Cánh diều vàng "Bên kia sông": Từ đời thực đến màn ảnh

"Bên kia sông" vừa được vinh danh ở hai hạng mục rất quan trọng của Cánh diều vàng 2018, đó là Phim Truyền hình xuất sắc nhất và Biên kịch phim truyền hình xuất sắc nhất.

Một dòng trên đây, tuy ngắn ngủi là vậy, nhưng lại là kết quả của những tháng ngày dài nhọc nhằn, là sự ghi nhận cho những nỗ lực không ngừng nghỉ, cho sự kiên trì để vượt qua những thử thách muôn hình vạn trạng, để câu chuyện "Bên kia sông" từ trên trang giấy có thể thành hình nên những thước phim như khán giả đã được thưởng thức. Những thử thách đó không chỉ đơn thuần là những đại cảnh, những phục trang, đạo cụ, những phân đoạn khó... 

NSƯT Tạ Minh Tâm vào vai ông trùm Hai Tuấn

Sản xuất năm 2013, "Bên kia sông" là cuộc hội ngộ ngẫu nhiên và kì diệu, như một chữ Duyên, giữa các thành viên trong ê-kip phim. Bộ phim truyền hình này có những bộ đôi làm việc với nhau hết sức ăn ý, như: hai chủ nhiệm phim là nghệ sĩ quá cố Long Hải và chủ nhiệm Trường Giang; hai đạo diễn là Đỗ Phú Hải và Phạm Ngọc Châu; hai biên kịch là Ngô Hoàng Giang và Minh Diệu; hai vai diễn mang sức nặng trong phim NSƯT Tạ Minh Tâm (trùm Hai Tuấn) và NSƯT Tuyết Thu (vai vợ trùm Hai Tuấn) cũng là cuộc tái ngộ đầy thú vị. Nếu ở lần hợp tác đầu tiên trong "Blouse trắng", NSƯT Tạ Minh Tâm và NSƯT Tuyết Thu vào vai đối thủ một chín một mười, thì ở "Bên kia sông", họ vào vai vợ chồng, nhưng có tính cách hoàn toàn trái ngược.

NSƯT Tuyết Thu trong "Bên kia sông"

Hay với các diễn viên khác, những vai dù lớn hay nhỏ, xuất hiện nhiều hay ít, cũng đều thực sự có cá tính, đều thực sự sống một cách rất đời, rất chân thực trong phim. Đó là một Nga điên (NSƯT Mỹ Uyên đóng) - tạo hình dựa trên hình mẫu của Dung "Hà" – giang hồ nổi danh đất Cảng - một trong những "bóng hồng" ảnh hưởng lớn tới "sự nghiệp tội phạm" của Năm Cam; đó là nhà báo Ngọc Lan (Lý Thanh Thảo đóng) với một phong cách rất Nhà Báo, được mượn từ chính cuộc đời xông pha tác nghiệp trong những lần đeo bám các vụ án, những cuộc điều tra, những tháng ngày theo mảng chính trị xã hội của biên kịch phim. Những người - dù đóng vai trò lớn và bao quát, hay chỉ chăm chút cho một khâu nhỏ -  trong ê-kip "Bên kia sông" năm ấy, đã cùng nhau - với một chất keo dính mang tên nhiệt huyết, đam mê và trách nhiệm - đã đưa bộ phim đi qua chặng đường gian khó, để rồi về đích với những quả ngọt mà họ vốn dĩ cũng không nghĩ tới. 

"Bên kia sông" - Từ trăn trở hiện thành những con chữ, những thước hình

Đạo diễn Phạm Ngọc Châu (đeo kính) trên phim trường "Bên kia sông"

Cũng như một bài nhạc, một cuốn sách, phim truyền hình là một sản phẩm văn hóa, trong đó chuyển tải đi những thông điệp, những trăn trở của tác giả. Nếu như bài nhạc, cuốn sách là do một hoặc một vài người tạo nên, thì phim truyền hình là hành trình của rất nhiều nhân lực, trong đó phải kể đến người đặt nền móng, xây dựng  nên hình hài cho câu chuyện từ trang giấy - biên kịch. Những người làm việc liên quan đến truyền thông hẳn ít nhiều đều đã nghe qua câu slogan "content is King" (tạm dịch: nội dung là Vua). Và công việc của một biên kịch - người tạo nên nội dung ban đầu - chính là tạo nên mảnh ghép đầu tiên và quan trọng trước nhất để quyết định bộ phim có đáng xem, đáng nhớ hay không? Đối với "Bên kia sông", hai cái tên được vinh danh ở hạng mục Biên kịch phim truyền hình xuất sắc nhất, chính là Minh Diệu và Ngô Hoàng Giang. 

