hài hước, mỉa mai, Mạng xã hội vừa trình bày những tiện ích hiển nhiên của mạng xã hội, vừa ngầm cho thấy sự nguy hiểm của nó, khi mọi suy nghĩ của con người, trong cả phút giây tỉnh táo lẫn những thời khắc mất tự chủ có thể gây nguy hại cho chính bản thân họ và làm tổn thương những người xung quanh ra sao do sự lan truyền chóng mặt của thông tin qua internet. Kịch bản chuyển thể của Sorkin giành giải Oscar năm 2011. Còn bộ phim, được coi là "đặc sắc đến từng khoảnh khắc" và người ta vẫn nghĩ nó xứng đáng giành giải "Phim hay nhất" thay vì Nhà vua nói lắp (The King’s Speech) năm đó.

Bộ phim “Mạng xã hội” (The Social Network) được phát sóng vào lúc 11g25 thứ Tư (28/10) trên kênh HBO thuộc hệ thống HTVC. Mời bạn đọc đón xem và theo dõi.

Song Anh