"Công viên kỳ diệu": Khi trí tưởng tượng của trẻ thơ là vô hạn

Trong căn phòng riêng của mình, June đã cùng mẹ xây dựng nên Wonderland - một công viên kỳ diệu. Cô bé 8 tuổi này đã miệt mài xây dựng Wonderland trong suốt thời thơ ấu của mình bằng chính… khả năng tưởng tượng.

“Công viên kỳ diệu” là bộ phim thu hút bởi câu chuyện mới lạ

Câu chuyện của trí tưởng tượng

Hãy thử tưởng tượng ra một công viên giải trí độc đáo - nơi mà những trò chơi cảm giác mạnh không trọng lực làm những đám đông phía dưới phải ồ lên thích thú, những con phố với sự xuất hiện của vô số nhân vật rực rỡ sắc màu, và những điểm tham quan khiến cho du khách tới từ khắp nơi trên thế giới phải trầm trồ thán phục. Đó chính là những gì mà June - cô bé 8 tuổi luôn mang trong mình những ý tưởng ngây ngô và thơ mộng (do Brianna Denski lồng tiếng) - đã làm được.

Trong căn phòng riêng của mình, June đã cùng với mẹ (Jennifer Garner lồng tiếng) xây dựng nên Wonderland - một công viên kỳ diệu nơi mà các vòng quay ngựa gỗ được làm từ những con cá vàng biết bay, và các con sông toả ra thứ ánh sáng lấp lánh trông như pháo hoa được bắn lên trời. June đã miệt mài xây dựng Wonderland trong suốt thời thơ ấu của mình bằng chính khả năng tưởng tượng không giới hạn để tạo nên một công viên có thể mê hoặc du khách ở đủ mọi lứa tuổi. Nó được điều hành bởi tinh tinh Peanut đáng yêu (Norbert Leo Butz lồng tiếng) - sinh vật đã tạo ra một thế giới ngoạn mục ngập tràn niềm vui bất tận, cùng với sự trợ giúp của một đội ngũ nhân viên là những sinh vật được lấy cảm hứng từ chính bộ sưu tập gấu bông của June.

Nhân vật trung tâm trong câu chuyện chính là cô bé June 8 tuổi

Nhưng khi mẹ bị ốm nặng, June bé nhỏ đã không còn tha thiết gì với Wonderland và tuyên bố rằng mình sẽ không còn liên quan tới công viên kỳ diệu này nữa. Nhưng dường như Wonderland không muốn mọi thứ kết thúc như vậy… 

Lồng ghép thông điệp ý nghĩa về gia đình

Thoạt nghe qua thì thấy Công viên kỳ diệu sẽ là một hành trình phiêu lưu kỳ thú diễn ra tại một công viên giải trí kỳ diệu với vô vàn bất ngờ thú vị. Từ vòng xoay ngựa gỗ Grand Wonder hoành tráng và rực rỡ sắc màu cho tới khu vực vui chơi không trọng lực, công viên mà June đã xây dựng cho riêng mình đã lập ra những đỉnh cao mới cho những trải nghiệm mà du khách có được khi ghé thăm. 

Tuy nhiên, Appelbaum và Nemec đã nhận thấy được tiềm năng để phát triển nên một câu chuyện cảm động về những mất mát tổn thương và cả về việc trưởng thành. Bộ đôi này không chỉ xây dựng nên một phim hoạt hình về chuyến phiêu lưu trong xứ sở thần tiên với vị trí trung tâm là một nữ anh hùng 8 tuổi cực kỳ mơ mộng đáng yêu, mà còn lồng ghép vào trong đó những thông điệp quan trọng về gia đình và về sức mạnh của trí tưởng tượng.

