Giải mã thương hiệu hoạt hình ăn khách nhất Nhật Bản: Doraemon có gì mà ai cũng mê mệt?

Kể từ khi ra mắt lần đầu tiên vào năm 1970, chú Mèo máy Doraemon đã nhanh chóng trở thành biểu tượng văn hóa của đất nước Mặt trời mọc và là người bạn thân thiết gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều bạn trẻ trên thế giới.

Mèo máy Doraemon trở thành biểu tượng của văn hóa Nhật Bản 

 5 thập kỷ trở thành biểu tượng văn hóa

Doraemon bắt nguồn từ bộ truyện tranh cùng tên của tác giả Fujiko F Fujio, lần đầu phát hành tháng 1/1970. Bộ truyện đến nay đã bán được hơn 100 triệu bản toàn cầu, thuộc nhóm tác phẩm ăn khách nhất. Nhờ thành công đó, hãng Toho bắt đầu sản xuất các phiên bản hoạt hình Doraemon. Phim dài đầu tiên ra mắt khán giả năm 1980 với nhan đề Doraemon: Khủng long của Nobita. Theo thông lệ, mỗi năm khán giả đều có cơ hội ra rạp để chứng kiến nhân vật Mèo máy và nhóm bạn trên màn bạc.Tính đến nay, 39 bản phim dài của Doraemon đã được phát hành, với doanh thu trung bình khoảng 43 triệu USD mỗi tập.

Thương hiệu phim xoay quanh cậu bé Nobita tốt bụng nhưng có nhiều tật xấu như hậu đậu, học kém và lười biếng. Ở thời tương lai, hậu duệ của Nobita gửi chú mèo máy Doraemon quay ngược thời gian để giúp cậu vượt qua những rắc rối. Từ nội dung cơ bản đó, Fujiko Fujio biến câu chuyện trở thành một biểu tượng văn hóa tại Nhật Bản và toàn thế giới.

Hình minh họa nhóm bạn Doraemon - Nobita cùng tác giả Fujiko F. Fujio

Mô-típ cơ bản của các câu chuyện là Nobita vướng phải rắc rối và về cầu cứu Doraemon. Chú mèo máy sẽ an ủi và động viên cậu đứng lên vượt qua. Nobita muốn một phương pháp “ngắn hạn” hơn thế, khiến Doraemon buộc phải cho cậu mượn một món bảo bối, lấy từ chiếc túi “không đáy” trước bụng, để giải quyết vấn đề.

Không chỉ Doraemon mà còn có nhóm bạn Nobita, Shizuka, Suneo, Jaian, họ đã mang đến nhiều niềm vui, hạnh phúc, niềm tin yêu cuộc sống đến mọi người.

Những món bảo bối độc lạ tạo nên thành công của thương hiệu

Trẻ em luôn hứng thú với những món đồ công nghệ hiện đại hay sở hữu năng lực ma thuật. Sự sáng tạo của Fujiko Fujio biến mỗi tập phim trở thành một hành trình thú vị và mới lạ với khán giả dù mô-típ cơ bản tương đồng. Những món như cánh cửa thần kỳ, chong chóng tre đã in sâu với tâm trí hàng triệu người hâm mộ suốt năm thập kỷ qua. Sự phát triển của khoa học ngoài đời thật khiến những món bảo bối trong tưởng tượng ngày càng trở nên thân thuộc với những thế hệ khán giả mới sau này.

 Những món bảo bối độc lạ lúc có ích, lúc thì mang đến nhiều bài học nhớ đời cho Nobita

Ở các quốc gia phương Đông, trẻ em thường chịu nhiều áp lực từ sự kỳ vọng của gia đình, xã hội. Chúng luôn bị yêu cầu phải chăm chỉ, học giỏi và ngoan ngoãn. Doraemon vẽ lên giấc mơ của những đứa trẻ để thoát khỏi áp lực đó nhờ những món bảo bối. Tuy nhiên, bộ truyện chỉ nêu vấn đề dưới góc nhìn cảm thông, không khuyến khích những thói xấu này. Luôn có những câu chuyện “dở khóc dở cười” phát sinh khi Nobita lạm dụng các món bảo bối, khiến cậu buộc phải tự giải quyết bằng năng lực của bản thân hoặc nhận bài học nhớ đời.

