Đạo diễn Phượng Khấu: Nghệ thuật, điện ảnh muôn đời là cuộc chơi của nhà giàu

"Bí mật hạnh phúc" tập 4 đã giúp cho khán giả biết thêm về nghề sản xuất phim, thông qua một vị cố vấn rất quen thuộc với khán giả gần đây, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh của webdrama cung đấu "Phượng Khấu".

Giải Mã - phiên bản Bí mật hạnh phúc là talkshow dành cho cộng đồng LGBT chia sẻ về câu chuyện lập nghiệp với sự dẫn dắt của MC Bi Đá Bào (Trương Tại Tiến)

Trong mọi lĩnh vực nghề nghiệp, không ít người thuộc cộng đồng LGBT đã gặt hái được thành công và luôn nỗ lực để truyền cảm hứng; song cũng nhiều bạn trẻ còn đang lạc lối, hoặc cảm thấy tự ti về bản thân.

Mỗi số phát sóng của Bí mật hạnh phúc sẽ có các khách mời - là những người đã thành công, hoặc có nhiều kinh nghiệm và vị trí trong ngành mình công tác, trong vai trò tư vấn cho những bạn trẻ còn đang loay hoay với công việc yêu thích, hoặc đam mê của mình.

Tập 4 Bí mật hạnh phúc nói về những kinh nghiệm, khó khăn và cơ hội của các bạn trẻ với nghề sản xuất phim. Chương trình có sự tham gia của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh trong vai trò cố vấn cho bạn trẻ Ngô Quang Khánh. 

Đạo diễn - NSX Huỳnh Tuấn Anh (bìa trái) - MC Bi Đá Bào và bạn trẻ Ngô Quang Khánh (bìa phải)

Nghề đạo diễn - sản xuất phim ở Việt Nam khá mới mẻ với giới trẻ. Cơ duyên đưa Ngô Quang Khánh đi theo con đường này là do ban đầu, bạn có đam mê với diễn xuất và muốn tạo ra cho mình một tác phẩm nghệ thuật. 

Là một người lâu năm trong nghề, anh Tuấn Anh có thể khái quát một chút về công việc của mình không?

Thực ra thì ở Việt Nam không có ngành đào tạo về sản xuất phim. Nền điện ảnh của chúng ta là do các chú, các bác thế hệ trước sau chiến tranh đã đi học làm đạo diễn ở Liên Xô. Và ở đấy thì nó hình thành một nền điện ảnh Cách mạng, sau đó là nền điện ảnh thị trường thì gần như chúng ta không có chuyên ngành đào tạo chuyên sâu. 

 Huỳnh Tuấn Anh là đạo diễn - biên kịch của nhiều tác phẩm để lại dấu ấn trong lòng khán giả

Trong khi các nước tiên tiến trên thế giới thì ngành này là một trong những ngành học mắc tiền nhất, như là ở Mỹ và được đào tạo rất bài bản. Nó chính là một trong những cơ sở hạ tầng rất quan trọng để phát triển một ngành điện ảnh "khỏe mạnh".

Người ta quan niệm "phim" phải là một sản phẩm, mà đã là sản phẩm thì cần phải có sự sản xuất chuyên nghiệp. Bản thân tôi không dám nói mình là một người có quá nhiều kinh nghiệm sản xuất hay một người sản xuất giỏi. Tại vì nói đến phim sản xuất ở Việt Nam thì chúng ta có rất nhiều thế hệ tiên phong như: chị Bích Ngọc của An Nam Phim bây giờ, chị Ngô Thanh Vân, anh Victor Vũ, anh Charlie Nguyễn... Tuy họ không được đào tạo bài bản nhưng đã tạo ra những dấu ấn rất lớn. Dấu ấn đó không phải là dấu ấn của một đạo diễn mà là dấu ấn của một nhà sản xuất.

Bạn trẻ Ngô Quang Khánh với ước mơ thành nhà sản xuất phim

Như những gì anh chia sẻ thì đạo diễn và nhà sản xuất có khác nhau nhiều không?

Đơn giản và dễ hiểu nhất thì đạo diễn là người tạo ra bộ phim, chỉ đạo diễn xuất. Đạo diễn là người nghiên cứu kịch bản, casting vai rồi đi đến việc thực hiện chủ trì thu hình, dựng phim. Còn nhà sản xuất là "ông chủ" đi thuê đạo diễn, đi thuê các bộ phận. Tóm lại, nhà sản xuất là người tạo ra sản phẩm; đạo diễn là thành phần tạo ra sản phẩm. 

