“Căn hầm”: Khi con người mới là quái vật thực sự

Đúng như lời đề tựa “Quái vật xuất hiện dưới nhiều hình dạng”, khi bộ phim “Căn hầm” (10 Cloverfield Lane) khép lại, thứ đáng sợ nhất đọng lại trong khán giả có lẽ là “thứ quái vật dưới hình dạng con người”.

Phần kết phim đọng lại trong khán giả thứ đáng sợ nhất là “quái vật dưới hình dạng con người”

8 năm sản xuất ròng rã, Căn hầm (10 Cloverfield Lane) bất ngờ ra mắt trong sự ngạc nhiên của công chúng. Trang IMDB cho biết, thông tin chính thức của Căn hầm chỉ được công bố vào đúng hai tháng trước khi ra mắt, không một ai (trừ nhà sản xuất) biết tới sự tồn tại của nó. 

Một tháng trước khi công chiếu, thứ duy nhất mà khán giả biết về phim chỉ là tựa đề phim - một sự liên tưởng tới tác phẩm kinh dị - quái vật nổi tiếng Thảm họa diệt vong (Cloverfield) ra mắt năm 2008.

Điều này hoàn toàn nằm trong chiến lược marketing thông minh của hãng sản xuất, bởi điều họ muốn chính là để khán giả tự ra rạp mà chẳng hề có bất cứ ý tưởng nào về bộ phim. Chẳng có con quái vật khổng lồ hay những cảnh phim gây choáng váng như khi tượng Nữ thần Tự do bị hất văng đầu, Căn hầm mê hoặc khán giả theo một cách rất khác. Vài thông tin nhỏ giọt, vài dòng giới thiệu mơ hồ và khán giả phải tự mình khám phá toàn bộ câu chuyện. Và đó là lúc mọi thứ được mở ra đầy hấp dẫn. 

“Căn hầm” (10 Cloverfield Lane) ra mắt bất ngờ không qua quá trình quảng cáo gây ngạc nhiên cho công chúng

Chuyện phim bắt đầu với cảnh cô gái trẻ xinh đẹp Michelle vội vàng thu dọn đồ đạc sau cuộc cãi vã với bạn trai. Chiếc xe của cô đang lao nhanh trên đường cao tốc thì bất ngờ bị tông phải và văng ra lề đường. Thế rồi Michelle thức dậy trong một căn hầm cùng hai người đàn ông lạ: Howard (John Goodman) và Emmett (John Gallagher Jr.). 

Họ bảo cô rằng thế giới bên ngoài đã bị đầu độc bởi một cuộc tấn công hóa học và không còn thích hợp để con người sinh sống. Không tin vào những gì nghe được, Michelle quyết định từ từ tìm hiểu mọi chuyện, đồng thời tìm cách thoát khỏi căn hầm kín.

Đến 90% thời lượng của bộ phim diễn ra trong căn hầm. Phim giống như chuyến hành trình đi tìm lời giải đáp cho hàng loạt câu hỏi của Michelle: tại sao cô được đưa đến nơi đây? Liệu có bao nhiêu phần sự thật trong lời kể hai người đàn ông lạ? Những kẻ ở trong cùng căn hầm với cô thực sự là người như thế nào? Cứ mỗi khi người xem tưởng rằng kết cục đã an bài thì một bí mật lại được hé lộ, hướng chuyện phim rẽ sang hướng khác. 

Để làm được điều đó, ngoài việc cài cắm cẩn thận các tình tiết, đội ngũ biên kịch của Căn hầm còn sáng tạo nên hai nhân vật tương phản đầy thú vị là cô gái trẻ Michelle (Mary Elizabeth Winstead) và Howard (John Goodman) - ông chủ căn hầm.

Cặp diễn viên chính với tính cách tương phản Michelle và Howard 

Howard - một cựu lính thủy đánh bộ, luôn có niềm tin cực đoan vào việc kẻ thù sẽ tấn công và phá hủy nước Mỹ, từ người Nga, Triều Tiên cho tới người ngoài hành tinh. Ông ta luôn tin tận thế sẽ ập đến và đó là lí do căn hầm ra đời. Michelle, ngược lại, luôn nghi ngờ mọi thứ ông ta nói và chỉ tin khi được tận mắt chứng kiến sự thật. Sự áp đặt và kiểm soát của kẻ làm ơn Howard và sự hồ nghi của kẻ mang ơn Michelle khiến cho mối quan hệ của họ cứ liên tục bị đẩy lên giới hạn của xung đột.

