Đạo Diễn – NSƯT Chu Hồng Hà: HTV đã cho tôi cơ hội trưởng thành và đứng vững với nghề (Phần 2)

Trong nhiều năm qua, HTV gặt hái được nhiều “thành quả Vàng” trong các kỳ “Liên hoan Truyền hình Toàn quốc”, trong đó có nhiều tác phẩm mang tên Chu Hồng Hà.

Với Đạo diễn – NSƯT Chu Hồng Hà, tất cả là đam mê

Xin đạo diễn cho biết, bí quyết giúp anh góp phần làm nên những “thành quả Vàng” ấy?

Tôi không có bí quyết gì đâu, tất cả đều là niềm đam mê. Làm nghệ thuật mà không có niềm đam mê giống như chiếc đèn hết dầu thì không thể thắp lửa được. Một trong những điều mà tôi tâm đắc nhất trong quãng đời làm nghề của mình là đã góp một phần nhỏ công sức của mình trong việc giới thiệu và tôn vinh nét đẹp nghệ thuật dân gian, dân tộc Việt Nam thông qua các tác phẩm, đặc biệt là phải truyền tải bằng ngôn ngữ hình ảnh sao cho các bạn trẻ hiện nay có thể cảm thụ, yêu mến và tự hào về văn hóa nghệ thuật của dân tộc. 

Vậy nên để giới trẻ yêu thích và biết đến nhiều hơn với nghệ thuật dân tộc thì người làm truyền hình cần phải có cách thể hiện mới, truyền tải mới những tác phẩm nghệ thuật dân tộc như: nghệ thuật múa, nghệ thuật hội họa, ca múa nhạc dân tộc, cũng như các loại hình văn hóa dân gian mang tính vùng miền như: hát chèo, hát xẩm…

Từ suy nghĩ đó, tôi đã gắn kết chặt chẽ với biên tập viên ngay từ giai đoạn hình thành ý tưởng, kết nối mạch ý tưởng để xây dựng mỗi tác phẩm truyền hình làm về một loại hình ca múa nhạc dân tộc là một câu chuyện, được thể hiện dưới nhiều thủ pháp nghệ thuật về hình ảnh, như một tác phẩm phim ca nhạc nghệ thuật bằng hình ảnh nhằm truyền tải cho người xem giá trị cốt lõi và tinh túy nhất của mỗi loại hình nghệ thuật dân tộc, giúp người xem bị cuốn hút vào mạch câu chuyện từ đầu đến cuối mỗi tác phẩm. 

Ngoài ra, công tác thu hình chương trình cũng phải thực hiện một cách khoa học, phân cảnh một cách cụ thể đến từng câu, từng nốt nhạc, mỗi động tác của diễn viên, ca sĩ đều được chọn hình một cách tỉ mỉ thông qua nhiều phương tiện thiết bị truyền hình mà Đài đang có. 

Điều này cho thấy, để có một tác phẩm thành công thì đòi hỏi công tác thực hiện phải chuyên nghiệp từ giai đoạn hình thành ý tưởng đến khâu chuẩn bị - tiền kỳ và hậu kỳ. Tất cả những điều đó đã góp phần làm nên thành công cho các tác phẩm nghệ thuật dân gian đạt Huy chương Vàng tại các kỳ Liên hoan Truyền hình Toàn quốc như: Hồn Việt (năm 2014) - tôn vinh nghệ thuật hội họa, Rừng cười (năm 2014) - tôn vinh nghệ thuật múa Việt Nam, Đời Xẩm (năm 2016) - tôn vinh loại hình hát xẩm Bắc bộ, hay tác phẩm Hồn Tre (năm 2015) đoạt giải Bạc - tôn vinh ca múa nhạc dân tộc sử dụng các nhạc cụ bằng tre của Việt Nam...

Đạo diễn – NSƯT Chu Hồng Hà chau chuốt, tỉ mỉ cho từng khung hình

Trong quá trình làm việc, đã bao giờ anh nuối tiếc về một điều gì đó không thưa anh?

Những người làm truyền hình chúng tôi kỷ niệm làm nghề nhiều lắm, vui có, buồn có và cả những nuối tiếc. Đến nay, tôi vẫn còn nuối tiếc về 2 chương trình mình đã thực hiện. Người ta nói, làm truyền hình như làm dâu trăm họ, chỉ cần mỗi tác phẩm của mình chiếu lên mà không ai chê trách gì đã là một thành công cho ê-kíp nói chung và người đạo diễn. 

Thế nhưng có những sự việc phía sau hậu trường, đôi khi luôn để lại cho người đạo diễn nỗi dằn vặt, nuối tiếc “giá như”… “giá như mình có thể làm cái này thay vì cái kia”, “giá như thêm chút hình ảnh này”, “giá như bấm kịp khoảng khắc đó không để trôi mất”… 

Tôi vẫn nhớ hình ảnh một người sĩ quan cấp tướng nhỏ lệ khi nghe câu chuyện về tình quân dân trong Cầu truyền hình Hát về Trường Sa - Song Tử Tây thân yêu, trong tích tắc người quay phim đã quay được hình ảnh này, nhưng tôi đã không chọn camera đó mà chọn những hình ảnh của người dân đang xúc động trong hội trường, một phần vì ông đã xuất hiện nhiều trước đó, một phần vì tôi băn khoăn “nên hay không nên cho hình ảnh một vị tướng khóc trên màn ảnh truyền hình? Nó có thể làm giảm tinh thần sắt đá của người lính?”… và rồi ánh mắt ấy, giọt nước mắt ấy cứ đeo đuổi tôi như một kỷ niệm mà giá như tôi có thể làm lại tôi rất muốn đưa hình ảnh “rất người, rất đời” của ông lên sóng truyền hình. 

