(HTV) - Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa kết thúc chuyến thăm Vùng Vịnh, gồm 3 quốc gia Ả-rập Xê-út, Qatar và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Chuyến công du mang tính bước ngoặt này không chỉ mang về những thỏa thuận thương mại béo bở, mà còn thay đổi chiến lược của Mỹ ở Trung Đông.

Mỹ và Ả-Rập Xê-Út ký các thỏa thuận trị giá hơn 300 tỷ USD
Tại Ả-rập Xê-út, Tổng thống Trump đã ký kết một thỏa thuận kinh tế chiến lược với tổng trị giá hơn 300 tỷ USD, trong đó có một thỏa thuận quốc phòng trị giá gần 142 tỷ USD, bao gồm vũ khí, thiết bị và dịch vụ trong các lĩnh vực phát triển lực lượng không quân và năng lực vũ trụ, phòng không và tên lửa, cũng như an ninh biên giới và hàng hải.

Thái tử Ả-rập Xê Út Mohammed bin Salman và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp ngày 13/5/2025. Nguồn ảnh: Reuters
Ả-Rập Xê-Út cam kết đầu tư hơn 600 tỷ USD vào Mỹ
Ả-Rập Xê-Út đã cam kết đầu tư 600 tỷ đô la vào nước Mỹ, bao gồm 20 tỷ vào các trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo, mua tua-bin khí và các thiết bị năng lượng khác trị giá 14,2 tỷ USD, gần 5 tỷ USD trong đó là để mua các máy bay Boeing 737-8, cũng như các thỏa thuận khác.
Qatar cam kết đầu tư vào Mỹ 1.200 tỷ USD
Tại Qatar, ông Trump cũng đã đạt được những cam kết kinh tế lên đến 1.200 tỷ USD, đáng chú ý nhất là thỏa thuận giữa hãng hàng không Qatar Airways với nhà sản xuất Boeing của Mỹ. Theo đó, Qatar Airways đặt mua 210 máy bay thân rộng trị giá hơn 200 tỷ đô la, thiết lập kỷ lục mới là đơn hàng máy bay lớn nhất trong lịch sử của Boeing.

Tổng thống Trump và Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani trong lễ ký kết tại Doha vào ngày 14/5/2025. Nguồn ảnh: Getty Images
UAE có kế hoạch đầu tư 1.400 tỷ USD vào Mỹ
Trong khi đó, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) sẽ đầu tư 1.400 tỷ USD vào Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ, trí tuệ nhân tạo A.I và năng lượng trong 10 năm tới.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, hai quốc gia đã nhất trí thiết lập khung chương trình "Quan hệ đối tác Trí tuệ Nhân tạo (AI) giữa Mỹ và UAE". Theo hãng tin Reuters, UAE đã đạt thỏa thuận sơ bộ với Mỹ nhằm nhập khẩu 500.000 chip AI tiên tiến nhất của Nvidia mỗi năm, bắt đầu từ năm 2025.

Bên cạnh các thỏa thuận thương mại, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhằm giải quyết nhiều vấn đề chính trị tại khu vực Trung Đông.
Mỹ sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Syria
Trong ngày 14/5, ông Trump đã gặp Tổng thống lâm thời Syria Ahmad al-Sharaa. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo của hai quốc gia trong 25 năm qua. Ông Trump tuyên bố sẽ dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt đối với Syria. Quyết định này đánh dấu một bước ngoặt lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với quốc gia Trung Đông này.

Tổng thống Trump bắt tay người đồng cấp Syria Ahmed al-Shara trước sự chứng kiến của Thái tử Ả rập Xê út Mohammed bin Salman tại Riyadh, ngày 14/5/2025. Nguồn ảnh: Reuters
Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư và hợp tác thương mại với các nước, cũng như mở đường thêm cho các tổ chức nhân đạo tiếp cận Syria, trong bối cảnh đất nước này bắt đầu công cuộc tái thiết sau hơn một thập kỷ nội chiến.
Ông Trump: “Mỹ gần đạt thỏa thuận với Iran”
Về vấn đề hạt nhân với Iran, ngày 15/5, ông Trump tuyên bố hai bên đã rất gần với thỏa thuận mới, tuy nhiên Iran lại cho rằng chưa nhận được văn bản nào từ phía Mỹ.
Trước đó, ngày 11/5, Mỹ và Iran đã tiến hành vòng đàm phán hạt nhân thứ 4, đánh dấu cuộc tiếp xúc cấp cao nhất giữa hai bên kể từ khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015.

