“Cảnh sát người máy”: Làm mới từ tác phẩm kinh điển

So với kịch bản năm 1987, “Cảnh sát người máy” chỉ giữ lại cốt truyện chủ đạo, còn toàn bộ diễn biến, tình huống, chi tiết đều được khai thác theo hướng mới. Với phần kỹ xảo đỉnh cao, những pha hành động mạnh, bộ phim chắc chắn sẽ làm người xem hài lòng.

Cảnh sát người máy là bộ phim được làm từ tác phẩm kinh điển cùng tên năm 1987

Cảnh sát người máy (RoboCop) lấy bối cảnh năm 2028, khi nhiều nơi trên thế giới, những con robot vô tri đang dần thay thế gần như toàn bộ lực lượng cảnh sát. Mặc dù OmniCorp - tập đoàn đa quốc gia sở hữu công nghệ robot Omni đã nắm giữ mọi nguồn lợi từ các quốc gia khác nhưng tại thị trường nội địa, vốn là thị trường béo bở nhất, lại chưa thể đụng đến. Để giành được sự tin tưởng của người dân, tập đoàn Omni cần một mẫu robot hoàn toàn khác: nửa người máy nửa con người.

Alex Murphy (do Joel Kinnaman đóng) - một cảnh sát gương mẫu, tài giỏi, từng phá nhiều vụ án quan trọng. Anh còn là người đàn ông của gia đình, luôn quan tâm, yêu thương vợ Clara Murphy (do Abbie Cornish đóng), cùng cậu con trai David Murphy (do John Paul Ruttan đóng). 

Alex Murphy (do Joel Kinnaman đóng) vốn là một cảnh sát tài giỏi và có một gia đình hạnh phúc

Cuộc sống hạnh phúc của Alex phút chốc bị phá vỡ khi anh bị bọn tội phạm cài bom để trả thù, khiến bản thân đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết. Lúc này, Omni đã đưa ra lời đề nghị biến Alex trở thành robot để giữ lấy sự sống. Không còn cách nào khác, Alex buộc trở thành “vật thí nghiệm” đầu tiên cho sản phẩm mới. 

Từ sau đó, Alex phải sống dựa vào chương trình phát triển robot và được cung cấp tối đa sức mạnh để tiếp tục thực thi công việc trấn áp tội phạm, trở thành RoboCop (Cảnh sát người máy). Nhưng đồng thời, Alex nhanh chóng bị cuốn vào vòng xoáy của lợi nhuận cùng những âm mưu khác.

Hành động đan xen tâm lý

So với kịch bản năm 1987, Cảnh sát người máy chỉ giữ lại cốt truyện chủ đạo, còn toàn bộ diễn biến, tình huống, chi tiết đều được khai thác theo hướng mới. Đạo diễn Jose Padilha muốn nhấn mạnh vào quá trình nghiên cứu và thử nghiệm để tạo ra một người máy có tính người là điều vô cùng khó khăn.

Đạo diễn Jose Padilha đã giữ lại cốt truyện chủ đạo, còn diễn biến trong phim được khai thác theo hướng mới

Để tạo ra sản phẩm tích hợp giữa “người” và “máy”, tập đoàn Omni vì lợi nhuận đã bỏ qua nhiều giai đoạn để đẩy nhanh quá trình. Điều này khiến cho RoboCop bị tước đoạt cảm xúc của con người vừa tách biệt với gia đình. Những chi tiết đó sẽ tạo nên sự bùng nổ ở phần cuối phim khi RoboCop Alex dần khôi phục ý thức và phản kháng lại mệnh lệnh để thực hiện theo bản năng con người.

Tuy Cảnh sát Robot được xếp vào danh sách phim hành động, gay cấn nhưng vẫn được đan xen yếu tố tâm lý, đặc biệt là đi sâu khai thác tình cảm của các nhân vật. Điển hình là người vợ Clara của RoboCop Alex.

Ngoài những pha hành động, bộ phim còn khai thác sâu khía cạnh tình cảm của các nhân vật

Để cứu chồng thoát khỏi lưỡi hái tử thần, Clara từng đấu tranh trước quyết định để Alex trở thành nửa người nửa máy. Hoặc những lúc cô phải chống chọi trước dư luận, trước tập đoàn Omni để bảo vệ đứa con trai bé bỏng David. Dưới bàn tay của đạo diễn Jose Padilha, diễn biến tâm lý của các nhân vật trong phim được khắc họa một cách rõ nét và đầy tính nhân văn, đã tạo nên điểm cộng trong mắt khán giả.

Nhưng việc sử dụng hơn nửa thời lượng phim để dành vào việc giới thiệu các nhật vật, cùng quá trình thử nghiệm và nghiên cứu để tạo ra RoboCop được cho là dài dòng và lê thê. Điều đó khiến cho phần thời lượng còn lại không đủ để các mấu chốt, xung đột, mâu thuẫn… được giải quyết một cách thuyết phục, khiến cho mọi thứ trở nên chóng vánh làm cho người xem có phần hụt hẫng. 

Mãn nhãn nhờ kỹ xảo điện ảnh

Dù nội dung chưa thật hoàn hảo nhưng với mức đầu tư 120 triệu USD, phiên bản Cảnh sát người máy được coi là siêu phẩm hành động đầu tiên của năm 2014. Trong phim, những cảnh chiến đấu hoành tráng, những trang thiết bị cho các nhân vật vượt ngoài trí tưởng tượng... gần như đã đáp ứng phần nào nhu cầu giải trí của khán giả. Chuyên gia giám sát kỹ xảo Jamie Price cho biết, phim sử dụng tới 1600 đến 1800 cảnh có hiệu ứng, đặc biệt là cảnh đấu súng với hơn 50 vũ khí trong bóng tối. 

Những màn đấu súng mãn nhãn được hỗ trợ bởi kỹ xảo điện ảnh

Bên cạnh những vũ khí và robot hiện đại, bộ phim còn ghi điểm trong mắt người xem khi các cảnh quay được thể hiện qua góc nhìn của chính nhân vật RoboCop Alex. Điều này mang lại cho khán giả cảm giác như đang trực tiếp trải qua và sống cùng với nhân vật trong phim.

Nếu khán giả đang tìm kiếm một bộ phim giải trí thỏa mãn phần nghe nhìn, thì Cảnh sát người máy hẳn là một lựa chọn hợp lý. Với phần kỹ xảo đỉnh cao, các pha hành động gay cấn, bộ phim sẽ đem đến cho người xem những trải nghiệm vô cùng thú vị.

Mời quý vị đón xem bộ phim “Cảnh sát người máy” của đạo diễn Jose Padilha với sự tham gia của các diễn viên: Joel Kinnaman, Gary Oldman, Michael Keaton… được phát sóng vào lúc 15g30 ngày 24/7 trên kênh Fox Movies thuộc hệ thống Truyền hình Cáp HTVC.

Quốc Bảo