Công thức giúp những bộ phim hoạt hình của Pixar chinh phục khán giả

Pixar được xem là “ông lớn” trong lĩnh vực sản xuất phim hoạt hình. Nhiều dự án ra đời không chỉ thành công về mặt thương mại mà còn “ẵm” luôn nhiều giải thưởng danh giá. Vậy công thức nào giúp cho Pixar gặt hái được thành công và chinh phục khán giả?


“Câu chuyện đồ chơi 4” vừa giành giải Oscar lần thứ 92 ở hạng mục Phim hoạt hình hay nhất

Lễ trao giải Oscar lần thứ 92 vừa qua, chiến thắng ở hạng mục Phim hoạt hình hay nhất một lần nữa lại thuộc về Pixar với bộ phim Câu chuyện đồ chơi 4 (Toy story 4). Đây là tượng vàng thứ 10 trong 40 năm lịch sử của Pixar. Trước khi bộ phim mới nhất Truy tìm phép thuật (Onward) của hãng ra mắt khán giả, hãy cùng tìm hiểu công thức thành công đặc biệt của xưởng phim có một không hai này nhé!

Ý tưởng nguyên bản và độc đáo

Trên tờ báo Harvard Business Review, Ed Catmull - cha đẻ của hãng Pixar từng chia sẻ: "Không như nhiều hãng phim khác, Pixar chưa từng mua kịch bản hay ý tưởng phim từ bên ngoài. Những câu chuyện về các nhân vật đều được sáng tạo bởi đội ngũ ê-kíp của chúng tôi". Cũng chính vì vậy, niềm tự hào của đội ngũ Pixar chính là ý tưởng nguyên bản và độc đáo.


Câu chuyện cảm động về cha con chú cá hề trong “Đi tìm Nemo” đã chinh phục khán giả

Đi tìm Nemo (Finding Nemo) là một trong những dự án thành công nhất của Pixar, ý tưởng của câu chuyện bắt đầu từ một ký ức tuổi thơ của đạo diễn Andrew Stanton. Trong phòng khám răng, Stanton bất chợt nhìn ngắm những chú cá trong bể, và tưởng tượng đó là những chú cá của đại dương đang muốn tìm đường về nhà. Ý tưởng này của ông bị đánh giá "quá kỳ quặc" để cho ra đời một phim hoạt hình. Nhưng rồi khi bộ phim ra mắt, sự mới mẻ, độc đáo mà thẳm sâu bên trong vẫn là những thông điệp gần gũi của bộ phim đã chinh phục được khán giả.

Cốt truyện đơn giản, chứa đựng thông điệp sâu sắc

Nhắc đến hoạt hình, người ta thường nghĩ ngay đến đối tượng khán giả nhí và gia đình. Đơn giản, dễ hiểu là yếu tố tiên quyết để phim hoạt hình truyền tải được thông điệp tới trẻ nhỏ. Nhưng với Pixar, những bộ phim của hãng luôn sở hữu nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc hơn, khiến không chỉ trẻ em mà ngay khán giả trưởng thành cũng "mê mệt". 


“Gia đình siêu nhân” thu hút cả trẻ em và người lớn

Gia đình siêu nhân (The Incredibles) là một ví dụ điển hình. Siêu năng lực thường chỉ được các nhà sản xuất áp dụng vào những "bom tấn" dành cho người lớn, nhưng Pixar lại đem sức mạnh vạn năng này vào các nhân vật hoạt hình. Câu chuyện về gia đình siêu nhân hài hước, đáng yêu không chỉ thu hút các bạn nhỏ, mà thông qua những câu chuyện của họ, những bậc cha mẹ cũng đồng cảm và thấu hiểu giá trị về tình thân và trách nhiệm gia đình được cài cắm.

Cảm xúc là chất liệu cốt lõi

Giám đốc sáng tạo của Pixar, John Lasseter từng nói: “Phim của chúng tôi phải bắt nguồn từ con tim. Nó không đơn thuần là giải trí mà phải khiến khán giả kết nối được với cảm xúc”. 


