“Điệp viên báo thù”: Mãn nhãn với cuộc truy tìm chiếc đồng hồ bí mật

Lấy bối cảnh trước thềm Bức tường Berlin sụp đổ, bộ phim là cuộc truy tìm một chiếc đồng hồ bị thất lạc mà người thực hiện nhiệm vụ này là điệp viên Lorraine Broughton. Đó không phải là chiếc đồng hồ cổ mà nó chứa đựng tên các mật vụ đang hoạt động ngầm.


“Điệp viên báo thù” là câu chuyện về nữ điệp viên Lorraine Broughton do Charlize Theron đảm nhận

Cuộc truy tìm chiếc đồng hồ bí mật

Ngay trước thềm Bức tường Berlin sụp đổ, nữ điệp viên Lorraine Broughton đã được Cục Tình báo Anh Quốc MI6 cử đến Tây Đức để tìm kiếm một chiếc đồng hồ bị thất lạc. Đó không phải là một cổ vật tầm thường mà nó chứa đựng danh sách các mật vụ đang hoạt động tại Đông Đức và Liên Xô. Nhưng trên thực tế, MI6 không phải là tổ chức duy nhất tham gia cuộc tìm kiếm ấy.

Tham gia vào cuộc truy tìm này, Lorraine Broughton phải đối mặt với những mật vụ đến từ nhiều nước khác và bí ẩn hơn cả là lượng tai mắt đông đảo khắp mọi nơi của Cục An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB). Nhưng Lorraine Broughton không cô độc trong cuộc chiến này bởi David Percival (do James McAvoy đóng) - một cộng sự tại MI6, đồng thời là trạm trưởng của căn cứ Berlin luôn cùng cô sát cánh. 

Với sự trợ giúp này, tưởng chừng nhiệm vụ sẽ được hoàn thành nhanh chóng, nhưng tình hình ngày càng rối ren. Càng dấn sâu vào cuộc tìm kiếm, Lorraine Broughton lại càng phát hiện người bạn đồng hành David Percival và cấp trên của mình đều không đáng tin. Giờ đây, nữ điệp viên này phải tự mình tìm ra đáp án và thoát khỏi những nguy hiểm đang bủa vây.


Nam diễn viên James McAvoy (ngoài cùng, trái) đảm nhận vai David Percival, người luôn hỗ trợ cho nữ điệp viên Lorraine Broughton 

Con trai chắp bút kịch bản cho câu chuyện của bố 

Antony Johnston vốn là một tác giả luôn quan tâm đến những điệp viên trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Vì vậy, ông đã đặt bút viết lên bộ truyện tranh The coldest city (Thành phố băng giá). Khi bộ truyện này phát hành vào năm 2012, nó lập tức nhận được sự đón nhận của độc giả ở nhiều nơi. Hào hứng với câu chuyện này, các nhà sản xuất đã quyết định thực hiện bộ phim mang tên Điệp viên báo thù. Và đây cũng là điều mà tác giả không ngờ đến khi câu chuyện của mình lại được kể lại trên màn ảnh. 

Về phần kịch bản, người chắp bút cho câu chuyện này không ai khác chính là Kurt Johnstad - con trai của tác giả. “Trong suốt những năm 60 và những năm 80, bố tôi là một phi công và ông đã được cử tới công tác tại Tây Đức. Đây là khoảng thời gian tôi và gia đình đã sinh sống ở đó trước khi Bức tường Berlin sụp đổ. Đến bây giờ, gia đình chị gái tôi vẫn sống ở đó. Tôi cũng đã từng ghé thăm một số quốc gia Đông Âu để xem cuộc sống phía sau tấm rèm sắt sẽ như thế nào. Trong số họ, có rất nhiều người sẵn sàng mạo hiểm cả tính mạng để trốn qua phía bên kia bức tường. Thật sự, tôi luôn hy vọng có cơ hội được kể về họ. Vàkhông ngờ, tôi đã chờ được ngày ấy”, biên kịch Kurt Johnstad chia sẻ.

Tiếm kiếm nữ điệp viên tài ba

Đây là một nhiệm vụ không dễ vì vai diễn này có rất nhiều cảnh chiến đấu nên đòi hỏi diễn viên cần có sức lực dẻo dai và chịu được áp lực. May mắn thay, người đẹp Charlize Theron đã đồng ý tham gia dự án lần này. 


Các cảnh quay tham chiến của nữ điệp viên Lorraine Broughton đều do người đẹp Charlize Theron thực hiện

Khi bắt tay vào bấm máy, ê-kíp hoàn toàn kinh ngạc trước những gì mà “đóa hồng Nam Phi” này đã thể hiện. Mọi cảnh quay mà nữ điệp vụ Broughton tham chiến đều do người đẹp Theron tự mình thực hiện. Nhìn người đẹp đánh đấm trên phim, nhiều người sẽ lầm tưởng cô là người giỏi võ thuật. Bởi mọi hoạt động của Theron rất linh hoạt, chính xác trong từng động tác và biết làm thế nào giúp cảnh quay đạt được chất lượng tốt nhất.