"Nhắc đến Disney là người ta nghĩ đến phim hoạt hình, nhắc đến Marvel người ta nghĩ đến Vũ trụ siêu anh hùng. Như vậy, một nhà sản xuất đỉnh cao thì phải tạo ra một sản phẩm dẫn đầu xu hướng và người ta phải mua vé đi coi. Cho nên việc tạo ra một bộ phim chỉ là mức độ thấp nhất của nhà sản xuất. Tôi cũng chỉ dám nhận mình đã từng làm và ngồi ở đây chia sẻ về điều đó thôi", anh nói thêm.

Đạo diễn Tuấn Anh từng chỉ có 1.700.000 đồng để bắt đầu cho "Phượng Khấu"

Anh có thể chia sẻ thêm về kỷ niệm vui hay buồn ở các tác phẩm của mình?

Tôi từng có trong túi chỉ 1.700.000 thôi, Phượng Khấu là một ví dụ. Tôi cầm số tiền đó rủ ê-kíp đi chụp hình, tạo nội dung... Cái khoảnh khắc giống như mình "đẻ" đứa con đầu lòng thì nó rất hạnh phúc. Tôi cảm thấy việc mình theo đuổi có kết quả. Tôi khẳng định được với mọi người, với chính bản thân rằng tôi làm được việc đó. Và con đường mình đang theo đuổi khá là "chọn" mình.

Nhưng thường thì đạo diễn chỉ có thể làm nghề được sau tác phẩm thứ ba thôi. Những bạn ngồi chờ người ta thuê mình làm đạo diễn rất lâu. Có hai cách để làm công việc này. Một là tự về bán nhà, bán xe, xin tiền cha mẹ để làm sản phẩm. Nhưng đầu tư vào nghệ thuật đối với truyền thống gia đình cho rằng chúng ta không ai lời cả. Vậy nên cuộc chơi nghệ thuật, điện ảnh muôn đời vẫn là cuộc chơi của nhà giàu. 

 Theo anh, nghệ thuật là cuộc chơi của nhà giàu

Sau khi ra sản phẩm đầu tiên, bạn trẻ Quang Khánh nhận được nhiều ý kiến chê bai. Lúc đầu bạn cũng buồn, nhưng dần thì đã tiếp thu để làm tốt hơn ở sản phẩm tiếp theo.

Anh có thể chia sẻ một chút kinh nghiệm cho Khánh về vấn đề này không?

Chuyện này không của riêng anh em mình. Ngành giải trí của toàn nhân loại này luôn luôn bị ném đá. Việc đầu tiên mà em tham gia làm phim, làm sản xuất, mọi thứ về giải trí thì như "làm dâu trăm họ". Em phải chuẩn bị tinh thần đối diện với các "bà mẹ chồng". Em không bao giờ vừa lòng bất cứ điều gì thì khán giả cũng sẽ không vừa lòng với tất cả những gì mình làm. 

Lúc nào em cũng phải nhớ một câu thần chú, nhìn nó để làm động lực đi tới. Có những lúc em nên lơ mạng xã hội, Internet đi, em đọc là em sẽ... đột quỵ. Khi làm bất cứ điều gì em nên tự hỏi mình ba điều: tại sao mình phải làm việc đó, mình đã làm việc đó hết sức chưa, có đúng hay không. Nếu chúng ta không làm bậy thì cứ bình tĩnh mà đi - đường dài mới biết ngựa hay.

Ngày xưa, tôi không nghĩ mình sẽ có ngày làm sản xuất phim, mà chỉ nghĩ mình thích làm đạo diễn thôi. Và tôi bắt đầu từ công việc biên kịch. Từ từ sang đạo diễn thì nhu cầu cũng như đích đến sẽ thay đổi theo thời gian. Có một lúc nào đó em sẽ cảm thấy mình không thích sản xuất nữa, mà quay về làm diễn viên.

Anh khuyên Quang Khánh tập làm lơ mạng xã hội và đặt thử tình huống để bạn giải quyết

Nếu được tư vấn cho em thì anh khuyên em nên có thời gian dừng lại để suy nghĩ rằng: việc em muốn nhất là tạo ra sản phẩm, hay vì không ai đưa tiền cho em làm, hay em tự bỏ tiền ra làm phim rồi tự nhận mình là nhà sản xuất. Em phải rõ cái đó vì nếu em không xác định rõ thì rất tai hại. 

Anh là một đạo diễn không quá "hot" nên con đường làm phim tốt nhất là dùng rất nhiều cách, nhiều phương tiện để vận động vốn, để làm bộ phim mà chúng ta rất yêu nó. Và anh đã áp dụng cách này với Phượng Khấu

Cám ơn những chia sẻ hữu ích của anh Tuấn Anh dành cho những bạn trẻ muốn theo nghề sản xuất phim.

Đón xem chương trình "Giải Mã - phiên bản Bí mật hạnh phúc" phát sóng lúc 22g30 Chủ Nhật hàng tuần trên kênh HTV7.

Gia Huy