Nhà máy điện hạt nhân Bushehr, tại Bushehr, Iran. Nguồn ảnh: Getty Images
Mặc dù ông Trump bỏ qua Israel trong chuyến công du Trung Đông lần này, nhưng cuộc chiến giữa Israel với Hamas ở Dải Gaza vẫn là một phần quan trọng trong các cuộc thảo luận. Tổng thống Mỹ đã bác bỏ thông tin rằng chuyến công du của ông gạt Israel ra bên lề.
Theo giới phân tích, chuyến công du vùng Vịnh của Tổng thống Donald Trump đánh dấu sự chuyển hướng chiến lược của Mỹ khỏi các liên minh cũ, mở ra cục diện địa chính trị mới với ưu tiên kinh tế và đối thoại mềm mỏng.
Mỹ thay đổi cách tiếp cận chính sách đối ngoại
Ông Paul Salem, Phó Chủ tịch Viện Trung Đông tại Washington D.C., Mỹ cho rằng, chuyến công du Trung Đông của ông Trump lần này không chỉ mang về những thỏa thuận thương mại béo bở, mà còn đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cách Mỹ nhìn nhận và tương tác với khu vực.

Tổng thống Trump nhận Huân chương Zayed - Huân chương dân sự cao nhất của Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tại Abu Dhabi, ngày 15/5/2025. Nguồn ảnh: AP
Thay đổi về khu vực quan tâm chiến lược
Đầu tiên, quyết định của ông Trump trong việc chọn vùng Vịnh làm điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong nhiệm kỳ, bỏ qua Israel, một đồng minh truyền thống của Mỹ cho thấy sự thay đổi trong ưu tiên chiến lược của Mỹ.
Các quốc gia vùng Vịnh, với tiềm lực kinh tế và địa chính trị ngày càng tăng, đang trở thành trung tâm trong chính sách đối ngoại của Washington.
Chuyển hướng chiến lược khỏi các liên minh cũ
Thứ hai, việc ông Trump thực hiện chuyến thăm nước ngoài chính thức đầu tiên của mình đến vùng Vịnh trong nhiệm kỳ thứ hai cũng cho thấy, ông coi các quốc gia vùng Vịnh là những nhân tố địa chính trị và kinh tế ưu tiên hơn những quốc gia Tây Âu. Ông Trump đã nhiều lần phàn nàn về quan hệ đối tác kinh tế và an ninh của Mỹ với các đối tác Tây Âu.

Quốc vương Qatar chào đón Tổng thống Trump trong lễ đón chính thức tại Amiri Diwan ở Doha, ngày 14/5/2025. Nguồn ảnh: AP
Ưu tiên các mối quan hệ mang tính giao dịch kinh tế
Thứ ba, trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, ông Trump muốn khẳng định sự thay đổi trong các nguyên tắc của chính sách đối ngoại Mỹ. Trong đó, Washington chuyển từ chính sách đối ngoại được xây dựng trên các liên minh quyền lực và chính trị theo kiểu Chiến tranh Lạnh, sang một chính sách đối ngoại phi ý thức hệ, thân thiện với doanh nghiệp, mang tính giao dịch.
Sự chuyển hướng này không chỉ phản ánh mối quan tâm của Mỹ đối với tiềm năng kinh tế của khu vực Vùng Vịnh mà còn cho thấy sự thay đổi trong cách tiếp cận chính sách đối ngoại của chính quyền Trump. Thay vì tập trung vào các liên minh truyền thống và đối đầu ý thức hệ, ông Trump ưu tiên các mối quan hệ mang tính giao dịch, tập trung vào lợi ích kinh tế và tránh xa các cuộc xung đột kéo dài. Điều đó mở ra cơ hội cho các cuộc đàm phán và hợp tác, thay vì đối đầu.
Trước chuyến thăm Trung Đông, Tổng thống Trump đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn với lực lượng Houthi ở Yemen, làm trung gian cho thỏa thuận con tin với Hamas, xích gần Qatar, dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Syria, ca ngợi nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran.

Chuyến công du Mỹ tại khu vực Trung Đông không chỉ khẳng định lại vai trò trung tâm của Mỹ tại đây, mà còn được coi là cơ hội để các quốc gia này giải quyết các vấn đề chính trị. Nguồn ảnh: AFP
Giới phân tích đánh giá, chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Donald Trump không chỉ đánh dấu sự trở lại của Mỹ tại khu vực này với tư cách là một đối tác chiến lược, mà còn có thể đặt nền móng cho một trật tự khu vực mới, nơi Mỹ dẫn dắt không chỉ bằng sức mạnh quân sự, mà còn bằng công nghệ, đầu tư và ảnh hưởng mềm trong kỷ nguyên số.
Quyết định thay đổi ưu tiên chiến lược của Mỹ có thể mở ra những cơ hội mới cho khu vực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức phía trước, trong đó, việc giải quyết vấn đề Palestine và đạt được thỏa thuận với Iran đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác của tất cả các bên liên quan.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9