45 năm HTV

Huyền thoại "Mekong ký sự"

Bốn mươi lăm năm phát triển của Đài Truyền hình TP.HCM kể từ ngày phát sóng đầu tiên vào ngày 1/5/1975 đã ghi dấu ấn trong lòng khán giả với nhiều chương trình thuộc các lĩnh vực. Một trong những dấu son là Hãng phim TFS.

Đoàn làm phim tại thượng nguồn sông Mekong (Ảnh: Dư Kim Hoàng)

Từ khi ra đời vào năm 1991, Hãng phim TFS luôn đi theo tôn chỉ và nguyên tắc làm nghề là "kiên định và sáng tạo". Thực tiễn cuộc sống được phản ánh một cách chân thực; phát hiện, khám phá thực tế đời sống xã hội và thế giới tự nhiên sinh động thông qua hàng loạt phim tài liệu, phim truyện, phim ký sự, tạp chí văn nghệ. 

Với niềm đam mê, sự hết lòng với nghề và tâm nguyện được phụng sự cho sự nghiệp điện ảnh của Đài truyền hình TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, mảng phim Ký sự Truyền hình của TFS đã gây được tiếng vang và có đóng góp rất đáng kể. Chúng ta có thể dễ dàng kể ra hàng loạt tác phẩm ký sự như: Mekong ký sự, Ký sự hỏa xa, Ký sự sông Hằng, Ký sự "Hành trình theo chân Bác"... Mỗi bộ phim là một hành trình đáng tự hào của đoàn làm phim nói riêng và của HTV nói chung khi mang đến những sản phẩm chất lượng, giàu tính nghệ thuật và giá trị giáo dục, nhân văn sâu sắc.

Bộ phim "Mekong ký sự" được khán giả yêu thích ngay khi ra mắt vào năm 2006

Trong số đó, "Mekong ký sự" vẫn được nhắc đến như một huyền thoại về sức làm việc bền bỉ, tinh thần dấn thân với nghề và có cả sự liều mạng để mang đến cho khán giả một cách khái quát về diện mạo của dòng sông Mekong từ thượng nguồn đến hạ lưu. Nhà báo Trần Đức Tuấn chia sẻ: Chúng tôi lựa chọn thể loại ký sự để thể hiện hành trình chinh phục dòng sông Mekong. Đặc điểm cơ bản của thể loại này là nội dung được triển khai theo thứ tự thời gian, bước chân của đoàn làm phim. Nếu nói ký sự chỉ là sự kiện xoay quanh đoàn phim là chưa chính xác. Chính vì "bám" theo hành trình của đoàn làm phim mà khán giả luôn được khám phá những cái mới và có kịch tính xảy ra.

Và quả thật, những bước chân và chuyến hành trình của đoàn làm phim dọc theo dòng Mekong luôn mang đến sự lý thú cho khán giả. Để ghi lại những thước phim chân thực nhất về vùng đất, cuộc sống của người dân hai bên bờ sông Mekong, đoàn làm phim đã trải qua nhiều khó khăn, vất vả tưởng chừng đã khiến mọi người phải ngã gục. Thế nhưng, bằng ý chí phi thường, cả ê-kíp đã hoàn thành bộ phim một cách xuất sắc trong sự ngưỡng mộ của khán giả và cả giới chuyên môn.

NSƯT - Đạo diễn Dư Kim Hoàng lý giải về sự thành công vang dội của "Mekong ký sự" vào thời điểm đó: Đất nước chúng ta là nền văn minh sông nước với hệ thống kênh rạch chằng chịt mang lượng phù sa dồi dào bồi đắp cho hai bờ. Chính vì vậy, khi ngược dòng Cửu Long tìm về thượng nguồn, bộ phim "Mekong ký sự" đã đánh vào đúng tâm lý và khát khao của người dân Việt Nam nói chung và người dân ĐBSCL nói riêng được biết về diện mạo của dòng sông đã nuôi dưỡng biết bao thế hệ cho đến tận hôm nay và sau này.

Và đó là lý do mà ngay khi ra mắt, bộ phim đã gây tiếng vang, chiếm được tình cảm của khán giả cả hai miền Nam – Bắc và trở thành huyền thoại để mỗi khi nhắc đến, khả năng và cái tầm của ê-kíp nói riêng và HTV nói chung lại được khẳng định trong lĩnh vực truyền hình. "Sự đón nhận và yêu mến của khán giả dành cho bộ phim là lời khen tặng vinh dự nhất dành cho đoàn làm phim" - NSƯT - Đạo diễn Dư Kim Hoàng tâm sự.

