Đạo Diễn – NSƯT Chu Hồng Hà: HTV đã cho tôi cơ hội trưởng thành và đứng vững với nghề (Phần 1)

Bất kể thế nào thì những năm tháng gắn mình với sự nghiệp của Đài cũng đều là những đoạn đời thật đáng sống, bởi đó là cơ hội quý giá để thử sức, thử tài và thử cả tấm lòng mình.

Đạo diễn – NSƯT Chu Hồng Hà

Đó là chia sẻ nhiều cảm xúc của Đạo diễn – NSƯT Chu Hồng Hà – người đã có 38 năm gắn bó với ngôi nhà thân yêu HTV.

Trong suốt 38 năm qua, Đạo diễn – NSƯT Chu Hồng Hà đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp phát triển của Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh. Anh tham gia nhiều chương trình, đi nhiều nơi, hầu như tất cả các tỉnh, thành trên cả nước anh đều đã đặt chân đến. Cùng với lửa đam mê, khao khát làm nghề và được “Tổ nghiệp” ưu đãi nên anh thường nhận được nhiều lời mời cộng tác và được đồng nghiệp xem là một trong những đạo diễn “mát tay”. 

Đến nay, anh đã tham gia thực hiện nhiều tác phẩm đạt giải cao trong những kỳ Liên hoan Truyền hình Toàn quốc, trong đó có 12 Huy chương vàng với các tác phẩm: Sài Gòn trong mắt em; Đất Mẹ, Truyền thuyết tình yêu; Cuộc chia ly màu đỏ; Rừng cười; Hồn Việt; Đời Xẩm; Thành phố Hồ Chí Minh – Rực rỡ tên vàng; 50 năm Học sinh miền Nam tập kết; Cầu truyền hình Trường Sa – Song Tử Tây; Cầu truyền hình Hát cùng DK1 thân yêu; Cầu truyền hình kỷ niệm 85 năm thành lập Công đoàn Việt Nam và nhiều Huy chương Bạc, bằng khen, trong đó có các tác phẩm: Hồn tre; Cầu truyền hình Chiến sĩ quân y giữa trùng khơi, Lá thư từ lòng đất, Hà nội – 12 ngày đêm... 

Thưa anh, ai khởi nghiệp cũng bắt đầu bằng một câu chuyện đầy thú vị. Vậy câu chuyện của một đạo diễn như anh trong thời gian đầu đến với nghề như thế nào?

Ngày 1/5/2020 này, đánh dấu 45 năm ngày phát sóng đầu tiên của Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh, cũng là thời điểm ghi dấu 38 năm tôi gắn bó với Đài. 

Trong công việc chuyên môn, có người chọn nghề nhưng cũng có khi nghề lại chọn người, và tôi rơi vào trường hợp “nghề chọn người”. 

Sau khi tốt nghiệp lớp quay phim trường Kỹ thuật Phát thanh Truyền hình thuộc Ủy ban Phát thanh Truyền hình, tôi về công tác tại Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh. Được một năm thì tôi đi nghĩa vụ tại Bộ tư lệnh Thông tin Liên lạc. Sau thời gian hoàn thành nghĩa vụ, tôi về lại Đài tiếp tục sự nghiệp. 

Xuất phát từ một người quay phim, sau này được Đài cho đi đào tạo trở thành đạo diễn truyền hình, bản thân tôi đã tham gia thực hiện nhiều chương trình của Đài từ những năm đầu thập niên 80, khi mà điều kiện về trang thiết bị kỹ thuật còn nhiều thiếu thốn nhưng tinh thần làm việc, sáng tạo của anh em lúc bấy giờ có thể nói rất đáng nể, đáng khâm phục. 

Tôi may mắn được rất nhiều các thế hệ đàn anh hỗ trợ, chỉ dạy tận tình và cùng nhau tạo ra những chương trình được nhiều khán giả rất yêu thích lúc đó, như: Trong nhà ngoài phố, Những bông hoa nhỏ, Tiếng hát Truyền hình… Rất nhiều những kỷ niệm từ thời điểm đó về nghề nghiệp, cuộc sống, đồng nghiệp...  gắn liền với tôi cho đến ngày hôm nay, có thể nói chính HTV là một mái nhà vô cùng thân thương, đã cho tôi cơ hội trưởng thành, thỏa chí đam mê, vượt qua những khó khăn, vất vả để đứng vững với nghề. Và cũng có lẽ, với một người luôn yêu thích cái đẹp, muốn giới thiệu cái đẹp lan tỏa đến nhiều người nên cái nghiệp cứ đeo tôi suốt mấy mươi năm qua (cười).


Các tác phẩm của anh luôn hấp dẫn người xem bởi mang tính sáng tạo độc đáo

Quan điểm của anh trong phong cách làm việc, thưa anh?

Tôi không may mắn khi sống thiếu tình cảm của cha từ nhỏ, nhà lại đông anh em nên cũng phải bươn chải, có lẽ vì vậy mà hồi trẻ tôi cá tính lắm, rất ngang tàng, bất chấp, cũng may mắn nhờ một thời gian trong quân ngũ nên tính khí cũng đã được rèn giũa, kỷ luật hơn, và cũng nhờ gắn bó với chiếc máy quay đã giúp tôi tìm được nơi để gửi gắm “cái tôi” ương ngạnh của mình. 