Bộ phim truyền tải thông điệp vè tình cảm gia đình

Những ý tưởng mới lạ nhưng xuất phát từ thực tế

Tinh tinh Peanut vốn được coi là linh hồn của Wonderland. Không chỉ là một nghệ sỹ biểu diễn có tài năng bẩm sinh, Peanut còn đóng góp công sức rất lớn trong mọi sáng tạo thú vị của công viên thần tiên này. Không ai biết rằng nguồn cảm hứng để sáng tạo của Peanut đã tới từ chính những lời thì thầm của mẹ June khi truyền đạt những ý tưởng của em vào tai của một con thú nhồi bông. Nemec và Appelbaum rất tâm đắc với ý tưởng rằng, mọi người đều nghĩ rằng chính Peanut đã nảy ra những ý tưởng độc đáo đó cho công viên, nhưng trong thực tế, mọi thứ đều xuất phát từ não bộ của một bé gái mới chỉ 8 tuổi.

Nhóm thực hiện đã nhiều lần chỉnh sửa tạo hình cho nhân vật Peanut trong suốt quá trình phát triển bộ phim này. Có những phiên bản trông Peanut giống như một nghệ sĩ biểu diễn theo phong cách truyền thống. Cũng có lúc ê-kíp muốn tạo hình cho nhân vật này giống như Willy Wonka - nhân vật hư cấu từng xuất hiện trong cuốn truyện thiếu nhi Charlie and the Chocolate Factory của tác giả Roald Dahl. Nhưng lựa chọn cuối cùng của mọi người là để Peanut trông giống với một người nổi tiếng ở thời hiện đại, kiểu ca sĩ chính trong một nhóm nhạc chẳng hạn.

Các nhân vật trong phim do các diễn viên nổi tiếng lồng tiếng nên rất dễ thương

Norbert Leo Butz đã lồng tiếng cho Peanut với nguồn năng lượng dồi dào từng giúp anh nhận được 2 giải thưởng Tony. Những video trên YouTube đã truyền cảm hứng giúp Butz hiểu được về cơ thể cũng như giọng nói của nhân vật này, để anh có thể làm việc một cách hiệu quả hơn trong phòng thu. Buz nhớ lại: “Ở những buổi thu âm đầu tiên, các kỹ sư đã e ngại rằng tôi có thể làm hỏng các thiết bị ở đó. Nhưng đó là một trong số những điều thú vị mà tôi có được khi tham gia bộ phim này”.

Ngoài Peanut, nhím Steve là một nhân vật quan trọng, gánh vác trọng trách đảm bảo tất cả các luật lệ quy tắc nhằm giữ an toàn trong công viên cần phải được tuân thủ. Biết được John Oliver - người dẫn chương trình của loạt truyền hình đêm khuya Last week tonight phát trên HBO, sẽ đảm nhận vai trò lồng tiếng cho Steve. Bộ đôi tác giả kịch bản đã lấy cảm hứng từ chính những gì mà nam nghệ sĩ hài này đã thể hiện trong chương trình để xây dựng nên sinh vật mình đầy gai nhọn chuyên sống trong rừng. Bộ đôi này đã xem chương trình của Oliver vào đêm thứ bảy và tới gặp anh vào thứ hai để nói về những gì mình đã suy nghĩ trong đầu.

Mọi thứ trong “Công viên kỳ diệu” được xây dựng trên cơ sở thực tế

Ngay từ cái nhìn thoáng qua đầu tiên, người xem sẽ thấy quy mô và độ hoành tráng của Wonderland - công trình kiệt tác mà June đã tạo nên là điều không cần phải bàn cãi, kể cả khi công viên giải trí này đang rơi vào tình trạng khủng hoảng. Khó có thể tìm được công trình nào tương đương với Wonderland về diện tích, về sự sáng tạo và cả sự… “điên rồ”. Một công viên bình thường có thể có những máng trượt nước cảm giác mạnh, nhưng Wonderland có thác pháo hoa nên ê-kíp đã nghiên cứu nhiều loại pháo hoa khác nhau để tìm ra những lựa chọn phù hợp và đưa vào trong cảnh quay. Vì thế, xét trên một phương diện nào đó, mọi thứ đều được xây dựng dựa trên cơ sở thực tế.     

Mời quý vị đón xem “Công viên kỳ diệu” (Wonder Park) được phát sóng vào lúc 19g35 ngày 18/12 trên kênh HBO thuộc hệ thống Truyền hình Cáp HTVC.

Quốc Bảo