Khó khăn tuyển sinh ngành khoa học cơ bản

THANH TUYỀN - QUỐC SỬ - THIỆN TOÀN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 12/5/2023, 21:17

(HTV) - Trong những năm gần đây, ngành Khoa học sự sống và Khoa học tự nhiên đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất. Ngay cả ở những trường đại học hàng đầu thì kết quả tuyển sinh những ngành này cũng không khả quan.

Ngành địa chất được xem là ngành đóng góp rất lớn vào GDP của quốc gia với mức đóng góp hiện tại khoảng 13% bởi đằng sau ngành này là cả một nền công nghiệp khai khoáng. Tuy nhiên, những năm gần đây, tại trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM, số lượng sinh viên theo học ngành địa chất giảm từ 100 xuống còn 50, thậm chí chỉ 30 sinh viên/năm với mức điểm trúng tuyển đại học bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT dao động từ 17 - 18 điểm.

Cần có thêm các chính sách ưu đãi để sinh viên theo học ngành khoa học cơ bản

Theo Tiến sĩ Nông Thị Quỳnh Anh, Phó trưởng khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM, "Địa chất là ngành đi thực địa, làm công việc hiện trường vất vả trong khi giới trẻ có xu hướng chọn ngành ít đi lại, không làm công việc tay chân vất vả. Thứ hai là mức đãi ngộ ngành nghề thấp nên ngành địa chất ít thu hút thí sinh vào học".

Tiến sĩ Nông Thị Quỳnh Anh, Phó trưởng khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM

Là đơn vị có tiềm lực nghiên cứu khoa học mạnh của Trường Đại học Quốc tế và của cả Đại học Quốc gia TPHCM, tuy nhiên, khoa Công nghệ sinh học cũng chỉ tuyển được 130 sinh viên trên tổng số 200 chỉ tiêu mỗi năm.

Chia sẻ nguyên nhân khiến ngành học này không tuyển đủ chỉ tiêu, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Công nghệ sinh học, Trường đại học Quốc Tế, Đại Học Quốc Gia TP.HCM cho biết: "Khi ra trường thì các em kiếm việc làm khó khăn do ngành công nghệ sinh học ở nước ta chưa phát triển. Các em ra trường chủ yếu làm những công ty bán thuốc, trang thiết bị thì cũng không đúng chuyên môn".

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Công nghệ sinh học, Trường đại học Quốc Tế, Đại Học Quốc Gia TP.HCM

Theo thống kê của Bộ Giáo dục - Đào tạo, năm 2022, số sinh viên đại học được tuyển mới của khối ngành khoa học cơ bản chỉ chiếm xấp xỉ 1,3% tổng số sinh viên tất cả các ngành.

Thực trạng khối ngành khoa học cơ bản khó tuyển sinh và mức điểm trúng tuyển đại học không cao được dự báo sẽ dẫn tới nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực khoa học - công nghệ trình độ cao cho đất nước trong tương lai.

Nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực khoa học - công nghệ trình độ cao cho đất nước trong tương lai

Tiến sĩ Nông Thị Quỳnh Anh, Phó trưởng khoa Địa chất, trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM nhận định: "Trong 10 - 20 năm nữa, đất nước cần nhà địa chất là không còn. Lúc đó đào tạo thì đã muộn. Vì vậy, cần phải duy trì ngành khoa học cơ bản, có sinh viên ra trường để đóng góp nguồn nhân lực, giữ mức cân bằng vị trí lao động trong xã hội."

Khoa học cơ bản là nền tảng của các lĩnh vực, công nghệ mới. Không có nghiên cứu cơ bản thì không có sản phẩm công nghệ cao, nền kinh tế sẽ đánh mất năng lực cạnh tranh. Vì vậy, Phó giáo sư - Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng rất cần hệ thống giải pháp đồng bộ từ cả 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp và trường đại học. Trong đó, Nhà nước xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công tác nghiên cứu phát triển. Thứ hai là chính sách đặt hàng các trường đại học đào tạo các ngành khoa học cơ bản, khoa học sự sống. Đối với doanh nghiệp, cần chú trọng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, mở các trung tâm nghiên cứu R& D, tức là trung tâm nghiên cứu phát triển đặt tại doanh nghiệp hoặc các trường đại học. Các trường đại học phải đổi mới chương trình đào tạo các ngành khoa học cơ bản, khoa học sự sống sát thực tiễn để thu hút nhiều thí sinh hơn".

Phó giáo sư - Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM

Đảng và Nhà nước ta đã xác định nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với khoa học - công nghệ là một trong ba đột phá chiến lược. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách đột phá để hỗ trợ, thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực khoa học - công nghệ, trong đó có các ngành khoa học cơ bản phải đi trước một bước.

>>> Xin mời quý vị đón xem chương trình thời sự của HTV lúc 20G mỗi ngày trên HTV9

 

Ý kiến của bạn:
Bài liên quan
(HTV) - Chiều nay, Đồng chí Nguyễn Văn Được - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM đã có buổi tiếp Đoàn Thủ đô Viêng Chăn, Lào đến chào xã giao và trao đổi về Bản Ghi nhớ hợp tác giữa Viêng Chăn và TP.HCM.
(HTV) - Sáng nay 30/4/2025, tròn nửa thế kỷ kể từ ngày non sông liền một dải, TP.HCM - nơi ghi dấu thời khắc lịch sử - đã rực rỡ cờ hoa trong Lễ kỷ niệm trọng thể 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
(HTV) - Đoàn phóng viên quốc tế, kiều bào và phóng viên chiến trường đã tham quan Địa đạo Củ Chi và Đền tưởng niệm Bến Dược trong khuôn khổ Tuần lễ Báo chí kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
(HTV) - Giải quyết làn sóng bài Do Thái trong các trường đại học Mỹ là một trong những ưu tiên của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, Harvard chống lại nỗ lực này bằng đơn kiện lên tòa liên bang, được đông đảo các trường khác ủng hộ.
Sáng 30/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đọc diễn văn tại Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). HTV trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Tô Lâm.
(HTV) – Vào sáng ngày 30/4/2025, tại trục đường Lê Duẩn, phía trước Hội trường Thống Nhất (Quận 1, TP.HCM), Lễ Kỷ niệm cấp quốc gia 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) đã diễn ra trong không khí long trọng.
(HTV) - Sáng nay 30/4, Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã được tổ chức trọng thể tại TP.HCM. Một trong những điều được mong chờ nhất chính là màn bay biểu diễn của phi đội máy bay Không quân Việt Nam.