Trong giới hạn bài viết này, người viết chỉ xin được nói về Minh Diệu - đồng biên kịch cùng Ngô Hoàng Giang. Minh Diệu được nhiều khán giả biết đến với vai trò một nhà báo, một biên tập năng lực và tận tâm với các phim tài liệu, phóng sự chất lượng phát trên sóng HTV. Và nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi biết, "Bên kia sông" là kịch bản đầu tay của Minh Diệu, với tư cách một biên kịch phim truyền hình - lại nhận được giải cao ở Cánh diều vàng 2018. Nhưng khi biết được những câu chuyện đằng sau khoảng thời gian viết phim ngắn ngủi ấy là cả gần 1/4 chặng đường đời, chặng đường nghề đầy những thăng trầm, thì cái ngạc nhiên ấy sẽ không còn nữa. Đọng lại chỉ còn là sự rung cảm và ngưỡng mộ trước một người nghiêm túc, nhiệt thành, tận tâm với công việc và luôn ý thức lưu giữ những trải nghiệm trong quá trình tác nghiệp của mình. Để rồi khi thời điểm đến, tất cả những chất liệu đã góp nhặt được ấy trở thành những hình ảnh vô cùng sống động và chân thực trên phim. 

"Bên kia sông" - Góp nhặt từ một chặng đường rất dài

Khán giả biết đến Minh Diệu qua những thước phim tài liệu, phóng sự chất lượng

Minh Diệu trước khi chuyển sang làm báo, đã từng làm trong ngành công an. Ngay cả khi làm báo, chị cũng theo đuổi mảng chính trị xã hội - một lĩnh vực không hề dễ dàng, thậm chí là nguy hiểm. Trên con đường nghề của mình, Minh Diệu có cơ hội được gặp gỡ với những người ở những địa vị khác nhau, lắng nghe được nhiều câu chuyện ở đa dạng những góc nhìn khác nhau. Càng làm nghề, Minh Diệu càng hiểu rõ thêm rằng, bất kì ai - dù là tội phạm hay không - thì phía sau họ luôn có những câu chuyện, những số phận. Trò chuyện và thấu hiểu những con người đó, Minh Diệu cũng thu nhặt cho mình những chất liệu cuộc sống vô cùng sống động. 

Minh Diệu đứng cạnh nhà báo kì cựu Trần Đức Tuấn cùng ê-kip TFS

Phải nói đến Minh Diệu của những năm đôi mươi - với cái tôi khát vọng học hỏi và một niềm yêu thích lớn dành cho phim ảnh. Nhưng thời điểm phải chọn giữa cuộc sống và đam mê, Minh Diệu chọn nuôi sống bản thân và gia đình trước, trong khi vẫn nuôi dưỡng đam mê và tin một ngày nào đó sẽ biến nó thành hiện thực. Trong quá trình công tác, Minh Diệu vẫn luôn khao khát được học hỏi. Chị đi học và tự học rất nhiều. Cũng nhờ đó, chị có những mối duyên khi được làm học trò, người phụ việc của những người thầy là những nhân cách lớn, những cây đa cây đề trong lĩnh vực phim ảnh của nước nhà, đó là: Đào Bá Sơn (đạo diễn "Long thành cầm giả ca"), Nguyễn Vinh Sơn (đạo diễn "Đất phương Nam"), Nguyễn Tường Phương (đạo diễn "Đất mặn"), Trần Đức Tuấn (biên kịch "Mê Kông ký sự")... Và rồi, trong một lần dự hội thảo ở Bình Dương, chị đã có cuộc hội ngộ tình cờ với NSƯT Nguyễn Việt Hùng (Giám đốc TFS lúc bấy giờ) và vợ của ông là biên kịch Ngô Hoàng Giang. Sau khi nghe những câu chuyện của Minh Diệu - một người từng trải và yêu thích phim ảnh, họ đã khích lệ chị bắt tay vào viết kịch bản. 

