Ca nhạc

Hoàng Minh Nam và cơ duyên với sáo trúc

“Tiếng sáo là âm thanh thân thiết, gần gũi với tâm hồn người Việt. Không ai nghe tiếng sáo mà không bồi hồi. Bất cứ đâu, trên cánh đồng chiều, trong cánh rừng sâu, hay trên bãi biển vắng,… chỉ cần nâng sáo lên là đủ hấp dẫn người nghe”. Từ ý nghĩa đó, chàng trai miền đất cao nguyên Lâm Đồng đã theo đouổi ước mơ trờ thành một nghệ sĩ sáo trúc chuyên nghiệp.


Cơ duyên Hoàng Minh Nam đến với bộ môn sáo trúc là do ảnh hưởng từ cha của mình. Từ nhỏ, Hoàng Minh Nam thỉnh thoảng được nghe cha thổi sáo nên rất thích và muốn theo học sớm nhưng ở quê nhà không có các lớp học nhạc cụ dân tộc. Ước mơ được gắn bó và phát triển sáo trúc của Hoàng Minh Nam phải chờ đến khi anh thi đậu vào khoa Âm nhạc dân tộc Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh mới được thực hiện. 

Sau bốn năm “khổ luyện”, Hoàng Minh Nam tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu (hệ Trung cấp). Chưa chịu dừng lại ở kết quả này, anh tiếp tục theo học bậc Đại học để được học chuyên sâu, bài bản về kỹ thuật, và khả năng thể hiện các tác phẩm lớn của sáo trúc trong nước, các tác phẩm chuyển soạn từ âm nhạc nước ngoài... Cũng nhờ quá trình học tập miệt mài ấy, Hoàng Minh Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm cũng như trau dồi được khả năng chuyên môn đáp ứng yêu cầu của ngành học. Từ đây, anh bắt đầu đi biểu diễn và đi dạy thêm để nuôi dưỡng ước mơ trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp.


Xin chào Hoàng Minh Nam. Trong quá trình theo học bộ môn sáo trúc, anh thấy khó nhất điều gì? Đã bao giờ anh nản hay có ý định bỏ cuộc?
Có nhiều thứ rất khó khăn, bên cạnh việc tất tả lo “cơm-áo-gạo-tiền” để tự trang trải cho cuộc sống và việc học của mình, tôi còn phải đối mặt với một thực tế của ngành học đó là, chuyên môn nhạc cụ dân tộc ít được các bạn trẻ quan tâm. Cũng là nhạc cụ, nhưng các nhạc cụ phương Tây lại là nguồn cảm hứng cho nhiều bạn sinh viên hướng tới. Khi đam mê thì không hề nghĩ đến tương lai của nó, nhưng khi dấn thân vào rồi mới nhận thấy những thiệt thòi của ngành học. Điều này đôi lúc đã khiến tôi lo ngại cho công việc và cuộc sống tương lai của mình, vì vậy, ít nhiều tôi cũng cảm thấy nản. Nhưng rồi, vì đam mê, vì sự kế thừa, tôi lại tự nhủ và động viên bản thân phải tiếp tục theo học. May mắn là gặp được một người thầy luôn tận tâm hướng dẫn tôi nhiều bài học chuyên môn cũng như những bài học trường đời quý giá. Điều này đã trở thành động lực lớn thúc đẩy sự quyết tâm tiếp tục theo học của tôi một cách quyết liệt nhất. 

Hoàng Minh Nam bắt đầu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp từ khi nào?
Sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp, tôi tiếp tục theo học chương trình đại học, đây cũng là lúc tôi vừa theo học và biểu diễn trên các sân khấu chuyên nghiệp.

Mỗi nhạc phẩm mà Hoàng Minh Nam mang đến sân khấu, có ý nghĩa như thế nào?
Nam quan niệm rằng, khi mình đã là một nghệ sĩ biểu diễn thì việc quan trọng nhất là phải đưa ra được nội dung mà tác giả muốn thể hiện đến với người nghe qua mỗi bản nhạc, và đặc biệt là phải làm sao cho người nghe thấy được cái hay, cái độc đáo của cây sáo trúc Việt Nam.

 

Bạn có những lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ nếu muốn học môn sáo trúc?
Tiếng sáo là âm thanh thân thiết, gần gũi nhất với tâm hồn người Việt. Không ai nghe tiếng sáo mà không bồi hồi. Chơi sáo không mất nhiều tiền, cũng không cồng kềnh bất tiện. Bất cứ đâu, trên cánh đồng, trong rừng sâu, trên bãi biển vắng, trong khách thính… chỉ cần nâng sáo lên là đủ hấp dẫn người nghe.
Thổi sáo dễ nhưng thổi cho hay lại là một nghệ thuật. Có người có tài trời cho nhưng thiên tài nhiều lúc chỉ là kết quả của sự kiên nhẫn, tập dợt mà nên. Bạn cứ thổi đi, chịu khó luyện tập, đặt hết lòng say mê vào đó, bạn sẽ thành công, điều đó không có gì lạ cả.

Trong tháng Tư này, Hoàng Minh Nam được Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh thực hiện riêng một chương trình để thể hiện tài năng của mình. Cảm xúc của anh lúc này như thế nào?
Khi Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh có lời mời tham gia chương trình giới thiệu về nhạc cụ dân tộc, đặc biệt là cây sáo trúc, tôi rất vui và xúc động, khi được lên truyền hình trong hẳn một chương trình với tiếng sáo của mình. Đây là dịp tôi được thể hiện khả năng của mình và được chia sẻ với khán giả về những giá trị và nét độc đáo của sáo trúc.

 

Anh có nhận xét như thế nào về việc Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh mở ra chương trình giới thiệu các nhạc cụ dân tộc đến các bạn trẻ hiện nay?
Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh thực hiện các chương trình riêng về các nhạc cụ dân tộc, cho thấy, không chỉ những người theo học nhạc cụ dân tộc mới quan tâm, mà những người đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, quảng bá vẫn luôn dành nhiều ưu ái cho các nhạc cụ dân tộc. Có thể, sau khi xem chương trình, nhiều bạn trẻ sẽ có thêm kiến thức về nhạc cụ dân tộc và thêm yêu loại hình âm nhạc sáo trúc. Tuy là một loại nhạc cụ nhỏ bé, xinh xắn nhưng góp phần “kiến tạo” bao tâm hồn yêu nhạc. 

Ban Mê - Ảnh: N.H