Sự tồn tại của Emmett, qua đó lại giống như một sự cân bằng mong manh, níu kéo mối quan hệ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ấy tạm lắng xuống. Gần như cả phim, sự nghi ngờ cứ liên tục được đặt ra, bầu không khí hoang mang và ngột ngạt trong căn hầm khép kín càng đẩy nỗi sợ hãi lên cao, từng chút một. Mọi diễn biến trong phim được thể hiện đơn giản qua những góc quay chậm, cận cảnh như chính "đôi mắt" của nhân vật chính Michelle lẫn khán giả đang quan sát và tìm hiểu những diễn biến đang thực sự diễn ra xung quanh mình.

Phim không sử dụng quá nhiều kỹ xảo CGI, cũng không chọn những cảnh máu me tàn bạo để gây kinh sợ. Và đặc biệt là những chiêu thức hù dọa jump scare quen thuộc cũng không được đạo diễn tận dụng để mang lại nỗi sợ. Sự kinh hoàng, nghẹt thở của khán giả được khai thác từ chính những diễn biến tưởng chừng rất đơn giản như: những cuộc đối thoại đời thường, những tấm ảnh, thái độ giữa các nhân vật qua một trò chơi vô hại… Sự nghi ngờ, không khí áp đặt, đe dọa cứ từ từ lan tỏa rồi bao vây khán giả, và cuối cùng đổ sập xuống họ vào lúc cao trào nhất. 

Phim không sử dụng những yếu tố kinh dị thường thấy nhưng vẫn làm người phim thót tim trong từng giây phút

Quá trình phát triển tâm lý nhân vật được xây dựng rất tốt, khiến cho toàn bộ câu chuyện trở nên ấn tượng và sâu sắc hơn rất nhiều. Michelle là một cô gái quyết đoán, đầy ý chí nhưng luôn sợ hãi và bỏ chạy trước những trở ngại. Cũng không hề sai khi nói rằng, cả bộ phim là quá trình trưởng thành, thay đổi về tâm lý của Michelle, từ một cô gái luôn bỏ chạy để trở thành một người dám đương đầu với mọi thách thức. 

Bên cạnh kịch bản được xây dựng chặt chẽ, phải kể tới sự tỏa sáng đầy xuất sắc của các diễn viên, đặc biệt là John Goodman. Thật không quá lời khi nhiều trang báo uy tín như The Hollywood Reporter, Variety… đã đồng loạt khẳng định, diễn xuất của John trong vai Howard xứng đáng nhận được một đề cử Oscar vào năm tới. 

Từng cái nhíu mày, nắm tay, vẻ bối rối, kích động… đã được John Goodman lột tả chân thật và toát lên vẻ uy quyền đầy đáng sợ của nhân vật. Ở từng khung hình mà John xuất hiện, là lúc mọi cảm xúc nơi khán giả gần như bị bóp chặt tới mức nghẹt thở.

Vai nữ chính của phim do Mary Elizabeth Winstead đảm nhận có lẽ là điểm sáng nhất của phim. Từng quen thuộc qua nhiều phim kinh dị nổi tiếng nhưng chỉ với Căn hầm, cô mới thực sự ghi được dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. 

Khoác cho mình một vai diễn thông minh và có tính cách mạnh mẽ, Mary Winstead gần như hóa thân một cách trọn vẹn nhân vật trong kịch bản. Những cảnh hành động nghẹt thở, các phân đoạn thay đổi tâm lý hay những câu thoại hài hước hiếm hoi đều được Mary Winstead thể hiện thuyết phục trên màn ảnh. 

Vai nữ chính do “nữ hoàng phim kinh dị” Mary Elizabeth Winstead đảm nhận được đánh giá là điểm sáng nhất của phim

Điểm đặc sắc nhất của phim nằm ở kịch bản chặt chẽ với những nút thắt, nút mở và các tình tiết bất ngờ xuất hiện liên tục. Trong khi dòng phim giả tưởng về thế lực siêu nhiên hay phim kinh dị về sát nhân hàng loạt bắt đầu đi vào lối mòn về ý tưởng, đạo diễn Dan Trachtenberg cùng các biên kịch đã khéo léo kết hợp cả hai thể loại này và tạo nên sự độc đáo trong cách kể song song hai câu chuyện chính.

Không phải là một tác phẩm viễn tưởng hoành tráng như Thảm họa diệt vong (Cloverfield), Căn hầm (10 Cloverfield Lane) xây dựng nên bầu không khí kịch tính đến nghẹt thở của cuộc xung đột giữa người với người trên nền bối cảnh tối tăm và chật chội của căn hầm bí mật, nhưng vẫn đủ để truyền tải trọn vẹn những thông điệp mà đội ngũ sản xuất muốn gửi gắm.

Bộ phim “Căn hầm” (10 Cloverfield Lane) phát sóng lúc 22g40 (10/7), 14g25 (12/7) và 3g5 (15/7) trên kênh Fox Movies HD thuộc hệ thống HTVC. Mời bạn đọc đón xem và theo dõi.

Song Anh