Chuyện tình của Wall-E từng lấy đi không biết bao nước mắt khán giả

Điều đó đã được chứng minh khi Robot biết yêu (Wall-E) ra mắt. Hàng triệu khán giả trên toàn thế giới khi theo dõi bộ phim đã đồng cảm khi chứng kiến Wall-E dùng mọi cách lấy lòng cô robot Eve, sau đó lại rơi nước mắt khi cả hai đoàn tụ sau biến cố chia cách. Cảm xúc là cây cầu ngắn nhất nối giữa Pixar và trái tim khán giả.

Bền bỉ nuôi dưỡng niềm tin

Với Pixar, một trong những điểm quan trọng trong phát triển của hãng chính là các sản phẩm ra đời đòi hỏi thời gian “thai nghén” lâu hơn nhiều người nghĩ. Các ý tưởng dù nguyên sơ hay rực rỡ đều mới chỉ là những viên ngọc thô, cần thời gian dài để mài giũa tới lúc hoàn hảo. Series Câu chuyện đồ chơi (Toy story) là bộ phim mang tính biểu tượng của Pixar. Phần đầu tiên của loạt phim này được bắt nguồn từ phim ngắn Tin Toy ra mắt năm 1988, lúc này, hãng mới chỉ là một bộ phận của Lucasfilm. 

Để đưa Câu chuyện đồ chơi lên màn ảnh rộng, đạo diễn John Lasseter đã mất tới 7 năm mới hoàn thành việc đưa ý tưởng hoài niệm về những món đồ chơi cũ. Và cuối cùng, ê-kíp đã nhận được “trái ngọt” xứng đáng sau chặng đường dài đầy gian nan. Sự ra đời của Câu chuyện đồ chơi cũng đánh dấu một diện mạo khác của "ông lớn" Pixar.

Tạo hình nhân vật sáng tạo vượt khuôn khổ

Sức sáng tạo vượt ngoài mọi khuôn khổ, định kiến là giá trị cốt lõi trong chuỗi thành công của Pixar. Với bộ phim mới Truy tìm phép thuật (Onward) sắp ra mắt, các nhà làm phim của "xưởng sáng tạo" cũng không khiến nó trở thành ngoại lệ. 


Khán giả sẽ cảm thấy thích thú với phần tạo hình của các nhân vật trong “Truy tìm phép thuật”

Khán giả từng được đưa tới thế giới trong lòng đại dương, vào vũ trụ và quay ngược dòng thời gian. Giờ đây, Pixar sẽ đưa người xem khám phá thế giới ma thuật ngay trong lòng thế giới hiện đại. Các nhân vật yêu tinh, kỳ lân và muôn vàn sinh vật huyền thoại tưởng quen thuộc sẽ được “định nghĩa” lại theo một cách hoàn toàn mới lạ trong Truy tìm phép thuật.

Trong thế giới vừa gần gũi vừa kỳ ảo này, hai nhân vật chính Ian và Barley sẽ là hai chú yêu tinh tuổi teen với đời sống cảm xúc và cả những mâu thuẫn nội tâm hết sức con người. Sự pha trộn hài hòa giữa tạo hình có phần kỳ quái với cảm giác thân thuộc, yếu tố hài hước đan xen các khoảnh khắc xúc động sẽ là trải nghiệm mới mẻ mà bộ phim mang đến cho người xem.

Trong lúc chờ đợi “Truy tìm phép thuật” ra mắt, khán giả có thể đón xem series "Câu chuyện đồ chơi" trên kênh Fox Movies thuộc hệ thống Truyền hình Cáp HTVC.

Phần 1 (Toy story 1) phát sóng lúc 16g30 ngày 7/3, 9g ngày 8/3, 12g55 ngày 12/3.
Phần 2 (Toy story 2) phát sóng lúc 16g10 ngày 8/3, 8g50 ngày 9/3, 12g25 ngày 13/3.
Phần 3 (Toy story 3) phát sóng lúc 11g10 ngày 14/3, 7g35 ngày 18/3.
Phần 4 (Toy story 4) phát sóng lúc 12g30 ngày 15/3, 9g30 ngày 16/3.
Nguyễn Châu