Doanh nghiệp Việt chủ động thích ứng với biến động thuế quan toàn cầu

HOÀNG HƯƠNG - TIẾN DŨNG - TRÚC QUỲNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 23/2/2025, 08:41

(HTV) - Trong bối cảnh chính sách thuế quan toàn cầu liên tục biến động, đặc biệt là các biện pháp bảo hộ thương mại từ Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh các giải pháp chủ động, linh hoạt để thích ứng và duy trì đà xuất khẩu.

Tác động từ chính sách thuế của Mỹ

Xuất khẩu thép Công ty TNHH Công nghiệp Chính Đại 

Nhôm và thép của Việt Nam hiện đang chịu mức thuế lần lượt là 10% và 25% theo Mục 232 mà Mỹ áp dụng từ năm 2018. Mới đây, mức thuế đối với nhôm của Việt Nam đã tăng thêm 15 điểm phần trăm. Điều này cho thấy, việc chủ động xây dựng các phương án sản xuất kinh doanh, đa dạng thị trường và linh hoạt hướng đi là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Ông Đồng Đức Trọng - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Chính Đại

Ông Đồng Đức Trọng - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Chính Đại, cho biết: "Chúng tôi đã làm việc với bộ phận pháp chế tại Mỹ và Việt Nam để đánh giá các mã hàng bị ảnh hưởng. Dù chính sách điều chỉnh mức thuế không ảnh hưởng ngay đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp, chúng tôi vẫn chủ động xây dựng kế hoạch thích ứng. Thay vì tập trung vào các sản phẩm thô, chúng tôi sẽ tập trung vào các sản phẩm có giá trị cao hơn."

Chủ động thích ứng, đa dạng thị trường

Sự chủ động của doanh nghiệp là yếu tố then chốt trong bối cảnh toàn cầu nhiều bất định như hiện nay. Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách thương mại của Mỹ không chỉ là vấn đề song phương mà còn tác động đến cả chuỗi cung ứng toàn cầu, nơi Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng.

Ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách

Ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, nhận định: "Chính sách thương mại của Mỹ không chỉ tác động đến Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, doanh nghiệp Việt cần chủ động nâng cao năng lực sản xuất, tìm kiếm và thiết lập các chuỗi cung ứng mới, đa dạng thị trường để giảm thiểu tác động của thuế nhập khẩu cao từ Mỹ."

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế, chia sẻ thêm: "Việt Nam cũng có một số mặt hàng chịu mức thuế phòng vệ. Do đó, nếu có sự hưởng lợi nào đó thì cũng chỉ là ngắn hạn. Trong bối cảnh hiện nay, không có quốc gia nào có thể hưởng lợi từ các chính sách thuế quan của Mỹ đối với các mặt hàng có nguy cơ xuất siêu vào Hoa Kỳ."

Trước đây, cộng đồng doanh nghiệp thường tập trung xuất khẩu sang các thị trường chính như Mỹ, EU. Tuy nhiên, các biện pháp thuế quan gần đây buộc doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược kinh doanh, nâng cao năng lực phản ứng với các biện pháp thuế quan, chủ động về nguyên liệu, cải thiện công nghệ để giảm giá thành, và đa dạng hóa thị trường.

Giải pháp từ chính phủ và hiệp hội

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cũng đề xuất: "Chính phủ và các hiệp hội cần tiếp tục thực hiện các biện pháp vĩ mô để cải thiện ở tầm quốc gia, đây là giải pháp quan trọng nhất. Thứ hai là giúp các doanh nghiệp đảm bảo được xuất xứ, đáp ứng yêu cầu của Mỹ để tránh tình trạng giả mạo xuất xứ vào Mỹ, làm ảnh hưởng đến Việt Nam."

Các biến động của chính sách thương mại toàn cầu đang đặt ra những khó khăn, thách thức mới đối với doanh nghiệp. Cùng với sự đồng hành, hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp cần tăng cường khai thác lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), chủ động trong phương án sản xuất kinh doanh để kịp thời thích ứng với sự thay đổi của các chính sách thương mại hiện nay.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: