Ký sự biển đảo quê hương (vùng 1, phần 2)

Bạch Đằng giang

Đoàn làm phim TFS rời sông Vũ Yên ra ngã ba Nam Triệu để đến với dòng sông Bạch Đằng lịch sử; để lần tìm đến những địa danh lưu dấu sử sách như: núi U Bò, sông Chanh, phà Rừng…

Câu chuyện về "Bạch Đằng giang" vừa lên sóng HTV9 trong loạt "Ký sự biển đảo quê hương". 

Bạch Đằng Giang có tên Nôm là sông Rừng; hiệu là sông Vân Cừ. Đây là con sông chảy giữa thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh và huyện Thủy Nguyên thuộc Hải Phòng. Dài 32km với khởi đầu là Phà Rừng, Bạch Đằng giang là nơi tập trung của 6 nguồn nước đổ về rồi theo một dòng chính và ba nhánh sông phụ đưa nước ra biển Đông nơi cửa Nam Triệu.

Trước đây, dòng sông này là đầu mối giao thông đường thủy quan trọng bậc nhất trong phát triển thương mại, quốc phòng của quốc gia Đại Việt. Các loại tàu thuyền có tải trọng 300-400 tấn tham gia vận tải được cả hai mùa trên sông Bạch Đằng và là tuyến đường thủy tốt nhất từ cửa Nam Triệu vào sông Kinh Thầy, sông Đuống, sông Hồng để tới kinh đô Thăng Long. Đây chính là thủy lộ xâm lược mà các đoàn quân phương Bắc nhiều lần sử dụng để xâm lược quốc gia phía Nam. 


 

Trong lịch sử, nếu cửa Cấm là nơi các thương thuyền thường vào buôn bán thì cửa Nam Triệu là nơi những chiến thuyền phương Bắc thường theo thủy lộ này tiến rất nhanh vào kinh thành Thăng Long mà không phải vượt qua địa hình rừng thiêng nước độc, đối đầu với nhiều trận địa phòng thủ nếu đi đường bộ. Từ con đường này, thủy quân còn nhanh chóng hội với sức mạnh kỵ binh trên đất liền. Năm 938, Vạn Vương Hoằng Tháo đem 2 vạn thủy binh Nam Hán cùng chiến thuyền kéo vào cửa Bạch Đằng. 

Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đã chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc, mở ra một thời kỳ độc lập tự chủ cho Việt Nam. Cũng cửa Bạch Đằng, năm 981, đạo thủy quân nhà Tống do Hầu Nhân Bảo chỉ huy tiến vào xâm lược Đại Cồ Việt. Lúc này, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn một lần nữa áp dụng thành công kế sách Ngô Quyền, đánh tan đạo quân nhà Tống trên sông Bạch Đằng năm 981. Lợi dụng chế độ thủy văn khắc nghiệt của sông Bạch Đằng, Ngô Quyền rồi Lê Hoàn sai đóng cọc dưới lòng sông, đầu bịt sắt nhọn, nhử quân giặc vào khi thủy triều lên và đợi nước triều rút xuống mới giao chiến. Tại dòng sông này, quân Nam Hán thảm bại, Lưu Hoằng Thao bỏ mạng cùng với quá nửa quân sĩ, nhà Nam Hán phải từ bỏ giấc mộng xâm lược. Quân xâm lược nhà Tống cũng đại bại sau đó.

Xem lại một đoạn phim nhỏ trong "Ký sự biển đảo quê hương: Bạch Đằng giang". Đón xem tập tiếp theo của loạt ký sự này với chủ đề "Lá chắn thép trên biển" vào 15g chiều nay (30/3) trên kênh HTV9

Thiên Bình