Biên tập, biên kịch Minh Diệu

Một người chưa từng viết kịch bản, không biết các kĩ thuật để cài cắm, xây dựng tuyến truyện, tuyến nhân vật... là Minh Diệu, đã được biên kịch Ngô Hoàng Giang "đào tạo nóng". Chỉ sau một buổi chiều ngắn, thầy trò Ngô Hoàng Giang và Minh Diệu bắt tay vào xây dựng đề cương chi tiết và tiến hành viết từng tập phim, bằng những chất liệu rất đắt, rất thật - có được bằng chính mồ hôi và nước mắt của biên kịch. Vẫn phải nói về Minh Diệu trong giai đoạn đó, ngày ngày chị vẫn làm công tác báo chí, và viết kịch bản phim là công việc chỉ được làm vào đêm, khi tất cả những trọng trách khác đều đã hoàn tất. Nếu bạn hỏi năng lượng ở đâu mà Minh Diệu có thể làm được điều đó, thì có lẽ niềm yêu thích dành cho phim đã giúp chị viết hăng say như vậy. Sự thực là, một người yêu viết sẽ viết không biết mệt mỏi khi viết. Dù rằng, có những lúc do làm việc quá sức, chị cũng vừa viết vừa gục!

Minh Diệu trong một chuyến làm phim tài liệu

Hoàn tất kịch bản và ghi hình từ năm 2013, nhưng "Bên kia sông" phải chờ mãi đến giữa cuối năm 2018 mới đến được với đông đảo khán giả màn ảnh nhỏ. Phim đã tạo nên những tình cảm đẹp trong lòng người xem, với thông điệp mạnh mẽ về nhân sinh, rằng đằng sau mỗi người - dù ác hay thiện - đều có một gia đình, và cảm thức trước cách ứng xử không truy cùng giết tận trước mỗi số phận, mỗi con người, dù họ sai trái đến đâu. "Bên kia sông" cũng là một dấu ấn đẹp trong sự nghiệp của những con người giàu nhiệt huyết, với trái tim chân thành. Giải thưởng đạt được tại Cánh diều vàng 2018 như một lời tri ân tới ê-kip bộ phim, với những người đang sống và cống hiến, và với người đã về với cát bụi. Sau "Bên kia sông", Minh Diệu vẫn tiếp tục công tác của mình, lăn xả cùng các đoàn phim để tạo nên những thước phóng sự, phim tài liệu đáng quý, trong đó phải nhắc đến "Trường Sa nơi ấy là tình yêu", "Ký sự biển đảo quê hương" thực hiện cùng các êkip của TFS. Chị cũng đã viết thêm kịch bản phim "Rừng thiêng" - cũng với đề tài xã hội, chống tham nhũng. Hiện "Rừng thiêng" đã hoàn tất ghi hình và đang trong thời gian hậu kì. Dự kiến, phim sẽ được phát sóng vào tháng 9/2019.


"Bên kia sông" 

Biên kịch: Minh Diệu – Ngô Hoàng Giang
Đạo diễn: Đỗ Phú Hải – Phạm Ngọc Châu
Các diễn viên: NSƯT Tạ Minh Tâm (vai trùm Hai Tuấn), NSƯT Việt Anh (Chủ tịch MTTQ Năm Cảnh), NSƯT Mỹ Uyên (Nga điên), NSƯT Thanh Điền (Thiếu tướng Tám Nghĩa), NSƯT Tuyết Thu (Minh Thùy – vợ hai Tuấn), Quách Hồ Ninh (Ngọc đen), Bích Trâm (Lam Hà), Hữu Tiến (Trung tá Thế Mạnh), Tùng Haru (Thiếu tá Sỹ Hùng), Lý Thanh Thảo (nhà báo Ngọc Lan)… 

Khán giả có thể xem lại "Bên kia sông" trên Hplus.com.vn.
Thiên Bình