Công trình xanh bền vững đang là một trong những xu thế tất yếu của Việt Nam khi hướng tới hành trình Net Zero. Tuy nhiên, để thực hiện được việc này có khó không và liệu năng lực của ngành xây dựng liệu có đáp ứng được với thực tiễn tại nước ta?

Lối sống bền vững được định nghĩa là cách sống nhằm giảm thiểu dấu chân carbon (carbon footprint) của mỗi người lên trái đất. Nói một cách khác là lối sống bền vững là hình thức giảm thiểu gánh nặng mà mỗi người đặt lên thiên nhiên và các tài nguyên khác của trái đất. Ngoài những hành động mang ý thức cá nhân như sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế rác thải nhựa hoặc phân loại rác tại nguồn, tiết kiệm điện và nước.. thì chúng ta đang dần hướng tới việc xây dựng, cải tạo công trình xanh, hay còn gọi là kiến trúc bền vững, nhất là ở các đô thị lớn như TP.HCM.

MC Thảo Uyên (trái) lắng nghe PGS.TS.KTS Lê Thị Hồng Na và TS. KTS. Phạm Thanh Trà chia sẻ về hành trình Net Zero 2050
Ngành xây dựng, theo các nghiên cứu gần đây, đang là ngành chiếm tỉ trong lớn nhất về lượng khí thải carbon. Xây dựng sử dụng nhiều nguồn nguyên liệu từ tài nguyên thiên nhiên và quá trình vận hành cũng góp phần gia tăng lượng khí thải ra môi trường. Chính vì vậy, nhu cầu cấp thiết hiện nay của ngành xây dựng chính là xây dựng "nguồn nhân lực xanh", cùng với đó là những chương trình đào tạo hiện đại, cập nhật xu thế mới của thế giới.
Để thực hiện được mục tiêu Net Zero 2050, ngành xây dựng nước ta hiện đối mặt với nhiều thách thức, trước hết là rào cản về nhận thức của người dân, xã hội, doanh nghiệp. Thứ hai là thói quen sử dụng vật liệu quen thuộc của người dân. Thứ ba là chi phí đầu tư ban đầu của công trình xanh khá cao, khiến chủ đầu tư e ngại... Tuy nhiên theo các chuyên gia, đây là con đường Việt Nam chắc chắn sẽ phải đi, và để đi được xa rất cần sự chung tay của chính quyền các cấp, cùng sự đồng thuận của người dân và toàn xã hội.
Cùng HTV Hành động xanh 2025 - 21g15 thứ Ba cách tuần trên HTV7. Mời quý khán giả đón theo dõi!