Nghề gốm từ ngôi trường bá nghệ Biên Hòa

"Đồng Nai có gốm Biên Hòa/ Đẹp, bền, duyên dáng, ai mà lãng quên"... Không chỉ là sản phẩm trang trí đơn thuần, gốm còn mang cả diễn trình của lịch sử, những thăng trầm của vùng đất phương Nam, là dấu ấn, giá trị vàng son cần được lưu truyền.

Phim là câu chuyện đầy thú vị về nguồn gốc làng gốm Biên Hòa

Bộ phim tài liệu "Nghề gốm từ ngôi trường bá nghệ Biên Hòa" được phát sóng cuối tuần qua trên HTV9. Phim nói về làng gốm Biên Hòa nằm ven sông Đồng Nai thơ mộng, là nơi bắt nguồn của các làng gốm phương Nam.

Gốm Biên Hòa đã định hình và không ngừng phát triển. Hồn đất được thổi bởi tình người yêu đất thông qua những tác phẩm độc bản của người bản địa đã làm cho gốm Biên Hòa có dấu ấn như ngày nay.

Một ngôi trường giữa cù lao Phố được gắn với tên của vùng đất này, gắn liền với sự ra đời và hình thành của gốm Biên Hòa. Đó là trường bá nghệ Biên Hòa - nay là trường Cao đẳng Trang trí mỹ thuật Đồng Nai. 

Năm 1913, trường dạy nghề Biên Hòa đổi tên thành trường Bá nghệ Biên Hòa

Theo các nhà nghiên cứu, nghề gốm Biên Hòa có từ thời người Việt từ Thuận Quảng vào khai hoang lập nghiệp phương Nam và mang theo nghề truyền thống của quê hương để sản xuất phục vụ đời sống.

Lại có ý kiến cho rằng, nghề gốm Biên Hòa có từ thế kỷ thứ XVII, khi cư dân Quảng Đông do Trần Thượng Xuyên dẫn đầu vào định cư ở  cù lao Phố vào năm 1679.

Có lẽ thấy được tầm quan trọng của vùng đất đặc biệt này, trên cơ sở phát huy thế mạnh sẵn có của ngành nghề truyền thống, khai thác cùng tài nguyên thiên nhiên ở địa phương và cung cấp thợ lành nghề mà ngôi trường dạy gốm đầu tiên của Đông Dương đã được người Pháp thành lập vào năm 1902, dự báo tầm nhìn cho tương lai. 

Vợ chồng ông bà Balick 

Năm 1913, trường dạy nghề Biên Hòa đổi tên thành trường Bá nghệ Biên Hòa. Năm 1923, Chính phủ Pháp bổ nhiệm ông Balick - tốt nghiệp trường Mỹ thuật Trang trí Paris làm hiệu trưởng và bà Mariette - tốt nghiệp trường gốm Limoges làm phụ tá.

Dưới sự điều hành của ông bà Balick là khoảng thời gian vàng son, đánh dấu giai đoạn phát triển rực rỡ của gốm Biên Hòa, ở cả thị trường trong và ngoài nước. Hai vợ chồng họ ông Balick cùng các học trò đã khai sinh ra một dòng gốm đặc biệt và làm cho nó nổi tiếng trong và ngoài nước nhờ màu men không bóng, trầm lắng mà có chiều sâu, trang trí đơn giản mà có hồn. 

Màu men xanh đồng trổ bông nổi tiếng của gốm Biên Hòa

Các nhà nghiên cứu cho rằng, màu men xanh đồng trổ bông nổi tiếng của gốm Biên Hòa là sự kết hợp, giao thoa của dòng gốm Việt - Chăm - Hoa trên đất Biên Hòa xưa, với kĩ thuật chế tác công nghệ Pháp. Chính nhờ đóng góp của các thế hệ giáo viên và nghệ nhân ở ngôi trường này, gốm Biên Hòa đã một thời được vinh danh.

Đỉnh cao là, gốm Biên Hòa đã đạt huy chương vàng trong những cuộc thi tại Pháp, được triển lãm tại các bảo tàng lớn ở Châu Âu, tạo nên danh tiếng đáng tự hào của gốm Biên Hòa ra ngoài biên giới Việt Nam, bắt đầu cho một thời kỳ hưng thịnh và tiếng tăm của gốm Biên Hòa đến cuối thế kỷ XX. 

Sản phẩm gốm giờ đây đa dạng về phân khúc, chủng loại, màu sắc...

Theo thời gian, ngôi trường có nhiều nỗ lực thay đổi để phát triển, có những thăng trầm khi từng phải đối mặt với nguy cơ mai một, nhưng rồi "Đồng Nai có gốm Biên Hòa/ Đẹp, bền, duyên dáng, ai mà lãng quên"... Gốm không chỉ là sản phẩm trang trí đơn thuần mà gốm còn mang cả diễn trình của lịch sử, những thăng trầm của vùng đất Nam bộ xưa về với hiện tại, là dấu ấn, giá trị vàng son cần được lưu truyền.

Hành trình hy vọng, mơ ước con đường gốm Biên Hòa sớm được hình thành, tiếp nối cho sự hòa nhập quốc tế với ngành công nghiệp không khói sẽ là hướng phát triển của nghề gốm Biên Hòa trong tương lai.

Ngôi trường 120 năm tuổi qua nhiều thời kỳ lịch sử và đến nay đã song hành cùng Đông Nam bộ, khẳng định vị trí của một cơ sở đào tạo về thủ công mỹ nghệ, sẽ tiếp tục phát huy được thế mạnh của mình, để gốm Biên Hòa được một lần nữa được hòa nhập cùng các nước trong khu vực và thế giới. 

Trong tuần này, trên kênh HTV9, quý khán giả có thể tiếp tục đón xem những thước phim tư liệu quý khác trong các phim dưới đây.

15g ngày 18/9 - Phim tài liệu "Người nhặt màu thời gian"
15g ngày 19/9 - Phim tài liệu "Những chiến công của Quân giới Nam bộ" (Tập 1)
15g ngày 20/9 - Phim tài liệu "Những chiến công của Quân giới Nam bộ" (Tập 2)
15g ngày 21/9 - Phim tài liệu "Những chiến công của Quân giới Nam bộ" (Tập 3)
15g ngày 22/9 - Phim tài liệu "Những chiến công của Quân giới Nam bộ" (Tập 4)
8g ngày 23/9 - Phim tài liệu "Cao Triều Phát - Nghĩa khí Nam bộ"

Thiên Bình