Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc và những gợi mở cho hôm nay

Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc là tư tưởng được xem là lớn nhất trong toàn bộ di sản tư tưởng Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh đã có trên 400 bài viết, bài nói về đoàn kết, đã hơn hai nghìn lần Hồ Chí Minh nhắc tới cụm từ “đoàn kết”.

Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ trao Giấy khen cho các gương “Người tốt, việc tốt” tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023 của Khu phố 3, Phường 19, quận Bình Thạnh. Ảnh: Thanhuytphcm.vn

Tư tưởng về đại đoàn kết tiếp tục được Hồ Chí Minh cụ thể hóa trong các cụm từ như: “đại đoàn kết toàn dân”, “đoàn kết toàn dân”, “đoàn kết dân tộc”, “toàn dân tộc ta đoàn kết”. Tuy cách diễn đạt có thể khác nhau, nhưng nội hàm của các khái niệm trên đều thống nhất khi khẳng định lực lượng của khối đại đoàn kết là của toàn thể nhân dân Việt Nam. Như vậy, có thể thấy, những nội dung cốt lõi trong nội dung đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đoàn kết mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam dù sống trong nước hay định cư ở nước ngoài, đoàn kết tôn giáo vì mục tiêu chung là vì lợi ích cao nhất của Tổ quốc và Nhân dân. Đối với Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc là tư tưởng có ý nghĩa chiến lược cơ bản, nhất quán và xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam. 

Gần 40 năm đổi mới đất nước, Việt Nam đã tiến những bước rất dài trên con đường thịnh vượng. Những thành tựu ấy được tạo nên bởi sức sáng tạo vĩ đại của Nhân dân, được kết thành bởi tinh thần đoàn kết, sáng tạo dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Để tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, chỉ tính từ đổi mới đất nước đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành rất nhiều các chỉ thị, nghị quyết về tập hợp và chăm lo lợi ích cho các giai tầng. Hầu như tất cả giai tầng trong xã hội đều được Đảng quan tâm và ban hành các chỉ thị, nghị quyết để chăm lo lợi ích và vận động các giai tầng. Tất cả những chính sách ấy đã dần đi vào cuộc sống, góp phần xây đắp khối đại đoàn kết trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, tạo nên sự đồng thuận xã hội vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phục vụ lợi ích của nhân dân. Giải quyết hài hoà các quan hệ lợi ích trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”. Đây là nội dung đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất quán kể từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Trong Bài nói chuyện tại Hội nghị sản xuất cứu đói, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “... Tục ngữ có câu: “Dân dĩ thực vi thiên”, nghĩa là dân lấy ăn làm trời, nếu không có ăn là không có trời. Lại có câu: “Có thực mới vực được đạo”, nghĩa là không có ăn thì chẳng làm được việc gì cả. Vì vậy chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của Nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”.

Sở dĩ người dân tin và theo Đảng, bởi Đảng và Nhà nước đã ban hành và thực thi những chủ trương, chính sách đáp ứng lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Khi người dân có niềm tin và yêu mến, chắc chắn Nhân dân sẽ kết thành một khối vững chắc đoàn kết xung quanh Đảng và Nhà nước.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8 (khoá XIII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Để thực hiện thắng lợi mục tiêu cao cả mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, cần khẩn trương, nghiêm túc xây dựng, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách, tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ phát triển mới; bổ sung, hoàn thiện luật pháp, chính sách sát hợp với tình hình mới để phát huy tốt hơn nữa sức mạnh của tất cả các tầng lớp nhân dân, khơi dậy ý chí và khát vọng phát triển của toàn dân tộc”.

Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, trước hết Đảng và Nhà nước phải ban hành và thực thi các chính sách đảm bảo lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Chăm lo phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, hài hòa giữa các vùng miền trong phát triển, nhất là quan tâm đầu tư các công trình giao thông quan trọng để kết nối các vùng miền trong cả nước, trong đó phải đặc biệt chú ý đến các vùng còn khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.

Cả cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm hết sức vì đại đoàn kết của các dân tộc, các tôn giáo. Trong bối cảnh hiện nay, khi các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề tôn giáo, dân tộc để chống phá sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, Đảng và Nhà nước cần quan tâm cụ thể hơn đến vấn đề này. Đặc biệt, Nhà nước cần nhanh chóng thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật và nhanh chóng đưa các chính sách này vào trong cuộc sống. Cần quán triệt nguyên tắc nhất quán trong toàn hệ thống chính trị là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của công dân, tạo điều kiện cho các tôn giáo hành đạo và truyền đạo theo pháp luật. Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng tôn giáo để chống phá, nhưng cũng nghiêm cấm các hành vi miệt thị tôn giáo.

Sỹ Thành ( theo Thành ủy TP.HCM)