Hình ảnh trong cầu truyền hình “Hát về Trường Sa - Song Tử Tây thân yêu”

Hiện nay, công nghệ thông tin bùng nổ, cùng với đó là sự ra đời của một lớp đông đạo diễn trẻ với những sáng tạo mới. Để bắt kịp xu thế, anh đang có những thay đổi như thế nào?

Xu hướng truyền thông đa phương tiện thời công nghệ 4.0 này tạo ra cơ hội cho rất nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành báo chí – truyền thông – truyền hình, mà tất nhiên những người trẻ, đạo diễn trẻ là những người tiếp cận nhanh, nhạy và thường xuyên hơn tôi, cũng như anh em đạo diễn lớn tuổi khác. 

Điển hình nhất là đội ngũ đạo diễn trẻ hiện nay họ đang tạo một làn gió mới cho thị trường âm nhạc Việt Nam. Khán giả trẻ hiện nay rất yêu thích các MV do các đạo diễn trẻ thực hiện vô cùng chỉn chu, chuyên nghiệp, đẹp về hình ảnh và đầu tư cả về nội dung, cốt truyện.

Điều đó cho thấy là, bản thân mỗi đạo diễn luôn phải tự học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, để tiếp cận được nhu cầu của khán giả, phải luôn đổi mới tư duy và cách suy nghĩ, sáng tạo để tránh lạc hậu, tránh đi vào lối mòn.

Đạo diễn – NSƯT Chu Hồng Hà cho rằng, may mắn của anh là được tham gia nhiều chương trình đồng nghĩa với việc đi nhiều nơi để trải nghiệm

Thưa anh, 2020 là năm ghi dấu nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và thành phố, gần nhất là kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng Miền Nam - Thống nhất đất nước. Có lẽ đây sẽ là dịp để cho những “nghệ sĩ làm truyền hình” các anh thỏa sức sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật?

Đáng lẽ ra, đây đúng là dịp đặc biệt để cho những người làm truyền hình chúng tôi thỏa sức sáng tạo, nhưng như bạn thấy đấy, hiện nay diễn biến dịch bệnh Covid-19 vô cùng phức tạp, nó đã trở thành một đại dịch gây ảnh hưởng vô cùng lớn đến cuộc sống của người dân ở nhiều nước trên thế giới, thiệt hại không chỉ về kinh tế mà còn cả về sự mất mát nhân mạng không gì có thể bù đắp được. 

Trong bối cảnh đó, ngành dịch vụ nhất là du lịch, văn hóa văn nghệ ở nước ta cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhiều chương trình văn hóa văn nghệ lớn bị hủy hoặc dời ngày tổ chức, điều này cũng đã ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch sản xuất các chương trình nghệ thuật phát sóng trên làn sóng của Đài. Tuy nhiên mỗi cán bộ, viên chức và người lao động của Đài đều rất đồng lòng trong nỗ lực “chống dịch như chống giặc” và tuân thủ nghiêm túc những giải pháp phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ, Thành phố và của cơ quan, đơn vị.

Bản thân tôi và nhiều đồng nghiệp mảng ca múa nhạc, văn nghệ trong Đài phải điều chỉnh liên tục thời gian sản xuất, thay đổi quy mô chương trình, lựa chọn hình thức thể hiện để phù hợp với bối cảnh thu hình không có khản giả, vừa thực hiện đúng yêu cầu tránh tập trung đông người, vừa đảm bảo an toàn cho đội ngũ sản xuất, đồng thời luôn ý thức tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tại chỗ. Điều đáng trân quý lúc này là nhiều văn nghệ sĩ vẫn tâm huyết cùng đồng hành với chúng tôi để cho ra đời những chương trình, những tác phẩm nghệ thuật gửi đến công chúng, bởi tất cả ê-kíp cùng tâm niệm rằng nhiệm vụ của người làm nghệ thuật trong lúc này càng không thể hoang mang, càng phải cố gắng thực hiện những sản phẩm nghệ thuật để phục vụ cộng đồng, như một món ăn tinh thần giúp mọi người vững tâm cùng nhau đoàn kết đẩy lùi dịch bệnh.

Trong lúc này, hơn bao giờ hết, Đạo diễn – NSƯT Chu Hồng Hà cũng như nhiều đồng nghiệp mong mỏi sớm được trở lại công việc như những ngày trước đây

Anh có thể bật mí, trong năm 2020 này khán giả sẽ được đón xem những chương trình đặc biệt nào do anh đạo diễn?

Hiện tôi đang tham gia thực hiện nhiều chương trình như: loạt chương trình Miền Ký ức, Dấu ấn thời gian, Hộp quà xinh và đang nhóm lửa cho một kịch bản dự thi cuối năm… với việc đầu tư chăm chút hơn về cả nội dung và hình thức thể hiện. Tôi hy vọng khán giả sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị khi đón xem.

Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này. Xin chúc anh luôn dồi dào năng lượng để luôn mang đến cho đời những “công trình” nghệ thuật đặc sắc!

Hoàng Quyên