Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Tuyển sinh ở Hà Nội không còn cảnh "xếp hàng, đổ cửa"

23/5/2025, 09:58

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, nhờ chuyển đổi tuyển sinh qua hình thức trực tuyến nên Hà Nội "không có xếp hàng, đổ cửa như trước".

Quốc hội chiều nay thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông.

Điểm mới của dự thảo là Nhà nước sẽ hỗ trợ học phí cho cả trẻ em mầm non và học sinh phổ thông đang học tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. 

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) cho rằng, miễn học phí ở các trường công lập có thể khiến lượng học sinh chuyển từ trường tư sang trường công tăng mạnh, dẫn đến nguy cơ quá tải.

Đại biểu đề nghị bổ sung quy định hoặc giao Chính phủ xây dựng kế hoạch đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, biên chế giáo viên, đảm bảo chất lượng đào tạo đồng đều thực sự.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Ảnh: Hoàng Hà)

Bà Lan nêu thực tế có một số loại hình cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, trường năng khiếu, trường thực hành thực nghiệm, tư thục.

"Vậy, việc thực thi chính sách miễn học phí như thế nào?", đại biểu đặt vấn đề. Theo bà Lan, nghị quyết cũng chưa thể hiện rõ quy định đối với những loại hình nêu trên như thế nào.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Hà Nội) cho biết, tổng chi phí ngân sách cần bổ sung khi miễn học phí là khoảng 8.200 tỷ đồng mỗi năm. Với Hà Nội quy mô dân số lớn, mật độ trường học cao chắc chắn sẽ chịu áp lực lớn về ngân sách.

Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh, đây là khoản đầu tư đúng, trúng và đáng. Bởi không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính cho các gia đình, nhất là sau đại dịch Covid-19 và trong bối cảnh giá cả sinh hoạt leo thang mà còn có tác động lan tỏa đến tiêu dùng xã hội, củng cố niềm tin vào chế độ, tạo nền tảng cho nguồn nhân lực tương lai.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Ảnh: Hoàng Hà)

Ông Sơn đề xuất Quốc hội và Chính phủ cần có cơ chế song hành cùng với chính sách miễn học phí để bảo đảm chất lượng giáo dục.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, ngoài chính sách miễn học phí, Tổng Bí thư Tô Lâm đã giao TP nghiên cứu thêm về miễn phí, hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh.

UBND TP đang nghiên cứu để báo cáo Thành ủy, HĐND thành phố về vấn đề này. Ông Tuấn khẳng định, đây là chủ trương rất nhân văn, ý nghĩa và Hà Nội đang rất trách nhiệm trong thực hiện.

Phát biểu sau đó, trước lo lắng việc miễn học phí có thể dẫn tới học sinh sẽ chuyển từ trường tư sang trường công, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chỉ rõ tỷ lệ trường công chiếm con số rất cao. Với các trường ngoài công lập ở Hà Nội cũng chịu khó đầu tư và trong tuyển sinh cũng "xếp hàng hơi nhiều".

Ngành giáo dục Thủ đô từ năm 2024 trở lại đây đã làm được việc rất quan trọng là tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến, đây cũng là tiến bộ của giáo dục thủ đô

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn (Ảnh: Hoàng Hà)

Ngành Giáo dục Thủ đô đã chuyển đổi thực hiện tuyển sinh qua hình thức trực tuyến, "không có xếp hàng, đổ cửa như trước"; nhưng qua các con số cho thấy số lượng học sinh vào trường tư ở Hà Nội cũng áp lực không kém gì trường công.

Ông Sơn cũng cho biết: "Đương nhiên lo ngại này cũng phải nghĩ đến nhưng thực tế tuyển sinh những năm qua cho thấy, lo lắng này không phải lớn lắm".

Về hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập, Bộ trưởng cho biết, HĐND các tỉnh, thành sẽ xác định mức học phí bao nhiêu để hỗ trợ các trường công lập. Khi đó, sẽ hỗ trợ cho học sinh các trường ngoài công lập mức tương đương như vậy.

Về hình thức chi trả, với trường công, Nhà nước sẽ cấp trực tiếp cho trường theo số lượng học sinh. Với các trường ngoài công lập, Nhà nước không nộp thay học phí cho học sinh mà sẽ hỗ trợ một phần bằng hình thức cấp trực tiếp cho người học.

Phương án này cũng phù hợp trong điều kiện chuyển đổi số hiện nay. Bộ trưởng cho biết hiện cả nước đã có 10 địa phương thực hiện miễn học phí. Với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, Nhà nước sẽ dùng ngân sách Trung ương cấp bù.

Theo đó, tổng hơn 30.000 tỷ đồng để thực hiện miễn học phí đã tính toán đến các tỉnh, thành chưa tự cân đối được ngân sách.

Về đề nghị miễn học phí cần hạn chế thu các loại phí khác trong trường học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường chỉ áp dụng với ba nhóm gồm các học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh chuẩn bị ôn thi tốt nghiệp. Việc xem xét hỗ trợ nhà trường, giáo viên sẽ tùy thuộc vào từng địa phương nhưng về nguyên tắc là trách nhiệm của nhà trường.

Trong kết luận của Tổng Bí thư đã chỉ đạo Bộ lên phương án tổ chức buổi học thứ hai cho học sinh, với tinh thần không thu chi phí, học phí. Bộ đang triển khai phương án áp dụng từ năm học mới.

Theo Bộ trưởng GD-ĐT, tất cả hướng đến giáo dục phổ thông công lập không thu học phí.

Nguồn:  Báo Vietnamnet

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn:
Bài liên quan
Nguyễn Bá Thanh, Nguyễn Văn Vinh, Nguyễn Văn Luyện đưa tiền cho các cá nhân là cán bộ thuộc UBND phường Trảng Dài để lo thủ tục cho các hộ dân được phép xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.
(HTV) - Dự thảo nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí.
(HTV) – Sự kiện hội thảo tại VietOffice 2025 nhấn mạnh vai trò then chốt của A.I. trong giáo dục, từ cá nhân hóa học tập đến phát triển toàn diện năng lực người học.
(HTV) - Khỉ Capuchin mặt trắng ở đảo Jicaron (Panama) bị phát hiện bắt cóc khỉ con loài khác, nhưng nguyên nhân chưa rõ. Chúng còn khiến giới khoa học bất ngờ khi biết dùng đá làm công cụ kiếm ăn.
(HTV) - Ngày 22/5, Đảng bộ Kho K334 tổ chức Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2025-2030, đề ra phương hướng nhiệm vụ trong giai đoạn mới với chủ đề “Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”.
(HTV) - Tại TP.HCM, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với nhiều cơ quan tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: “Cần tiếp tục Luật hóa một số vấn đề theo tinh thần Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu”.
(HTV) - Sự lên xuống quá nhanh của giá vàng khiến các nhà đầu tư phải chuyển dịch một phần nguồn vốn sang một số kênh đầu tư an toàn, ổn định hơn, trong đó có bạc - kim loại quý đang thu hút nhiều sự chú ý.