Ký sự biển đảo quê hương (vùng 1, phần 2)

Đảo Cát Hải

Huyện Cát Hải được thành lập năm 1977 nhưng là đơn vị hành chính được thành lập vào loại xưa nhất của thành phố Hải Phòng. Để tới được đây, Đoàn làm phim TFS phải qua hai phà là Đình Vũ và phà Gót.

Huyện đảo Cát Hải có đường dẫn từ đất liền vào qua một cây cầu dài hơn 5km

Nhiều thông tin thú vị về vùng đảo Cát Hải vừa được chuyển tải trong tập phim cùng tên của loạt "Ký sự biển đảo quê hương". 

Vùng đất mà đoàn làm phim đặt chân đến trước tiên, là cảng Đình Vũ. Con đường và hệ thống kho bãi cảng Đình Vũ là một công trình lấn biển. Để có Hải Phòng rộng lớn như hôm nay là cả một câu chuyện dài, đánh dấu sự nghiệp quai đê lấn biển của ông cha ngàn đời đang được lớp cháu con tiếp nối. Những năm 80 của thế kỷ trước, máy móc chưa có nên công trình lấn biển chỉ dựa vào sức người nhưng Hải Phòng đã tiến hành những dự án khai hoang lấn biển quy mô lớn. Chỉ trong 4 năm, Hải Phòng lấn ra biển gần 1.000ha, mở rộng diện tích canh tác; lập nhiều khu dân cư, khu công nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao. Được biết, chuyến phà Đình Vũ một thời là con đường độc đạo nối Hải Phòng với Cát Hải. 


Vạn Vân là thương hiệu nước mắm lâu đời tại Việt Nam

Cát Hải là một đảo cát có diện tích gần 30km² nằm giữa hai cửa sông - là điểm đến đầu tiên của các con tàu hàng hải lớn nhỏ ra vào cảng Hải Phòng. Trước đây, bên kia một thành phố cảng sầm uất là làng chài - nơi nghèo nhất của Hải Phòng. Trước những năm 2000, từ Cát Hải nhìn sang Hải Phòng thấy xa vời vợi. Mãi năm 2002, nhà nước mở bến phà Đình Vũ, bà con mới có cơ hội thuận tiện để sang thành phố học hành, làm ăn. Bộ phim "Đảo Cát Hải" cũng ghé đến Dự án cầu vượt biển Tân Vũ – Lạch Huyện. Với dự án đường - cầu Tân Vũ - Lạch Huyện có quy mô 15,63km; cầu Tân Vũ - Lạch Huyện dài 5,44km, đây được xem là chiếc cầu vượt biển dài nhất Việt Nam. 

Đến Cát Hải nghe câu: "Dưa La, húng Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân" như một niềm tự hào của người dân Cát Hải. Nước mắm Vạn Vân xưa nức tiếng trong và ngoài nước. Theo tài liệu khảo cổ học, người Cát Hải biết làm nước mắm cách đây khoảng 5.000 năm. Đặc biệt, Đoàn Chuẩn - nhân vật tài hoa được mệnh danh là "nhạc sĩ mùa thu" - chính là con trai thứ hai của nhà tư sản Đoàn Đức Ban - chủ Hãng nước mắm Vạn Vân. Trong sáng tác của mình, Đoàn Chuẩn đều đưa quảng cáo nước mắm Vạn Vân như cách thể hiện trách nhiệm với truyền thống nhiều đời của dòng tộc. 

Xem lại một đoạn phim nhỏ trong "Ký sự biển đảo quê hương: Đảo Cát Hải". Đón xem tập tiếp theo của loạt ký sự này với chủ đề "Quần đảo Cát Bà" vào 15g chiều nay (27/3) trên kênh HTV9. 

Thiên Bình