Tôi nhớ, có lần làm chương trình ca nhạc Cuộc chia ly màu đỏ với Biên tập viên - Nhạc sĩ Trần Hữu Bích, tôi muốn có được những hình ảnh tái hiện cho một bối cảnh theo kịch bản, tôi đã yêu cầu đoàn phim đốt cả một triền đồi rất lớn để quay cho được cảnh mở màn bài Cô gái mở đường, trên nền khung cảnh ác liệt của đợt oanh tạc của B52 vừa mới diễn ra, nhằm khắc họa hình ảnh quả cảm của những cô gái thanh niên xung phong thời bấy giờ. 

Hay như lần tái hiện lại trận đánh ngoài bìa rừng để làm phim kỷ niệm Ngày giải phóng tỉnh Tây Ninh, tôi yêu cầu Ban tổ chức tạo mọi điều kiện để tôi dàn dựng tái hiện lại trận đánh như thật bằng các thiết bị, công cụ tạo hiệu ứng khói lửa, bom đạn… Nói như vậy để thấy, nghề đạo diễn đòi hỏi rất nhiều yếu tố để cấu thành nên “phong cách” một đạo diễn. Theo suy nghĩ của tôi, để làm một đạo diễn giỏi thì đầu tiên phải có niềm đam mê, say với nghề, dám dấn thân và chấp nhận rủi ro để tạo ra những tác phẩm chuyển tải một cách chân thực nhất kịch bản nội dung thông qua ngôn ngữ hình ảnh.

Theo Đạo diễn – NSƯT Chu Hồng Hà, để có những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, cần phải đam mê, say nghề, dám dấn thân và chấp nhận rủi ro

Xin anh cho biết, những dạng chương trình nào mang lại cho anh nhiều cảm xúc nhất? 

May mắn cho tôi là trong suốt thời gian từ ngày vào Đài đến nay được tham gia thực hiện rất nhiều chương trình, từ các chương trình trực tiếp sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của thành phố, đến các chương trình văn hóa nghệ thuật, truyền hình thực tế, gameshow, chuyên đề, tọa đàm… Mỗi dạng chương trình đều có những đòi hỏi riêng, nên đạo diễn phải tự học hỏi và trau dồi kinh nghiệm, nhất là bản lĩnh nghề nghiệp để thích ứng và hoàn thành tốt công việc của mình. 

Đơn cử như vai trò tổng đạo diễn mà tôi từng đảm nhận trong 2 cầu truyền hình trọng điểm về biển đảo quê hương như Hát về Trường Sa - Song Tử Tây thân yêu và Hát cùng DK1 thân yêu, thực sự là một trách nhiệm rất nặng nề vì phải đảm bảo về tính chính trị lẫn hiệu quả nghệ thuật. Đặc biệt, đối với những chương trình được truyền hình trực tiếp từ những nơi đặc biệt như giàn DK1 ngoài khơi đảo Trường Sa, điều kiện địa lý xa xôi hiểm trở, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, phương tiện kỹ thuật thiếu thốn, hạn chế đã khiến công việc của anh em đạo diễn càng vất vả gấp bội. 

Có lẽ với tôi, việc trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh biên giới Tây Nam, đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc mỗi khi làm chương trình về người lính, bởi tâm hồn luôn đồng cảm với những hy sinh, gian khổ, những câu chuyện, hình ảnh lay động lòng người của bao người lính kiên trung, của những người mẹ Việt Nam anh hùng, bất khuất và của người vợ tảo tần mưa nắng, sắt son một lòng chung thủy. 

Trong suốt 38 năm công tác tại HTV, đâu được xem là “thời kỳ vàng” cho anh thỏa sức sáng tạo? 

38 năm gắn bó với nghề, tôi tâm niệm mình vẫn còn thiếu nhiều, nuối tiếc nhiều, từ đó đòi hỏi bản thân phải luôn nỗ lực, sáng tạo. Nghề này ai tự bằng lòng với mình chính là tự đánh mất sự sáng tạo, làm công tác đạo diễn thiếu sự sáng tạo thì không thể tạo ra được một tác phẩm hấp dẫn người xem, nhất là hiện nay nhu cầu khán giả đòi hỏi cao hơn nhiều so với trước kia, bởi khán giả có rất nhiều phương tiện thiết bị nghe nhìn thời công nghệ 4.0 để thỏa mãn nhu cầu giải trí và nắm bắt thông tin. 

Nói như vậy để cho thấy, theo quan điểm của tôi “thời kỳ vàng” chính là thời kỳ truyền hình là phương tiện tiếp cận được nhiều khán giả nhất, lúc đó các chương trình giải trí, ca múa nhạc nghệ thuật là món ăn không thể thiếu trong mọi gia đình, công tác đạo diễn truyền hình tạo ra tác phẩm dễ được đón nhận hơn. Hiện nay thì khác, mỗi tác phẩm truyền hình nếu không mang tính mới, tính sáng tạo, độc đáo và nhất là tính đồng cảm (hay nhiều người thường hay nói là tương tác với khán giả) sẽ không thể kích thích được khán giả ngồi trước màn hình tivi nữa.

Đạo diễn – NSƯT Chu Hồng Hà cùng ê-kíp thực hiện chương trình “Thời Thanh niên sôi nổi” tại đất nước Nga xinh đẹp

(Còn tiếp)
Hoàng Quyên