Đảm bảo đón Tết an toàn, ưu tiên phòng, chống dịch bệnh

25/1/2024, 13:04

Tại "Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng chống dịch bệnh năm 2024" vào sáng 24/01, Bộ Y tế đánh giá tình hình dịch bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến khó lường, cần chủ động phòng, chống để đảm bảo đón Tết an toàn.

Trủ trì Hội nghị, TS. Hoàng Minh Đức, Phó cục trưởng phụ trách Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nhận xét tình hình dịch bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến khó lường, chưa ổn định, trong bối cảnh giao thương, du lịch tăng cao; gia tăng nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới, các bệnh nguy hiểm mới nổi. Các tác nhân gây bệnh, chủng vi rút cúm liên tục biến đổi, tiềm ẩn nguy cơ bùng dịch.

Thường xuyên, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn

Một trong những diễn biến dịch được đại diện Cục Y tế dự phòng lưu ý là các biến thể của SARS-CoV-2. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ năm 2023 đến nay, công tác giám sát ghi nhận các biến thể của vi-rút SARS-CoV-2, trong đó có những biến thể cần theo dõi như XBB.1.5, XBB.1.16, EG.5, BA.2.86. Theo thông tin từ cuộc họp gần đây nhất với các chuyên gia của WHO, hiện biến thể phụ Omicron JN.1, có khả năng "né tránh miễn dịch", được đánh giá là "biến thể cần theo dõi". WHO đã phân loại các biến thể của SARS-CoV-2 theo 4 nhóm: biến thể cần quan tâm, biến thể đáng lo ngại, biến thể được theo dõi, biến thể gây hậu quả nghiêm trọng.

"Cần quan tâm với biến thể JN.1 vừa ghi nhận tại TP.HCM. Đặc biệt, người thuộc nhóm nguy cơ cao như có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, không nên chủ quan với Covid-19", TS. Hoàng Minh Đức đặc biệt lưu ý.

Theo Cục Y tế dự phòng, từ khi ghi nhận ca đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam, đến hết năm 2023, cả nước ghi nhận 137 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ (có 2 ca ghi nhận trong năm 2022), 6 ca tử vong liên quan. Các trường hợp mắc và tử vong đều ghi nhận tại khu vực phía Nam, chủ yếu ở TP.HCM. Các ca mắc chủ yếu là nam (98,5%), tuổi trung bình 31; 70% ca mắc là tình dục đồng giới nam; 55% có bệnh nhiễm HIV.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) báo cáo, về phòng chống bệnh đậu mùa khỉ hiện có 54/114 (47,4%) bệnh nhân (BN) đậu mùa khỉ khai thác được hành vi nguy cơ. Tuy nhiên, hầu hết các bệnh nhân không cung cấp thông tin bạn tình.

Liên quan đến bệnh truyền nhiễm có vắc-xin, Bộ Y tế cũng cho biết một số bệnh ghi nhận tăng trong năm 2023. Trong đó, 401 ca bệnh sởi và phát ban do sởi (tăng 9,6% so với năm 2022). Với bệnh dại, năm qua, số ca tử vong tăng 12 trường hợp so với năm 2022 (82 trường hợp tử vong). Các địa phương ghi nhận số tử vong cao là: Gia Lai (14 ca), Nghệ An (7 ca), Bình Phước (7 ca), Điện Biên (6 ca) và Bến Tre (5 ca).

Ngoài ra, cả nước ghi nhận 57 ca mắc bệnh bạch hầu (trong đó 7 ca tử vong), tại một số địa phương miền núi phía Bắc như Hà Giang (49 ca), Điện Biên (6 ca) và Thái Nguyên (2 ca).

Nhận định "tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, là nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị y tế các địa phương phối hợp các ngành liên quan thường xuyên, liên tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, lưu ý theo dõi sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, trường hợp viêm phổi nặng do vi-rút. Đồng thời khẩn trương, triển khai tiêm chủng cho các trẻ trong chương trình tiêm chủng mở rộng

Cũng tại Hội nghị, ông Hoàng Minh Đức đặc biệt lưu ý sau cuộc họp với WHO hôm 22/01 và qua trao đổi với Hội đồng tư vấn về vắc-xin và tiêm chủng (Bộ Y tế), có 2 nhóm cần tiêm nhắc lại vắc-xin ngừa Covid-19 là người từ 50 tuổi trở lên và có bệnh nền; phụ nữ mang thai. Thời gian tiêm nhắc lại khuyến cáo là từ 09 - 12 tháng sau mũi tiêm cuối cùng. Người chưa tiêm lần nào cần tiêm vắc xin Covid-19. Hiện các tỉnh thành đã tổng hợp trên 100.000 người có nhu cầu tiêm vắc-xin này để tiến hành tiêm chủng những ngày tới. Hiện VN còn hơn 400.000 liều vắc-xin ngừa Covid-19 Pfizer còn hạn sử dụng đến tháng 9/2024.

Ngành y tế vẫn đang theo dõi sát diễn biến dịch bệnh dịp tết

Hiện WHO vẫn đang tích cực giám sát dịch tễ học và vi-rút, để đánh giá các biến thể mới nổi có khác biệt về mặt kháng nguyên và có thể thay thế các biến thể đang lưu hành hay không. WHO tiếp tục khuyến khích phát triển hơn nữa các loại vắc-xin có thể cải thiện khả năng bảo vệ chống nhiễm trùng và giảm lây truyền SARS-CoV-2.

Nguồn: Thanh Niên

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9


Ý kiến của bạn:
Bài liên quan
(HTV) - Hàng trăm người dân ở miền Nam Mexico phải rời bỏ nhà cửa nhằm chạy trốn bạo lực từ các băng đảng ma túy, vốn đang hoành hành trong khu vực.
(HTV) - Hôm nay là kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7. Là ngày lễ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
(HTV) - Giá vàng hôm nay 27/7/2024: Vàng thế giới tăng trở lại 1% khi lợi suất giảm và dữ liệu của Mỹ làm tăng kì vọng cắt giảm lãi suất, vàng trong nước vẫn “bất động”.
(HTV) - Công viên chủ đề Kidzania ở Seoul có một khu hướng nghiệp cho trẻ em chơi nhập vai như cảnh sát, bác sĩ...với ý tưởng giúp thanh niên định hướng nghề.
(HTV) - Ngày 25/7, một quan chức cấp cao về giải trừ quân bị của Liên Hiệp Quốc cho biết việc chuyển giao vũ khí cho cả Nga và Ucraina vẫn đang tiếp tục, khi xung đột ở Ucraina đã kéo dài sang năm thứ ba.
(HTV) - Ngày 26/7, bão Gaemi mang theo mưa lớn và gió mạnh nhất trong năm nay đã quét qua miền Đông, miền Nam và một số tỉnh ven biển của Trung Quốc.
(HTV) - Với TP.HCM, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành nhiều tình cảm, sự quan tâm, chỉ đạo rất đặc biệt.