Nâng cao hợp tác doanh nghiệp và cơ sở giáo dục

THANH TUYỀN - HỮU TRÍ // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 9/8/2024, 23:00

(HTV) - Hiện nay, tại TP.HCM có hơn 60 cơ sở giáo dục đại học, 62 trường cao đẳng, và 60 trường trung cấp. Mặc dù số lượng các cơ sở đào tạo này khá lớn, nhưng sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế.

Tại hội thảo khoa học cấp Quốc gia năm 2024 với chủ đề "Nâng cao hiệu quả gắn kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học," do Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM và Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM phối hợp tổ chức, nhiều kiến nghị và giải pháp đã được các đại biểu đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, hiện nay có khoảng 70% sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng, và trung cấp trên địa bàn thành phố đang làm việc tại các doanh nghiệp trong thành phố. Tuy nhiên, chỉ 30% trong số đó được đánh giá là có kỹ năng và kiến thức đáp ứng yêu cầu thực tế của công việc.

Trong thời gian qua, việc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hướng đến mục tiêu thay đổi chương trình đào tạo và tăng thời lượng thực hành lên 50 - 70% tổng thời lượng đào tạo, đồng thời tăng cường thực hành, thực tế, và thực tập tại doanh nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc.

Tiến sĩ Nguyễn Đặng An Long - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM cho biết: “ Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa chủ động kết nối với doanh nghiệp trong việc lập kế hoạch, tổ chức chỉ đạo, và kiểm tra đánh giá hoạt động này. Một phần nữa là nhận thức của cán bộ quản lý, giảng dạy, học sinh, sinh viên chưa cao, coi việc đến doanh nghiệp là việc dạo chơi, giao lưu.”

Tiến sĩ Nguyễn Đặng An Long - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM

Bà Lê Thị Thúy Tiên - Giám đốc Nhân sự, Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Sài Gòn King Land chia sẻ rằng: “Rất ít doanh nghiệp và nhà trường cùng ngồi lại với nhau để hiểu rõ về mục tiêu và tầm nhìn dài hạn của nhau. Các hoạt động hợp tác hiện tại thường mang tính chất tự phát và không tạo ra hiệu quả lâu dài cho cả hai bên. Thời gian hợp tác của chương trình thường quá ngắn để mang lại giá trị thực sự cho sinh viên. Hơn nữa, các bên thường quá tập trung vào yếu tố thương mại, tức là các doanh nghiệp có tâm lý muốn quảng bá thương hiệu của mình.”

Việc nâng cao kết nối giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục là bước quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đặng An Long - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM: “Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rất mong muốn doanh nghiệp cùng tham gia với nhà trường trong quá trình liên kết đào tạo, xây dựng chương trình học, và thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học. Doanh nghiệp cũng sẽ hỗ trợ nhà trường trong việc tổ chức thực hành và thực tập cho sinh viên tại doanh nghiệp.”

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương - Trưởng Phòng Quan hệ Doanh nghiệp và Việc làm Sinh viên, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết:” Không phải doanh nghiệp muốn đào tạo thế nào thì đào tạo, mà chúng tôi có đơn đặt hàng cụ thể. Doanh nghiệp sẽ cử các chuyên gia đầu ngành để hướng dẫn sinh viên. Khi thực hiện được như vậy, sinh viên tốt nghiệp sẽ có kiến thức nền tảng đủ để phát triển sự nghiệp học tập suốt đời, đồng thời có kỹ năng thực hành từ việc tiếp xúc với quá trình thực tập tại doanh nghiệp.”

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương - Trưởng Phòng Quan hệ Doanh nghiệp và Việc làm Sinh viên, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng Nhà nước cần thiết lập những chính sách cụ thể để nâng cao hiệu quả của sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Theo chia sẻ của Tiến sĩ Đỗ Thanh Vân - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thủ Thiêm, TP.HCM : “Nhà nước cần có chính sách giảm thuế hoặc ưu đãi cho những doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động giáo dục nghề nghiệp với các trường; đồng thời, khen thưởng các doanh nghiệp có sự phối hợp tích cực với nhà trường và đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, cần sớm thể chế hóa và cụ thể hóa bằng các văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục Nghề nghiệp, đặc biệt về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp.”

Tiến sĩ Đỗ Thanh Vân - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thủ Thiêm

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp là cần thiết và cấp bách để tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn:
Bài liên quan
(HTV) - Vừa qua đã diễn ra Hội thảo Khoa học Quốc gia kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chủ đề "Kinh tế - xã hội Việt Nam sau 50 năm xây dựng, phát triển (1975 - 2025): Vấn đề lý luận và thực tiễn".
(HTV) - Hội Cựu giáo chức TP.HCM đã tổ chức họp mặt, tôn vinh các nhà giáo tham gia chiến đấu và công tác giáo dục tại miền Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
(HTV) - Sáng 26/4, tại Quân đoàn 34 (TP. Dĩ An, Bình Dương), đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương các ngày lễ lớn và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 34 đã đến thăm, tặng quà lực lượng luyện tập diễu binh 30/4.
(HTV) - Đoàn do Phó Chủ tịch HĐND TP Huỳnh Thanh Nhân làm trưởng đoàn đã đến thăm Đại tá Quân đội Nguyễn Chí Lợi - Viện trưởng Quân Y 115 và Đại tá Hoàng Ngọc Thương.
(HTV) - Sáng 26/4, tỉnh Cà Mau long trọng tổ chức họp mặt Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.
(HTV) - Sáng 26/4 tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động Trung ương tổ chức Lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2025.
(HTV) - Buổi Tổng duyệt diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sáng 27/4 đã cống hiến một màn trình diễn mãn nhãn trên bầu trời TP.HCM.