Nhiều cách làm mới, sáng tạo trong triển khai xây dựng và hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Đến nay, toàn TPHCM đã có hơn 2.900 thiết chế không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các cơ sở tôn giáo, hội đoàn, hội quán, các trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, cơ sở hành chính, điểm sinh hoạt khu phố...

Trong đó các thiết chế không gian văn hóa Hồ Chí Minh được triển khai tại các cơ sở tôn giáo, phục vụ cho cộng đồng các dân tộc đã trở thành điểm đến cho đồng bào các tôn giáo và các tấng lớp nhân dân tìm hiểu rõ hơn về tấm gương, thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết dân tộc, tôn giáo mà Bác đã gửi gắm vào các thế hệ mai sau.

Phát huy truyền thống tốt đạo, đẹp đời

“Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại chùa Từ Nguyên (phường Phú Thạnh, quận Tân Phú) được bày trí trang nghiêm những câu nói, hình ảnh gắn liền về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vì nước, vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xung quanh phòng được sắp xếp, bố trí các kệ sách về Bác, qua đó xây dựng thói quen đọc sách cho người dân khi tìm hiểu về Bác.

Bí thư Đảng ủy phường Phú Thạnh Ngô Tấn Nam chia sẻ, thời gian tới, Đảng ủy - Ủy ban nhân dân - Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Phú Thạnh sẽ tiếp tục xây dựng "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" tại cơ sở tôn giáo khác trên địa bàn phường nhằm nhân rộng và lan tỏa những tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến người dân nhiều hơn, việc đẩy mạnh học tập và làm theo Bác Hồ bằng những việc làm cụ thể. Từ đó, góp phần phát huy truyền thống sống tốt đạo, đẹp đời, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực thực hiện phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Nhà thờ Cơ đốc Phục lâm Phú Nhuận có những hình ảnh, tư liệu sách về cuộc đời sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mục sư Trần Thanh Truyện, Hội trưởng Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam chia sẻ, những tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mang của Chủ tịch Hồ Chí Minh phục vụ việc học tập cho sinh viên Trường Kinh Thánh Cơ đốc (thuộc Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam); qua đó, bồi đắp thêm tình yêu nước nồng nàn của người Việt Nam trong tư tưởng các sinh viên. “Các tín hữu và người dân có nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu các tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể sử dụng đến nghiên cứu, tìm hiểu. Chúng tôi mong muốn nơi đây ngày càng có nhiều sách có giá trị” -  Mục sư Trần Thanh Truyện chia sẻ.

Đến nay, sau gần hai năm thực hiện, toàn TPHCM đã có 2.908 thiết chế không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Nhiều cơ sở tôn giáo, thờ tự đã tích cực hưởng ứng, triển khai xây dựng phòng trưng bày hình ảnh, tư liệu, tài liệu, sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong trụ sở, nơi thờ tự, khu sinh hoạt cộng đồng, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Tại một số địa phương như quận Bình Thạnh xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các trung tâm văn hóa, trường học, có 78 tự viện cùng số lượng lớn tăng ni, phật tử và người dân, khách thập phương lui tới tham gia mỗi ngày. Quận Gò Vấp xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các ngôi chùa trên địa bàn quận. Huyện Nhà Bè xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại khuôn viên Thánh thất Cao Đài... Qua việc triển khai xây dựng phòng trưng bày hình ảnh, tư liệu, tài liệu, sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong trụ sở, nơi thờ tự, khu sinh hoạt cộng đồng, đã góp phần giới thiệu đến đồng bào các tôn giáo những lời di huấn, các bài viết, những cử chỉ, hành động cũng như phong cách ứng xử của Người đối với các tôn giáo nói chung và đối với tín đồ, giáo sĩ, nhà tu hành của đạo Công giáo nói riêng là những bài học quý báu.

Đổi mới hình thức, nội dung công tác tuyên truyền


Đến nay, nhiều địa phương có mô hình, cách làm hay trong xây dựng không gian Văn hóa Hồ Chí Minh, trong đó Quận 11 đã đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, khai thác hiệu quả “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trong đồng bào người Hoa và đồng bào có đạo trên địa bàn quận. Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Quận ủy Quận 11 Đỗ Thanh Bình chia sẻ, trên địa bàn quận có nhiều đơn vị, cơ quan đã có ý thức xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở nơi công tác, gắn với nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình và nhận được sự đồng tình hưởng ứng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đến nay, Quận 11 đã hình thành được 106 không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Nhiều mô hình hay, cách làm mới đã góp phần lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến địa bàn dân cư, khu vực trường học đến với người dân, đến với các em học sinh. Đặc biệt, là không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã dần lan tỏa đến với người Việt gốc Hoa và đồng bào có đạo trên địa bàn.

Theo đồng chí Đỗ Thanh Bình, với đặc điểm quận có đông đồng bào dân tộc Hoa (chiếm 36,22% dân số), Quận ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo phối hợp cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 11 tham mưu triển khai xây dựng mô hình “Thư viện sách nói” song ngữ Việt - Hoa với các nội dung là những lời dạy và những mẫu chuyện về Bác được biên tập, phiên dịch, ghi âm, ghi hình,… Đây được xem là điểm mới, điểm nổi bật có giá trị rất lớn trong việc đổi mới hình thức, nội dung công tác tuyên truyền rộng rãi đến các giới, các tầng lớp Nhân dân về giá trị tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh đến với đồng bào người Việt gốc Hoa, những người hạn chế hoặc không có điều kiện tiếp cận các loại sách báo, tạp chí, không có thời gian để đọc các mẩu chuyện về Bác.

Trong năm 2023, Quận 11 đã có 68 bài kể chuyện về Bác và 32 bài được chuyển thể qua tiếng Hoa (Quảng Đông) và được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội và được triển khai đến các không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trụ sở các cơ quan, đơn vị, trường học, không gian xanh - sạch tại các khu phố,… Cùng với đó, Quận 11 đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh như: tạo mã QR, không gian trực tuyến qua website, fanpage,… để chia sẻ các hình ảnh, video clip, phim tư liệu về Bác, những lời dạy của Bác cùng những gương điển hình người tốt, việc tốt... Qua đó, người dân dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thành ủy TP.HCM