Tín dụng tiêu dùng: Cho vay và thu hồi nợ đúng luật!

HỒNG DIỄM - TẤN LỘC - TRẦN TÚ // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 25/4/2023, 19:30

(HTV) - Nếu tính trên dân số TP.HCM khoảng 9,2 triệu người, bình quân một người dân đang vay khoảng 102 triệu đồng. Con số này cho thấy sự quan trọng của cho vay tiêu dùng đối với đời sống của người dân.

Tuy nhiên, việc các công ty đòi nợ trái luật thời gian qua đang dấy lên nhiều lo ngại về hoạt động cho vay tiêu dùng. "Cho vay và thu hồi nợ đúng luật" - điều vốn hiển nhiên lại đang là vấn đề nóng, mang tính cấp thiết và cần có những giải pháp hiệu quả, thiết thực hơn. 

Thu hồi nợ trái luật, phản cảm bằng cách: tạt sơn, ném chất bẩn, hăm dọa xuất hiện nhan nhản. Anh K. ngụ Quận 12, TP.HCM liên tục bị khủng bố bằng cuộc gọi và nhận những tin nhắn đe dọa nếu không trả nợ sẽ đăng thông tin, phát tán hình ảnh cá nhân lên mạng xã hội. 

Ngoài yếu tố thu nhập bị ảnh hưởng sau dịch, các chuyên gia cho biết, không ít người dân không trả được nợ do sập bẫy tín dụng đen núp bóng tín dụng tiêu dùng, hoặc bị rơi vào "ma trận" tính lãi suất và phí vì thiếu hiểu biết.

Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích, chiêu trò của một số đơn vị là cho vay với lãi suất đúng theo Bộ luật dân sự là không quá 20%/năm nhưng áp dụng cách tính lãi liên tục để trên tổng mức vay ban đầu, cộng thêm các loại phí khác. 

"Các công ty cứ tính bao nhiêu % đó trên vốn vay ban đầu. Sau đó người ta trả bớt rồi nhưng cứ tính lãi theo vốn ban đầu, chắc chắn cộng lại là rất nhiều.

Bởi vậy như chúng ta thấy có nhiều trường hợp nói cho vay 15-20% nhưng tính ra là lên tới 60-70%". Luật sư Trương Thị Hòa cho biết.

Hiện nay, người dân có thể vay tiêu dùng qua các kênh tín dụng chính thức là: ngân hàng thương mại, công ty tài chính, các công ty tài chính công nghệ (fintech). Tuy nhiên, đại diện công đoàn các KCX-KCN TP.HCM - nơi đang quản lý hơn 300.000 công nhân cho biết, đến nay chỉ mới có hơn 17.000 công nhân tiếp cận gói vay từ Tổ chức tài chính vi mô CEP với tổng dư nợ hơn 250 tỷ đồng, trong khi nhu cầu thực tế còn nhiều, nguồn lực của CEP cũng có hạn và phải dành cho các khu vực khác.

Trong khi đó, đối với các tổ chức tài chính khác, bà Vũ Thế Vân, Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP.HCM (HEPZA), cho biết, hiện nay chưa nói đến thủ tục, vấn đề hiện nay là làm sao để tiếp cận được.

"Bởi vì hầu như các tổ chức quan tâm gói vay vĩ mô cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh còn đây là đối với vay cho người lao động. Bên cạnh tạo điều kiện cho người lao động việc tiếp cận, chúng tôi cho rằng cần phải có ưu đãi chứ vay theo lãi suất ngân hàng thì rất khó khăn của người lao động". bà Vũ Thế Vân chia sẻ.

Khó tiếp cận các gói tín dụng cộng với thu nhập giảm đang đẩy người dân vào rất nhiều khó khăn. Chỉ riêng tại Tổ chức tài chính vi mô CEP, tỷ lệ nợ quá hạn của tổ chức này tăng từ 0,5% ở trước dịch lên 1,35% ở thời điểm này. Chia sẻ về việc thu hồi nợ đúng luật, CEP cho biết, thực chất việc thu hồi được hay không là phụ thuộc vào dòng thu nhập của khách hàng. Do đó, phương pháp thu hồi cũng sẽ dựa vào yếu tố này là chính.

"Khi thu hồi công nợ, chúng tôi sẽ khảo sát, đánh giá từng khách hàng, thiết kế dòng tiền phù hợp với thu nhập, tích lũy của khách hàng sao cho phù hợp với khả năng trả nợ, tránh như thực tế hiện nay nhiều tổ chức vì thu hồi gấp mà thu hồi theo cách thức tiêu cực, buộc khách hàng tiếp cận tín dụng rủi ro cao, lãi suất cao". Ông Hoàng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổ chức vi mô CEP chia sẻ.

Để hoạt động tiêu dùng phát triển lành mạnh, ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP.HCM kiến nghị các công ty tài chính truyền thông mạnh mẽ sản phẩm dịch vụ của mình, đặc biệt là văn hóa thu hồi nợ, bởi đây người dân đánh giá tổ chức đó cao hay thấp là ở việc thu hồi nợ. Các công ty cũng cần đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ linh hoạt hơn phù hợp với nhu cầu của người dân, đặc biệt là ở khu vực người dân khó tiếp cận với vay vốn từ ngân hàng.

"Về phía mình, chúng tôi tiếp tục mở rộng các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tọa đàm để cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh. Chúng tôi cũng đang kiến nghị với Công an Thành phố có buổi làm việc để có sự thống nhất trong các giải pháp thực hiện, thanh tra, kiểm tra xử lý các tổ chức tài chính hoạt động trái phép". Ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng Đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP.HCM cho biết.

Tương tự, Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM yêu cầu các tổ chức tài chính tôn trọng các quy định cho vay tiêu dùng ở Thông tư 43.

Ở chiều ngược lại, "đục nước béo cò", mạng xã hội bắt đầu xuất hiện nhiều hội nhóm chia sẻ cách cho vay tiêu dùng rồi trốn nợ, bùng nợ. Tuy nhiên, luật sư nhấn mạnh đây là hành động không đúng pháp luật, bởi vay tín dụng cần đi đôi với trách nhiệm trả nợ.

Hội nhóm trốn nợ, bùng nợ xuất hiện trên mạng xã hội sau việc các công ty tài chính bị kiểm tra

Cho vay, thu hồi nợ đúng luật và trả nợ đúng hạn là thế kiềng 3 chân cần được nghiêm túc thực hiện ở các thành phần để hướng tới phát triển tín dụng tiêu dùng lành mạnh, bền vững, hình thành thói quen "vay văn minh - trả văn minh".

>>> Xin mời quý vị đón xem chương trình thời sự của HTV lúc 20G mỗi ngày trên HTV9

 

Ý kiến của bạn: