Niềm vui miễn cưỡng

Trong các giải đấu lớn, góp mặt trong trận tranh hạng ba thường mang ít nhiều sự miễn cưỡng của những người đã thua trận bán kết trước đó.

U22 Myanmar đã nhập cuộc một cách uể oải ở cả phương diện cá nhân lẫn tập thể. Một phần do đẳng cấp giới hạn của họ. Các cầu thủ U22 Myanmar thiếu tốc độ lẫn sức mạnh. Tranh chấp, tỳ đè yếu nên gặp bất lợi trước các cầu thủ U22 Việt Nam dẫn đến phạm nhiều lỗi 12 và bị lĩnh thẻ chứ không hẳn là họ chủ động đá quyết liệt. Lối chơi của họ rời rạc, thiếu kết dính. Họ chơi phòng ngự khối với hàng công nghèo ý tưởng và hàng thủ nhiều sơ hở. 

Lối chơi của U22 Myanmar có nhiều điểm yếu

Trước một đối thủ như vậy, thay vì biến trận đấu thành một "báo cáo tổng kết" thì U22 Việt Nam lại nộp một "bản tự kiểm". Lại thua bởi bóng bổng. Lại là những pha đập nhả rề rà. Lại vẫn thiếu hiệu quả trong việc chuyển hóa cơ hội thành bàn thắng. Lại vẫn mất tập trung ở thời điểm quyết định. 

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Đá 6 trận trong 17 ngày thì thời gian hồi phục thể lực còn không đủ huống hồ việc chỉnh sửa những thiếu sót. Có sự trưởng thành nào mà thiếu những trải nghiệm đau đớn? Nếu bạn so sánh U22 Việt Nam hôm nay với những nhà vô địch SEA Games 30, 31 thì xin nhớ rằng họ cũng đã thất bại cay đắng ở SEA Games 29 trước khi có thành công vang dội ở Thường Châu. Thậm chí còn không qua được vòng bảng.

U22 Việt Nam tuy đã có chiến thắng "đậm", tuy nhiên vẫn xuất hiện nhiều sai sót trong lối chơi

Nếu xem việc ông Troussier đang làm là "dỡ ra xây lại" thì chiếc huy chương đồng hôm nay là một xác nhận "đã xong phần thô". Trau chuốt, hoàn thiện là việc của những ngày sắp tới.

HLV Philippe Troussier sẽ còn rất nhiều việc phải làm trong tương lai

Nguyễn Phúc Lân