Phim hoạt hình điện ảnh thứ 40

Điểm mạnh của Doraemon khi chuyển thể sang điện ảnh so với những thương hiệu manga (truyện tranh Nhật Bản) khác là những tác phẩm truyện dài. Bên cạnh những mẩu chuyện ngắn xoay quanh vài tình huống nhỏ, tác giả Fujiko Fujio cũng cho ra mắt 16 bộ truyện dài có cấu trúc không khác gì phim điện ảnh.

Chúng tạo tiền đề cho phim không mất đi những đặc điểm vốn có của thương hiệu “Doraemon”. Mỗi tập, Nobita cùng nhóm bạn bước vào một cuộc phiêu lưu đến những thế giới mới, đối mặt với thử thách lớn hơn thay vì những rắc rối nhỏ tại trường lớp, gia đình. Điều này khiến loạt phim Doraemon luôn được chào đón và duy trì phong độ suốt 40 năm qua.

 Hoạt hình điện ảnh Doremon chuyển thể từ truyện dài qua từng thời kì

Từ năm 1980 cho đến 2003, phim điện ảnh Doraemon đã thu hút hơn 100 triệu người quan tâm. Và đây vẫn là con số lớn nhất so với những bộ phim hoạt hình tại Nhật Bản khác. Tuyệt vời hơn, bộ phim Doraemon: Nobita và Mặt trăng phiêu lưu ký (Doraemon: Nobita’s Chronicle of The Moon Exploration) phát hành vào năm 2019 đã phá vở kỷ lục với doanh số thu về hơn 50 triệu USD.

Và năm 2020 là một năm vô cùng đặc biệt, Doraemon tròn 50 tuổi. Để đánh dấu cột mốc quan trọng này, bộ phim Doraemon: Nobita và Những bạn khủng long mới (Doraemon The Movie: Nobita’s New Dinosaur) ra đời. Tác phẩm là phim hoạt hình thứ 40 trong loạt phim điện ảnh về Doraemon.

 Nhóm bạn Doremon đã cùng trải qua các cuộc hành trình khám phá nhiều vùng đất khác nhau

Vẫn là chuyến đi, hành trình đến vùng đất mới thường thấy trong các phần phim Doraemon nhưng với bộ phim lần này đặc biệt mới lạ và thú vị. Phim kể về Nobita, trong lúc đang tham gia hoạt động khảo cổ ở một cuộc triển lãm khủng long, cậu tình cờ tìm thấy một viên hóa thạch và cậu tin rằng đây là trứng khủng long. Nobita liền mượn bảo bối thần kỳ “khăn trùm thời gian” của Dorameon để giúp viên hóa thạch trở lại thời của chúng nhưng ngay sau đó, quả trứng liền nở ra một cặp khủng long song sinh. Ngạc nhiên hơn hết, đây lại là loài khủng long mới hoàn toàn và chưa từng được phát hiện.

"Doraemon: Nobita và Những bạn khủng long mới" là phim hoạt hình thứ 40 trong loạt phim điện ảnh về Doraemon

Nobita đã đặt tên cho cặp song sinh này là Kyu & Myu. Cậu đã không ngừng nỗ lực để nuôi dưỡng chúng với tình yêu thương bao la như một người mẹ thực thụ, tuy nhiên Nobita dần nhận ra rằng môi trường hiện tại không phù hợp với loài khủng long. Vì thế, cậu đã quyết định đưa cặp khủng long trở về 66 triệu năm trước cùng với Doraemon và những người bạn mở ra một cuộc phiêu lưu mới.

Cuộc thám hiểm bắt đầu từ việc lần theo những dấu chân khủng long và với sự giúp đỡ từ những bảo bối của Doraemon cùng những bạn khủng long khác. Nobita và hội bạn đã tìm thấy một vùng đất bí ẩn. Liệu cuộc thám hiểm này sẽ mang số phận của cặp khủng long song sinh đi về đâu khi người ta nói rằng nếu vào Kỷ Phấn Trắng, tất cả loài khủng long sẽ bị tuyệt chủng, Nobita sẽ còn được gặp lại Kyu & Myu hay không?

Đón xem bộ phim "Doraemon: Nobita và Những bạn khủng long mới" từ ngày 18/12/2020.

Khiết Băng