Thật ra, ngôi sao điện ảnh này đã phải luyện tập 5 tiếng đồng hồ mỗi ngày trong vòng 3 tháng để có thể đáp ứng được yêu cầu thể lực mà vai diễn đặt ra. Chưa bao giờ khán giả được chứng kiến một Charlize Theron mạnh mẽ và dữ dội như vậy trên màn ảnh như trong Điệp viên báo thù. 

Tái hiện Bức tường Berlin

Kể từ năm 1989 đến nay, Berlin đã thay đổi chóng mặt với nhiều sự cải tạo cũng như sự xuất hiện của những công trình hiện đại. Tuy vậy, mọi thứ ở đây lại hoàn toàn phù hợp để thực hiện những cảnh quay diễn ra tại cả Đông và Tây Đức. Những tòa nhà cổ bị bỏ trống đã trở thành một bối cảnh hoàn hảo cho bộ phim này. 

Công việc phục dựng lại Bức tường Berlin không hề đơn giản, nhóm thiết kế sản xuất đã dùng gỗ để dựng lên một công trình với chiều dài 76m và cao 36m. Sau đó, các họa sĩ đã vẽ lên bề mặt của bức tường theo đúng như cách thức mà người dân và du khách từng thực hiện cách đây nhiều thập kỷ trên Bức tường Berlin. 


Đạo diễn David Leitch là người vô cùng tỉ mỉ trong công đoạn 

Để ghi hình cho các phân cảnh diễn ra tại London và Paris thời điểm trước khi Bức tường Berlin sụp đổ, nhóm thực hiện cũng đã tận dụng quang cảnh tấp nập và những con đường đông đúc tại thủ đô Hungary. Ngoài ra, văn phòng làm việc của Cục Tình báo quân đội Anh MI6 trong phim được quay tại một tòa nhà trên đại lộ Andrassy nổi tiếng của Budapest. 

Ngay từ ban đầu, đạo diễn David Leitch đã xác định sắc thái tổng thể cho Điệp viên báo thù. Trong đó các cảnh quay ở London chủ yếu sẽ mang tông màu xám và các màu trầm (pha trộn màu xám với các tông màu thấp), còn ở Berlin mọi thứ sẽ tươi sáng và nhiều màu sắc hơn. Vì vậy, để phản ánh được sức sống mới ở Tây Đức, ê-kíp quyết định sử dụng những chiếc đèn neon có màu xanh da trời và hồng. 

Chuẩn bị trang phục cho “Điệp viên báo thù”

Điệp viên báo thù là một câu chuyện chứa đựng rất nhiều yếu tố liên quan tới văn hóa và lịch sử. Thực tế cho thấy, người dân ở Tây Đức ăn mặc có phần phong cách hơn, bóng bẩy hơn trong khi ngược lại, ở Đông Đức, mọi thứ lại có phần cũ kỹ và lạc hậu. Vì vậy, nhiệm vụ của bộ phận thiết kế là phải phản ánh được những đặc trưng này thông qua trang phục của các nhân vật trong phim. 


Trang phục của các điệp viên trong phim được nhóm thiết kế nghiên cứu rất kỹ trước khi bắt tay vào thực hiện

Trước khi bắt tay vào thực hiện, nhóm của nhà thiết kế Evans đã phải nghiên cứu rất nhiều tư liệu từ Angels Custumes tại London - đây là công ty thời trang được sáng lập vào năm 1940 và là nhà cung cấp phục trang lâu đời nhất trên thế giới. Đồng thời,  Evans cũng đã tham khảo từ bộ sưu tập vô cùng ấn tượng về những mẫu quân trang, quân phục của lực lượng binh lính Đông Đức của hãng phim Studio Babelsberg. 

Ngoài ra, Evans và nhóm của mình cũng đã mua sắm rất nhiều món đồ ở Budapest, đặc biệt là ở một cửa hàng secondhand, nơi mà mọi người đã chọn ra được hàng trăm món phụ kiện cần thiết để tiến hành may các bộ trang phục cho các nhân vật trong phim.

Với sự chuẩn bị chu đáo của ê-kíp “Điệp viên báo thù”, bạn còn chần chừ gì mà không đồng hành cùng nữ điệp viên xinh đẹp Lorraine Brough vào lúc 18g05 ngày 31/5 trên kênh Fox Movies thuộc hệ thống Truyền hình Cáp HTVC.

Châu Nguyễn