Nhà báo, nhà biên kịch Trần Đức Tuấn - một trong những thành viên có đóng góp rất lớn cho bộ phim "Mekong ký sự" - đối mặt với hiệu ứng độ cao địa hình và phải nhờ vào dưỡng khi mang theo

Vinh quang đó, niềm vui đó, khi vượt qua khó khăn, mỗi thành viên trong ê-kíp như chiến thắng chính bản thân mình. Thế nhưng, có những gian nan, sự cố bất ngờ "đẩy" đoàn làm phim đến những quyết định khó khăn. "Còn nhớ khi đến Ngọc Thụ (Trung Quốc), trước khi đoàn di chuyển đến khu vực gần về phía thượng nguồn sông Mekong, một thành viên đã phải tạm dừng chuyến hành trình để đảm bảo sức khỏe và tính mạng" - Nhà báo Trần Đức Tuấn hồi tưởng.

Cái bắt tay giữa người "đứng mũi chịu sào" - tổng đạo diễn với quay phim, giữa người cha với con trai khi quay phim Việt Phước phải ở lại dưỡng sức khỏe một mình tại Ngọc Thụ (Trung Quốc), còn đoàn làm phim sẽ tiếp tục chuyến hành trình

"Đó là quay phim Việt Phước - cũng là con trai của cố NSND Phạm Khắc. Có thể nói, đó là điều mà không ai mong muốn. Đêm đó ở Ngọc Thụ, NSND Phạm Khắc gần như không ngủ vì lo cho con trai phải ở lại nơi hẻo lánh một thân một mình, không biết tiếng, chỉ có phiên dịch viên người Trung Quốc hỗ trợ khi cần thiết. Bằng trách nhiệm của tổng đạo diễn, NSND Phạm Khắc vẫn tiếp tục dẫn đoàn lên tiếp vùng đất cao hơn, hoàn thành sứ mệnh ghi hình chân dung con sông Mekong nơi thượng nguồn" - NSƯT - Đạo diễn Dư Kim Hoàng cho biết.

Đạo diễn Dư Kim Hoàng bị chó ngao cắn khi đang thực hiện ghi hình

Không chỉ vậy, nước mắt đằng sau bộ phim là điều mà khán giả chưa từng được biết đến. Ngay khi đoàn làm phim vừa lên đường thực hiện "Mekong ký sự", tại nhà riêng của NSƯT - Đạo diễn Dư Kim Hoàng đã bị trộm vào lấy hết tài sản. Để đảm bảo cho chuyến hành trình của đoàn làm phim được thông suốt, gia đình và cơ quan "tạm giấu" tin "dữ", không cho đạo diễn Dư Kim Hoàng biết. 

Trước khi về Việt Nam, đoàn đến Quảng Châu (Trung Quốc) thì đạo diễn cũng được cơ quan cho biết "hung tin". Trở về Việt Nam lúc giữa đêm với thân thể đau nhức do bị chó ngao cắn khi đang thực hiện nhiệm vụ tiếp cận và ghi hình cho bộ phim, nhìn cánh cửa nhà bị niêm phong và phải gọi công an phường mới được vào, trong nhà bị trộm lục tung, người đạo diễn cứng rắn của "Mekong ký sự" đã yếu lòng. "Bẽ bàng là cảm giác của tôi lúc đó. Kéo chiếc vali vào gian phòng khách, nhìn quang cảnh xung quanh, lại thêm cơn đau từ vết chó cắn, tự dưng lúc đó tôi không còn chút sức lực nào, chỉ ngồi phịch xuống vali và rơi nước mắt" - đạo diễn Dư Kim Hoàng nhớ lại.

Đầu nguồn sông Lan Thương (tên gọi sông Mekong trên địa phận Trung Quốc) là mục tiêu là đoàn làm phim mong muốn khám phá và chinh phục (Ảnh do cố NSND Phạm Khắc chụp)

Biết bao hiểm nguy mà đoàn làm phim đã trải qua, biết bao khó khăn tưởng chừng khiến họ phải chùn bước. Thế nhưng, bằng sự quả cảm, ý chí, niềm đam mê và sự dấn thân với nghề, ê-kíp "Mekong ký sự" đã làm nên một bộ phim huyền thoại trong lòng công chúng. Có người dù đã mất, đã về hưu nhưng tất cả ký ức về bộ phim, sự tán thưởng của khán giả, sự nhìn nhận của giới chuyên môn là món quà, sự tri ân to lớn của khán giả dành cho đoàn làm phim. Để rồi khi được hỏi "nếu được quay lại thời điểm đó, đạo diễn có chọn tham gia vào cuộc hành trình tìm về cội nguồn sông Mekong không" thì NSƯT - Đạo diễn Dư Kim Hoàng đã trả lời ngay lập tức, không do dự: tôi chưa từng hối hận về quyết định đó, nên câu trả lời luôn là "có". Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã nói lên được cái tình của mỗi thành viên dành cho bộ phim và tình cảm chân thành sẽ chạm được đến trái tim của khán giả!

Thanh Nhàn